Hiện đại hóa đưa sinh hoạt con người lên tầm cao hơn, đáp ứng nhu cầu của con người tròn vẹn hơn. Nói chung, hiện đại hóa trong hàu hết trường hợp là nhóm từ diễn tả sự tốt đẹp, cái vươn lên; nhưng ngộ lắm, ở Việt Nam gần đây khi nghe tới hiện đại, đám đông bỗng nghĩ ngay tới ... hại điện.

Đất nước có nhiều hiện đại hóa đều đặn nhất nhì thế giới là Hoa Kỳ, siêu cường duy nhất của địa cầu tính đến hôm nay. Tuy vậy không phải lúc nào người Mỹ cũng hiện đại hóa kịp với những quốc gia khác. Trong những thập niên trước, xe hơi Hoa Kỳ hiện đại nhất, nhờ to nhất, máy mạnh nhất và ... uống xăng cũng nhiều nhất, nên cũng làm ô nhiểm môi trường nặng hơn (hại điện ?); cuối cùng thì các đại gia xe hơi Hoa Kỳ hiện đang lãnh thẹo lia chia. Xin chính phủ viện trợ, khai phá sản, đóng cửa hàng loạt các chi nhánh bán xe, sa thải nhân công; một trong những công việc đầu tiên ông tân TT. Obama phải xắn tay áo nhào vào ngay sau khi “mu” vào Tòa Bạch Oác là giải quyết rắc rối cho các đại gia ở Detroit.

Năm ngoái ngành truyền hình và truyền thanh của Hoa Kỳ cũng có một cú hiện đại hóa nặng ký. Chính phủ buộc “ông truyền hình” phải chuyển sang kỹ thuật digital, “ông truyền thanh” tuy không bị bắt buộc nhưng cũng nhận được sự khuyến khích nên chuyển sang kỹ thuật digital. Trong nước Việt Nam ta, “kỹ thuật digital” được diễn nôm là “kỹ thuật số”.

Hiện đại hóa mỗi nước có kiểu cách khác nhau. Các nuớc Cộng Sản còn sót lại trên thế giới hiện đại hóa theo kiểu “tốt khoe xấu che”. Ở Việt Nam có nhà siêu mỏng với chiều sâu chỉ 1 thước nhưng từ phía trước nhìn vào bề ngang mặt tiền thì ... hoành tráng quá trời. Xây cất hạ tầng cơ sở thì có PMU 18 hiện đại hóa ngành này với ... kỹ thuật xi măng cốt tre. Xe ba bánh cũng bị cấm ngang xương không biện pháp mưu sinh thay thế khiến chính cựu cán binh của chế độ phải la làng chói lói. Nói như vầy không có nghĩa là phủ nhận Việt Nam dưới chế độ Cộng Sản không có hiện đại hóa đô thị thật sự, vì quả thật các đô thị Việt Nam nay bề ngoài đã chuyển mình rất rõ ràng, dù không ưa chế độ Cộng sản thì cũng không thể phủ nhận được (chứng nhân là hàng triệu người Việt từ nước ngoài về); tuy nhiên cũng không thể phủ nhận được là còn rất nhiều chuyện ... hại điện như vừa kể. Ở Trung Hoa vừa tổ chức Olympic khiến thế giới phải gật gù khen ngợi, tuy vậy thế giới cũng sẽ không quên chuyện Cộng Sản hiện đại hóa Olympic bằng đốt pháo bông giả trên Internet và cho ca sĩ tí hon hát nhép lừa khán giả khắp quả địa cầu.

Trở lại chuyện hiện đại hóa truyền hình, truyền thanh ở Hoa Kỳ, chính phủ buộc truyền hình phải đổi sang kỹ thuật digital để hình ảnh rõ nét, sắc sảo hơn, âm thanh cũng vậy. Nhưng muốn bắt được những làn sóng truyền hình digital, dân chúng phải có máy truyền hình digital, chính phủ bèn cấp cho mỗi gia cư hai phiếu trợ giá mua converter box, dùng gắn vào máy truyền hình cũ để có thể bắt được làn sóng phát hình kỹ thật mới. Đây là sự khác nhau giữa hiện đại hóa có trách nhiệm và ... hiện đại hóa bất cần thân thể.

Với kỹ thuật digital, các đài truyền hình và truyền thanh hiện hữu ở Hoa Kỳ mỗi đài có thể tạo thêm một số “đài vệ tinh” của mình. Chẳng hạn như tổng đài phát thanh 106.3 FM có thể tạo thêm nhiều đài phát thanh như 106.3 HD-1, 106.3 HD-2, 106.3 HD-3, vv ... Bên truyền hình, các đài truyền hình bắt coi được trong vùng Los Angeles, Orange County và các vùng lân cận như VHF thì có các đài 2,4,5,7,9,11,13, vv ..., còn UHF thì có 18, 28, 34, 44, 52, 57, vv ... . VHF (Very hight frequency), UHF (Ultra hight frequency), tiếng Việt ta gọi theo kiểu bình dân VHF là các đài gần, UHF là các đài xa.

Sau khi áp dụng kỹ thuật digital có thể có thêm các “đài vệ tinh” xung quanh đài hiện có, các tổng đài truyền hình VHF rất hạn chế “đẻ” thêm “đài vệ tinh”, nếu có “đẻ” thêm thì cũng dùng cho chính mình, như đặc biệt về thời tiết, hay thể thao chẳng hạn. Lý do là vì các đài truyền hình VHF lấy được nhiều quảng cáo, và với giá rất cao. Nhưng về phía các đài truyền hình UHF thì khác, xưa nay nói chung họ là những đài phát chương trình của các sắc tộc khác, hoặc về tôn giáo, hay phục vụ công cộng. Truyền hình UHF vì vậy không có lợi tức lớn lao như phía VHF.

Vì vậy khi có kỹ thuật digital, đa số các tổng đài UHF đã hăng hái tạo thêm “đài vệ tinh” để cho mướn hầu kiếm thêm lợi tức. Cái giá cho mướn đài của họ thật là ... hại điện. Trước đó, các programmers Việt Nam mướn 1 giờ truyền hình UHF phải chi trung bình chừng 2,000 đô la; do vậy trong khi truyền thanh Việt ngữ phát triển ào ào thì truyền hình Việt ngữ rất giới hạn. Vì các cơ sở thương mại gốc Việt làm gì có thể chi chục ngàn hay trăm ngàn đô la cho một lần chạy quảng cáo như phía Mỹ (dám chi cả triệu đô la cho một vài phút quảng cáo giữa các trận thể thao hút khách coi) ?.

Sau Tết Aâm lịch vừa qua, dân gốc Việt Little Saigon chưng hửng thấy có quá nhiều đài truyền hình Việt ngữ đồng loạt xuất hiện trên các làn sóng UHF địa phương với những chương trình 24/24. Nếu giá cả vẫn như xưa thì các chủ nhân những chương trình này phải là triệu – triệu phú, nhưng bây giờ từ 1 giờ khoảng 2,000 đô la sụt xuống khoảng 15,000 đô la cho 1 tháng, đó là lý do nhiều đài truyền hình Việt ngữ xuất hiện.

Nhân Mỹ hiện đại hóa truyền hình, dân gốc Việt phát triển truyền hình Việt ngữ là một điều tốt. Tuy nhiên thực hiện chương trình truyền hình phức tạp và tốn kém nhiều lần hơn truyền thanh, vì vậy song song với sự có mặt đông đảo đáng mừng, là tình trạng đáng lo về phẩm chất. Tự mình không thực hiện nổi hết một chương trình 24/24 suốt tháng, suốt năm, các đài truyền hình Việt ngữ ở đây bèn phải mò về Việt Nam mua các chương trình trong nước đem ra đây chiếu lại. Nếu các chương trình mua lại thuộc về giới thiệu phong cảnh, văn hóa, du lịch của đất nước thì còn được; nhưng mua cả các chương trình truyền hình thuộc loại “đố vui”, “thi đua”, đem ra đây chiếu thì khán giả phải bị bực bội với câu hỏi nặng về chính trị : có còn lằn ranh Quốc – Cộng không ? Và làm bật lên cái sự “đói chương trình” của các đài truyền hình Việt ngữ. Cái “đói” này còn được thể hiện bằng những chương trình chiếu lại phim bộ Hàn quốc, Trung quốc. Má ơi, vặn các đài truyèn hình UHF lên coi, gặp đài Hoa ngữ thì chiếu phim bộ Trung quốc, gặp đài Hàn ngữ thì chiếu phim bộ Hàn quốc, vặn sang các đài Việt ngữ thì lại cũng thấy chiếu ... phim bộ Trung, Hàn quốc đã chuyển sang tiếng Việt; má ơi là má, sao mà “đói khổ” quá vậy cà ? Cái “đói khổ” này còn đụng chạm đến lòng tự ái dân tộc của khán giả gốc Việt nữa đấy.

Làm truyền hình vay mượn lung tung thì ... làm mẹ gì cho mệt xác, tốn tiền ? Và để nói lên cái gì ? Khoe cái “đói khổ” về khả năng nghề nghiệp chăng ?

Một điều cũng lạ, nếu các đài truyền thanh Việt ngữ làm chương trình theo kiểu mua lại những chương trình trong nước như vậy thì chắc chắn đã nghe chửi rủa, chống đối, thậm chí là biểu tình chống Cộng rồi đấy. Nhưng với các đài truyền hình Việt ngữ hiện tại, khán giả cười ruồi bỏ qua. Hình như với độc giả, khán thính giả Việt ngữ ở địa phương này, báo giấy – báo nói mới có trình độ chính trị đáng để ý, còn báo hình thì chỉ ... vậy vậy thôi, hu ke ?!

Gần cuối năm 2008, một đài truyền thanh Việt ngữ là VOV Radio lần đầu tiên đề cập về HD Radio, cho biết họ có thể ký contract với tổng đài 106.3 HD để thực hiện chương trình Việt ngữ 24/24 trên làn sóng HD đầu tiên của 106.3. Cuối cùng, VOV Radio chẳng những không dám ký contract này mà còn bỏ cả chương trình đang có, còn đưa ra tiên đoán các đài truyền thanh Việt ngữ sẽ phải “mệt xỉu” với sự “xuất hiện hội đồng” của các đài truyền hình Việt ngữ, hiện gồm 18.7 VANTV, 44.4 LSTV, 57.4 SET, 57.5 SGTV, 57.6 VBSTV.

Tiên đoán “linh như miễu”.

Mới đây đài truyền thanh Việt ngữ duy nhất có chương trình 24/24 là Little Saigon Radio đã phải cắt bớt thời lượng phát thanh từ 6PM đến 4AM. Khi mà các “ông truyền hình” lấy quảng cáo với giá rẻ phân nửa giá quảng cáo của truyền thanh, thì một số “ông truyền thanh” bắt buộc phải “méo mặt”. Nè, quảng cáo truyền thanh giá cao hơn lại chỉ có tiếng, trong lúc giá của truyền hình thấp hơn mà lại có thêm cái ... hình; thân chủ nhất định phải khoái truyền hình hơn chớ.

Nhưng nếu truyền hình Việt ngữ làm “méo mặt” truyền thanh, thì rồi đây giữa truyền hình với nhau cũng sẽ có một vài “ông truyền hình” méo mặt, vì muốn hay không sự cạnh tranh với nhau cũng sẽ xãy ra. Mặt khác, vấn đề phẫm chất chương trình rồi cũng sẽ tới tai các thân chủ quảng cáo qua lời bình phẩm của khán giả (tức thân chủ của thân chủ quảng cáo). Khi tới tình trạng như vậy, chỉ còn lại một vài “ông truyền hình” còn mạnh giỏi, số khác sẽ ... ngất ngư gần chết !

Lợi là những “ông nào đó” muốn truyền thông Việt ngữ phải luôn luôn trong tình trạng dỡ dỡ ươn ươn, xìu xìu ển ển.
Báo nói và báo hình như vậy, còn báo giấy thì gần đây xãy ra vụ “báo Người Việt mới” muốn ra nhật báo để “cân” “báo Người Việt cũ”. Cứ đọc tin, nghe đồn qua nói lại, thì “ông Người Việt mới” này chỉ “ân oán giang hồ” với “ông Người Việt cũ” thôi; nhưng e rằng thực tế sẽ không diễn ra như vậy.

Trong một cộng đồng sắc tộc Little Saigon không mấy lớn, hiện chúng ta mỗi ngày có 4 tờ nhật báo để chọn đọc. Cuộc tranh đua giữa họ cũng phải khá khốc liệt, dữ dằn, để tìm cái sống. Thương hay ghét, vẫn phải công nhận “ông Người Việt cũ” mạnh nhất, với “guồng máy rao vặt” chưa ai địch lại. “Oâng Người Việt mới” muốn thanh toán “ân oán giang hồ” với “ông Người Việt cũ” tất nhiên không thẻ không xữ dụng đến cạnh tranh thương mại. Nhưng khi “ông Người Việt mới” làm như vậy, nếu có thiệt hại thì sẽ là thiệt hai chung cho cả 4 “ông” kia, nghĩa là có cả “bà Việt Báo”, “ông Viễn Đông”, “bà Sài Gòn Nhỏ”, chớ đâu phải chỉ riêng “ông Người Việt cũ” ?

Khi ra số “thử nghiệm”, “ông Người Việt mới” nhắc đi nhắc lại “ông” sẽ làm báo ... lương thiện. Đây là chuyện lạ. Nếu chỉ dựa vào lương thiện mong giải quyết được “ân oán giang hồ” với “ông Người Việt cũ”, e rằng “ông Người Việt mới” đang ... đi trên mây, hay ... đi trên cây ! Tỉnh lại, bớ cha nội !

Năm Con Trâu 2009 cũng là năm Con Rùa của kinh tế Hoa Kỳ. Đã vậy, vụ hiện đại hóa truyền hình, truyền thanh Mỹ lại hóa ra là “chiện lớn” của một nền truyền thông nhỏ xíu mang tên truyền thông Việt ngữ, trực tiếp và gián tiếp.

Truyền thanh đã “té giếng”, rồi truyền hình cũng phải “lọt hố” thôi, và báo giấy sẽ có một tương lai khó khá. Nói chung, cả giới truyền thông Việt ngữ chỉ “được” cùng “chết đến bị thương”, thu được lợi nếu có chăng thì họa là “ai đó” không dính dấp chi đến giới này.

Hê men, nói kiểu vừa nói không có nghĩa là muốn chụp mũ đâu, nghe bà con!
Tư Đầm Đầm
Trích từ Con Cò số 1 tháng 7 năm 2009