12:01:am 21/07/10
Tác giả: Nguyễn Gia Kiểng

Trong bài “Vài khẳng định cần thiết” nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày 30-4-1975, tôi đã nói đến một di sản đau buồn của cuộc nội chiến điên dại 1945-1975 cần phải trút bỏ, đó là chế độ cộng sản. Lần này xin được góp ý về một di sản khác cần được vượt qua: cờ vàng ba sọc đỏ.

Trước hết xin trình bày một nhận xét nhức nhối.

Trong tình trạng hiện nay, cộng đồng người Việt hải ngoại có vai trò tiềm năng chiến lược quyết định trong cuộc vận động dân chủ và cũng có thể đảm nhiệm vai trò đó một cách mãnh liệt. Người Việt hải ngoại – khối người định cư tại các nước phương Tây, Đông Âu và khối người xuất khẩu lao động – gửi về Việt Nam gần mười tỷ USD mỗi năm. Nếu chỉ kể khối người định cư tại các nước phương Tây (Hoa Kỳ, Canada, Châu Âu, Úc), với thu nhập tương đương với GDP của Việt Nam, thì số tiền gửi về để giúp gia đình, đầu tư và du lịch cũng trên 4 tỷ. Ngay cả nếu ta trừ đi số tiền khá lớn nhưng khó ước lượng được gửi lén lút từ trong nước ra nước ngoài, rồi sau đó lại được chuyển ngược lại về Việt Nam trong qui trình tẩy tiền bẩn thì đóng góp của cộng đồng người Việt hải ngoại cho kinh tế Việt Nam cũng vẫn lớn hơn viện trợ của bất cứ siêu cường nào. Nếu tìm được một đồng thuận để vận động dân chủ thì đây sẽ là một sức ép mà chính quyền cộng sản không thể chống trả và tình hình có thể thay đổi nhanh chóng.

Ngoài ra còn một khối trên 300,000 người tốt nghiệp đại học với khả năng chuyên môn cao trong tất cả mọi bộ môn và hiện diện trong mọi sinh hoạt tại các nước tiên tiến; khối người tinh nhuệ này vừa là một hứa hẹn to lớn cho đất nước vừa là một khả năng vận động hậu thuẫn quốc tế cũng to lớn không kém cho cuộc vận động dân chủ hoá đất nước. Hàng năm, hàng trăm nghìn người từ nước ngoài về nước tiếp xúc với mọi thành phần xã hội tại mọi nơi trong nước.

Cần gạt bỏ một luận điệu chủ bại vô lý theo đó ở nước ngoài chẳng làm được gì. Phải khẳng định là cộng đồng người Việt hải ngoại có khả năng đánh bại chế độ cộng sản nếu đoàn kết, có quyết tâm và phương pháp.

Tuy vậy thực tế chua xót là cho tới nay người Việt hải ngoại đã chỉ cúi đầu mà nộp tiền, trong khi chế độ cộng sản sống nhờ cộng đồng người Việt hải ngoại một cách hống hách. Họ muốn cho ai được về thăm nhà tùy ý, những người được về nước cũng phải nơm nớp lo sợ có thể bị hạch sách, câu lưu, trục xuất, thậm chí bắt giam. Chúng ta bất lực vì chia rẽ.

Một lý do của sự chia rẽ đưa đến bất lực này là cách làm chính trị nhân sĩ, tranh đua gây tiếng vang thay vì xây dựng lực lượng để đấu tranh có tổ chức và bài bản. Tôi đã nói khá nhiều về cái tệ nhân sĩ này. Ở đây chỉ nói lại cho rõ thêm một điều, đó là tư cách nhân sĩ tự nó không có gì đáng trách. Trong mọi giai đoạn và mọi hoàn cảnh luôn luôn có những người cần thiết và đáng quý trọng không tham gia một tổ chức nào vì do hoàn cảnh cá nhân không muốn hoặc không thể hoạt động chính trị. Họ là những chuyên gia, những nhà khảo cứu hay những nhà bình luận. Điều đó không cấm cản họ phát biểu trực tiếp hay gián tiếp trên những vấn đề chính trị. Họ có thể đóng góp soi sáng nhiều khía cạnh của cuộc vận động dân chủ, tiếng nói của họ còn có trọng lượng của sự khách quan.

Điều đáng lên án là cách hoạt động chính trị nhân sĩ, không chịu khép mình vào một tổ chức nào nhưng vẫn có tham vọng chính trị, mỗi khi thấy tình hình có vẻ thuận lợi thì rủ nhau ra tuyên ngôn tuyên cáo, thành lập vội vã những kết hợp lỏng lẻo tạm bợ và cố gây tiếng vang tối đa. Lối hoạt động chính trị này không thể đem lại kết quả nào bởi vì đấu tranh chính trị bao giờ cũng phải là đấu tranh có đội ngũ, nó chỉ có tác dụng làm lỡ những cơ hội tốt, phá đám cuộc đấu tranh cho dân chủ bằng cách đánh lạc sự chú ý khỏi những cố gắng nghiêm chỉnh. Rồi sau khi cơ hội qua đi họ chờ dịp để làm lỡ một cơ hội khác.

Một lý do khác là sự lấn cấn về lá cờ vàng ba sọc đỏ. Nhiều người, nhất là trong cộng đồng người Việt tại Mỹ, đòi áp đặt lá cờ này làm biểu tượng cho cuộc vận động dân chủ. Họ càng ngày càng ít đi, nhưng càng ít đi họ càng cứng rắn hơn trong những hành động phá đám hoặc kêu gọi tẩy chay những cuộc họp không treo cờ vàng và các tổ chức không lấy cờ vàng làm biểu tượng, nhiều khi ngay cả những tổ chức văn hóa hoặc từ thiện và những cơ sở thương mại.

Trong một chuyến đi Mỹ, tôi có hỏi cô con gái một người bạn tôi về các lớp học Việt Ngữ mà cô khởi xướng cùng với một số bạn trẻ. Cô này đáp: “Không phát triển được chú ạ, vì mấy ông cộng đồng mắc dịch cứ tới kiếm chuyện bắt phải treo cờ vàng làm nhiều người ngại không muốn đem con tới”. Thế là một cố gắng duy trì căn cước Việt Nam tại hải ngoại bị thiệt hại. Cần lưu ý một tình trạng báo động là cộng đồng người Việt hải ngoại đang mất căn cước dân tộc một cách rất nhanh chóng. Cứ đà này thì chỉ trong vòng một thế hệ nữa người Việt hải ngoại sẽ không còn biết gì về Việt Nam nữa và cũng sẽ không còn nói chuyện được với nhau bằng tiếng Việt. Lúc đó sẽ khó còn có thể nói tới một cộng đồng người Việt hải ngoại. Lý do căn bản là chúng ta thiếu những tổ chức cộng đồng đúng nghĩa. Nhiều tổ chức tự xưng là cộng đồng không làm công tác cộng đồng, nghĩa là giữ gìn căn cước Việt Nam và tạo liên lạc thân hữu giữa mọi người Việt Nam mà lại làm chính trị, và với nhiều tổ chức tự xưng là “cộng đồng” hoạt động chính trị được coi là đồng nghĩa với áp đặt cờ vàng trong mọi trường hợp. Áp lực cờ vàng mạnh đến nỗi nhiều tổ chức chính trị dù không muốn vẫn phải treo cờ vàng trong các buổi họp.

Vấn đề cờ vàng cần được thảo luận một cách bình tĩnh và trang trọng.

Dù chúng ta nghĩ gì về chế độ Việt Nam Cộng Hòa (danh xưng Việt Nam Cộng Hòa được hiểu là chỉ chung các chế độ Quốc Gia Việt Nam, rồi Việt Nam Cộng Hòa từ 1948 đến 1975) chúng ta vẫn không được quên là đã có hàng trăm nghìn người lương thiện, yêu nước và dũng cảm đã hy sinh dưới lá cờ vàng ba sọc đỏ trong niềm tin rằng mình đang chiến đấu cho một tương lai Việt Nam tự do và dân chủ. Cờ vàng vì vậy phải được tôn trọng, không phải vì những người đã tạo ra nó, hay vì chế độ Việt Nam Cộng Hòa, mà vì những người đã hy sinh cho đất nước. (Một lý luận tương tự cũng phải được áp dụng cho lá cờ đỏ sao vàng của chế độ cộng sản Việt Nam). Gọi nó là lá cờ ba que như chính quyền cộng sản thường làm là một thái độ vô văn hóa ô nhục cho chính những người sử dụng ngôn ngữ hạ cấp đó. Không ai có thể cho là lạ nếu cờ vàng được trưng lên trong những cuộc họp mặt của các hội thân hữu cựu quân nhân và công chức Việt Nam Cộng Hòa, kể cả sau này trên đất nước Việt Nam dân chủ, và trong những buổi lễ tưởng niệm các tử sĩ. Vấn đề không phải là bỏ hay không bỏ cờ vàng. Cờ vàng là một kỷ niệm và người ta không thể thay đổi một kỷ niệm. Vấn đề chỉ là có nên lấy cờ vàng làm biểu tượng cho cuộc đấu tranh cho dân chủ hay không, và nếu không có nên lấy nó làm biểu tượng cho cộng đồng người Việt hải ngoại hay không?

Về câu hỏi thứ nhất – có nên lấy cờ vàng làm biểu tượng cho cuộc vận động dân chủ hay không? – câu trả lời thân thiện nhưng dứt khoát là không. Lá cờ biểu tượng phải tượng trưng cho một di sản đáng tự hào, phải nói lên một mục tiêu chung cao đẹp, một ý chí, một hy vọng, và nhất là phải có khả năng đoàn kết và động viên thật nhiều người. Cờ vàng không đáp ứng một tiêu chuẩn nào trong những tiêu chuẩn này.

Cờ vàng, cũng như cờ đỏ sao vàng, không phải là cờ truyền thống của dân tộc. Trước năm 1945, chúng ta không có quốc kỳ. Vua Thành Thái có lúc đã dùng một lá cờ nền vàng có ba sọc đỏ làm kỳ hiệu của mình, nhưng đó không phải là quốc kỳ mà chỉ là một kỳ hiệu của nhà vua; các vua chúa chọn lựa và thay đổi kỳ hiệu của họ một cách tùy hứng. Cờ vàng như một quốc kỳ đã chỉ được chọn vào năm 1948 bởi một số tay chân cũ của người Pháp hoàn toàn không có một sự chính đáng nào để thay mặt nhân dân Việt Nam quyết định quốc kỳ, với sự chứng kiến của Bảo Đại, ông vua bê bối, bất xứng và vô tích sự đã đầu hàng cộng sản và nhìn nhận cờ đỏ sao vàng là quốc kỳ năm 1945. Vả lại, trên thực tế, cờ vàng cũng chưa bao giờ là một quốc kỳ Việt Nam mà chỉ là cờ của một trong hai phe trong một cuộc nội chiến, cũng tương tự như cờ đỏ sao vàng trước năm 1975, nhưng với một sự chính đáng kém hẳn (cờ đỏ sao vàng vào lúc ra đời đã được hầu hết mọi thành phần dân tộc nhìn nhận).

Các chính quyền lấy cờ vàng làm biểu tượng cũng không phải là những chính quyền dân chủ. Trái lại những người kế tiếp nhau cầm quyền, từ 1948 đến 1975, từ Nguyễn Văn Xuân đến Nguyễn Văn Thiệu, đều chống dân chủ. Do áp lực của Hoa Kỳ, từ 1954 về sau họ bị bắt buộc phải chấp nhận một hình thức dân chủ bề ngoài nhưng họ dùng đủ trò gian trá để biến dân chủ thành một trò hề. Các chính quyền quốc gia đều hoặc tham nhũng hoặc quan liêu, đa số vừa tham nhũng vừa quan liêu. Cũng không có chính quyền nào lấy xây dựng dân chủ làm mục tiêu cả, chỉ có những người chấp nhận chế độ Việt Nam Cộng Hòa với hy vọng thay đổi được nó để xây dựng một nước Việt Nam dân chủ nhưng họ chưa bao giờ nắm được vai trò chủ động. Như vậy cờ vàng từ lúc được kéo lên năm 1948 đến lúc bị hạ xuống năm 1975 chưa bao giờ là biểu tượng của dân chủ cả. Đây chỉ là một ý nghĩa mà một số người gán ghép cho nó từ sau 1975. Chúng ta có thể, và phải, tôn trọng cờ vàng vì những người đã hy sinh dưới lá cờ này, nhưng không phải vì thế mà gán cho nó một ý nghĩa mà trong suốt thời gian tồn tại nó chưa bao giờ có, nghĩa là dùng nó làm biểu tượng cho cuộc đấu tranh vì dân chủ. Nếu coi cờ vàng là tiêu biểu cho dân chủ thì phải hài lòng với một thứ dân chủ giả dối và bệnh hoạn. Cờ vàng càng không thể dùng làm biểu tượng cho cuộc đấu tranh cho dân chủ vì một lý do khác: cuộc đấu tranh nào cũng đòi hỏi ý chí, quyết tâm, lòng tự hào và lòng tin vào thắng lợi, do đó không thể lấy lại lá cờ của một chế độ bạc nhược đã thất bại và đầu hàng.

Việc một số người nằng nặc đòi áp đặt cờ vàng có tác dụng tai hại làm yếu đi phong trào dân chủ tại hải ngoại. Nó là một đòi hỏi quá nghịch lý để có thể chấp nhận được nhưng sự hung hăng của phe cờ vàng – và thái độ sẵn sàng phá đám của một số người trong họ – khiến nhiều người không dám nói ra lập trường của mình. Kết quả là bế tắc và bất lực.

Tác dụng chắc chắn của việc dùng cờ vàng làm biểu tượng cho cuộc vận động dân chủ là ngăn cản sự hưởng ứng của những người đã từng đứng trong hàng ngũ cộng sản, những người xuất phát từ miền Bắc và những người sinh ra sau ngày 30-4-1975, nghĩa là tuyệt đại đa số người Việt Nam. Những người này dù mong muốn dân chủ tới đâu cũng không có lý do để tranh đấu dưới cờ vàng, mà không động viên được họ thì không thể giành được thắng lợi. Họ hoặc không biết đến lá cờ vàng, hoặc chỉ biết đến nó như là lá cờ của một chế độ đã đầu hàng. Vô tình hay cố ý các nhóm cờ vàng tiếp tay cho chính quyền cộng sản, họ ngăn cản sự hình thành của một tập hợp dân chủ mạnh. Trước mắt và tại hải ngoại cờ vàng là một trở ngại cho sự tham gia vào cuộc vận động dân chủ của khối người ngày càng đông đảo mới ra nước ngoài, những công nhân đi theo diện xuất khẩu lao động, những du học sinh, những người xuất ngoại vì công việc v.v. Cuối cùng, đòi lấy cờ vàng làm biểu tượng cho cuộc đấu tranh vì dân chủ tương đương với chấp nhận để cuộc đấu tranh này tàn lụi dần với sự ra đi của những người đã trưởng thành trước ngày 30-4-1975. Tuổi trẻ lớn lên sau 1975 dù là con cháu của những người tỵ nạn cũng có rất ít lý do để chấp nhận lá cờ này.

Sự vô lý của đòi hỏi lấy cờ vàng làm biểu tượng tranh đấu thể hiện ngay trong lập luận của những người chủ xướng. Trong đa số họ đều nói là họ không có ý định lập lại chế độ Việt Nam Cộng Hòa, nhiều người còn đi xa hơn, khẳng định cờ vàng sẽ không phải là quốc kỳ trong tương lai, nước Việt Nam dân chủ sau này sẽ có một lá cờ mới. Nhưng vai trò của một biểu tượng của cuộc tranh đấu là gì nếu không phải là để nói lên trước dân tộc và thế giới một mục tiêu và một lập trường? Và làm sao có thể đứng dưới cờ Việt Nam Cộng Hòa và hát quốc ca Việt Nam Cộng Hòa đồng thời nói với một người Mỹ – hay người Pháp hay người Ai Cập hay bất cứ một người nước nào – rằng mình không có ý định tái lập chế độ Việt Nam Cộng Hòa mà không gây ngạc nhiên?

Một số người và tổ chức đưa ra một lập luận khác: đồng ý là sẽ phải có một quốc kỳ mới không phải là cờ vàng nhưng quốc kỳ mới này sẽ phải do một quốc hội được toàn dân bầu ra trong một cuộc bầu cử tự do, điều mà chúng ta chưa làm được; do đó trong nhất thời cuộc đấu tranh cho dân chủ phải tạm dùng cờ vàng. Nhưng cuộc đấu tranh có bắt buộc phải có một quốc kỳ không? Không ai cấm mỗi tổ chức đấu tranh chọn một đảng kỳ, nhưng quốc kỳ là một việc rất khác. Trong lịch sử thế giới tuyệt đại đa số các tổ chức đấu tranh để thay đổi chế độ đều không chọn trước một quốc kỳ trong lúc còn đang tranh đấu.

Phải dứt khoát: nếu muốn giành thắng lợi cho dân chủ thì không thể lấy cờ vàng làm biểu tượng cho cuộc đấu tranh. Chính những người đòi áp đặt cờ vàng cũng biết như vậy, nhưng có lẽ họ không quan tâm tới tương lai đất nước, hoặc không nghĩ là tự người Việt Nam có thể thay đổi được chế độ cho nên không cảm thấy phải có một lập trường hợp lý. Lấy một lập trường mà mình biết trước là không đem lại thắng lợi chỉ là mặt trái của chọn lựa bỏ cuộc. Đối với những người này, những người tranh đấu cho dân chủ chỉ có thể bày tỏ tình đồng bào chứ không thể nhân nhượng.

Thực ra không còn ai tin rằng cờ vàng sẽ là quốc kỳ Việt Nam trong tương lai. Vấn đề thực sự là cờ đỏ sao vàng. Lá cờ này đã ra đời cách đây 75 năm đánh dấu ngày đất nước trút bỏ ách ngoại thuộc, từ 35 năm nay nó cũng là quốc kỳ chính thức của Việt Nam được mọi quốc gia trên thế giới nhìn nhận. Tuy vậy nó cũng được chính những người lãnh đạo chế độ cộng sản xác nhận như là biểu tượng của chủ nghĩa Mác-Lênin trên đất nước Việt Nam, một chủ nghĩa đã được nhận diện như là một chủ nghĩa tội ác. Một đặc tính cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin là nó không nhắm xây dựng quốc gia mà trái lại còn chủ trương tiến tới sự giải thể các quốc gia. Việc du nhập chủ nghĩa này vào Việt Nam đã là một sai lầm đẫm máu. Và quả thực lá cờ này đã đẫm quá nhiều máu Việt Nam, máu của những người yêu nước không cộng sản, máu của hàng trăm nghìn nạn nhân của đợt Cải Cách Ruộng Đất, máu của gần năm triệu người trong cuộc nội chiến thảm khốc v.v. Quá nhiều máu ! Từ hơn 35 năm qua nó là lá cờ của một chế độ độc tài bạo ngược, chống dân chủ và nhân quyền tới cùng, dành độc quyền cho một thiểu số, loại bỏ đại bộ phận dân tộc khỏi vận mệnh đất nước. Cờ đỏ sao vàng không thể là quốc kỳ của một nước Việt Nam dân chủ và hòa giải. Nhưng thay đổi nó không phải là dễ và cũng chỉ có thể thực hiện sau khi đất nước đã có dân chủ.

Sự ngoan cố của phe cờ vàng làm cản trở cuộc đấu tranh cho dân chủ và vì thế góp phần củng cố cờ đỏ. Sở dĩ lập trường áp đặt cờ vàng còn tồn tại chỉ vì một vấn đề phải giải quyết vẫn chưa được giải quyết: hoà giải và hòa hợp dân tộc. Một thế hệ đã qua rồi kể từ khi cuộc nội chiến tệ hại chấm dứt nhưng chính quyền cộng sản vẫn còn quá kiêu căng, xấc xược, thô bạo, miệt thị. Cờ vàng vì vậy vẫn còn được một số người dùng để biểu lộ sự phẫn nộ. Nếu có một chính quyền dân chủ thực hiện hoà giải và hòa hợp dân tộc một cách thành tâm thì vấn đề cờ vàng đã không đặt ra. Oái oăm là ở chỗ chính việc đòi áp đặt cờ vàng lại cản trở sự hình thành của một tập hợp dân tộc mới để đẩy lùi bạo quyền, thiết lập dân chủ, thực hiện hòa giải dân tộc và phục hồi danh dự cho những người đã hy sinh dưới cờ vàng. Phải bẻ gẫy cái vòng luẩn quẩn này.

Về câu hỏi thứ hai, có nên lấy cờ vàng làm cờ của cộng đồng người Việt hải ngoại không, tôi cũng nghĩ là không nên. Cờ vàng không có chức năng này. Nó là biểu tượng của một của một dự án quốc gia trên đất nước Việt Nam đã thất bại sau nhiều cố gắng và hy sinh của nhiều người vì sự bất xứng của những người lãnh đạo. Tùy cảm nhận của mỗi người, nó có thể là một cơ hội đã lỡ, một sự ân hận hay một tiếng thở dài, nhưng nó vẫn là lá cờ của một cuộc nội chiến. Nếu cộng đồng người Việt hải ngoại cần một biểu tượng thì không nhất thiết phải là một lá cờ, và biểu tượng đó phải chấp nhận được cho mọi người, phải nói lên tình yêu quê hương và sự liên đới giữa những người Việt Nam sống ở nước ngoài, trên mẫu số chung duy nhất là chúng ta cùng là người Việt. Vả lại, xuống cấp cờ vàng từ một quốc kỳ thành lá cờ của một cộng đồng lưu vong cũng không phải là một cách để tôn vinh nó, trái lại.

Nước ta chắc chắn sẽ còn mở ra nhiều hơn nữa với thế giới. Sẽ còn nhiều người ra nước ngoài, cộng đồng Việt Nam hải ngoại sẽ còn được tăng cường bởi những người không hề biết đến lá cờ vàng ba sọc đỏ. Các thế hệ sinh ra và lớn lên tại hải ngoại cũng không hề biết đến lá cờ này, cùng lắm họ chỉ biết tới nó như là lá cờ của một trong hai phe trong một cuộc nội chiến đẫm máu. Sử dụng một biểu tượng như vậy chỉ có tác dụng khiến họ quay lưng lại với Việt Nam.

Cần phản bác thẳng thắn lập luận lưỡng cực gò ép của những người quá khích. Họ buộc tội những người và tổ chức không lấy cờ vàng làm biểu tượng là chống cờ vàng, là khinh thường cờ vàng. Nhưng tôn trọng và lấy làm biểu tượng là hai điều rất khác nhau, cũng như không phải hễ ta quí trọng người nào thì phải lấy người đó làm vợ hay làm chồng. Người trí thức phải có can đảm trí thức, người đấu tranh chính trị phải có can đảm chính trị. Phải dám phản bác sự vô lý và dám lấy những quyết định và thái độ cần có.

Hãy trả lại cho lá cờ vàng ba sọc đỏ chỗ đứng đúng đắn của nó. Nó có thể có chỗ đứng trong gia đình để ghi nhớ một quãng đời. Đối với nhiều người, trong đó có kẻ viết bài này, nó là kỷ vật của một ước vọng ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản và xây dựng một nước Việt Nam có tự do và dân chủ, có chỗ đứng và tiếng nói ngang nhau cho mọi người và được quản trị một cách hợp lý. Giấc mơ dù không thành nhưng vẫn đáng tự hào. Chỗ đứng của cờ vàng là chỗ đứng của một kỷ niệm của một giai đoạn lịch sử đau buồn vừa phải quên vừa phải nhớ. Nhớ đến những người đã hy sinh vì đất nước, nhớ đến những nạn nhân của cuộc chiến, nhớ để lịch sử đừng lặp lại. Và quên đi những thù hận đã tàn phá đất nước và còn có thể giam hãm chúng ta trong chia rẽ và bất lực.
Nguyễn Gia Kiểng
Nguồn: Thông Luận