From Viet Weekly:

Quyền hạn báo chí tự do rất lớn, không có giới hạn nào cả

LTS [Viet Weekly]: Nhạc Sĩ Du Ca Nguyễn Đức Quang đã từ trần lúc 4 giờ sáng Chủ Nhật ngày 27 tháng 3 năm 2011, nhằm ngày 23 tháng 2 năm Tân Mão, tại Bệnh viện Fountain Valley Regional Hospital, California. Hưởng thọ 68 tuổi (1944-2011). Nhân kỷ niệm giỗ đầu của người nhạc sĩ được nhiều người yêu mến, tòa soạn xin chọn đăng lại đoạn phỏng vấn nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang nói về giai đoạn hai tờ tuần báo V-Times và Việt Tribune (Bắc Cali) ra đời cách đây hơn 8 năm với lời tòa soạn của cuộc phỏng vấn này như sau: “Với hơn 15 năm làm báo Việt Ngữ, nhạc sĩ-nhà báo Nguyễn Đức Quang là người vẫn còn gắn bó với nghề báo trong vai trò chủ nhiệm hai tuần báo/tạp chí là Chí Linh và Phụ Nữ Diễn Đàn. Trong bối cảnh tờ Việt Tribune (Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng chủ trương) tại Bắc Cali ra đời vào tuần trước, và tháng sáu tới đây, tờ V-Times (Nhà báo Trần Đệ chủ trương) cũng tiếp nối dòng chảy báo chí tại Bắc Cali, đồng thời, trước khi có hai tờ báo này, tuần báo Việt Weekly tại Nam Cali cũng đã có ấn bản riêng tại địa phương San Jose, nhà báo Nguyễn Đức Quang đã trao đổi với Việt Weekly về chuyện làm báo.


Bài & ảnh: ETCETERA

VW: Hiện nay, thị trường đang được mở rộng, lượng người đọc tăng, kích thích làng báo, khiến các nhà báo hào hứng hơn. Từ miền Bắc có thêm nhiều tờ báo xuất hiện, sau chuyến đi San José, anh nhận thấy công việc làm báo trên đó như thế nào?

NĐQ: Tôi nghĩ rằng, đến lúc làng báo phải chuyển động. Sau 30 năm, nhiều vấn đề đã được định hình như chúng ta thấy, mặt trận chính trị là một chuyển đổi toàn bộ, mình chờ đợi và hăng hái trên một phương thức khác nhưng những cách đó không thành hình, mà lại đi theo chiều hướng mới dễ thở hơn, đem lại sự dễ chịu cho những người ngoài này. Họ vững tin vào sự tồn tại ở tại hải ngoại hơn.
Làng báo rất cần những biến động đồng thời cũng sẽ manh nha những thay đổi trong đời sống, kinh tế mà báo chí là một trong những mạch quan trọng. Không chỉ riêng ở trên San José mà ở nhiều nơi khác, Houston hay là Tây Bắc, Seatle, Washington DC, có những dấu hiệu cho thấy những thay đổi. Nhiều tờ báo già cỗi đang bắt đầu đi vào chỗ eo hẹp, bởi vì không còn sức quyến rũ nữa. Ở San Jose, tôi nhìn thấy tờ Thời Báo, tờ Việt Nam News, tôi giựt mình, không phải vì sự sụp đổ của tờ Việt Mercury mà hai tờ báo già kia đã bắt đầu có những dấu hiệu lão hóa rõ ràng, sức sống của nó giảm đi trông thấy, những trang quảng cáo thấp xuống và đồng thời sự trình bày cho thấy rằng là phải cần có sự suy nghĩ. Do vậy, sự ra đời của một số báo như Việt Weekly cho tới Việt Tribune cho tới những tờ báo sắp có mặt đối với San Jose là một chuyện rất tự nhiên. Thứ nhất thị trường quảng cáo đang sắp xếp lại, người đọc bắt đầu muốn có một cái gì mới hơn, khá hơn. Số lượng báo màu, giấy láng, kiểu cách chuyên đề, chuyên ngành cho thấy những dấu hiệu sắp sửa thay dần cho những loạt báo chí cũ.

VW: Thưa anh, sự chuyển tiếp bao giờ cũng tạo sự xao động, trong giai đoạn này, độc giả sẽ chờ đợi điều gì ở báo chí, ở nhà báo?

NĐQ: Tôi vẫn nghĩ rằng, vấn đề người đọc là một loại rất khó định hình, bởi vì lớp người cũ, độc giả phổ thông mà đông nhất vẫn ở tuổi 60. Lớp trẻ hơn, mới là chuyện gay go, tôi cho rằng, chưa có định hình nào. Báo phổ thông tin tức và thời sự, bây giờ được dàn trải trên quá nhiều các thể loại media, có thể đọc trên internet, nhanh hơn là đi ra ngoài tìm một tờ báo. Điều đó, ảnh hưởng đến độc giả rất nhiều. Đồng thời cũng làm cho độc giả quên đi một số những ấn phẩm mà từ lâu nay vẫn được họ yêu quí. Những điều đó tác động rất nhiều đến công việc làm báo. Không chỉ riêng báo chí Việt Nam, mà làng báo thế giới đều gặp một vấn nạn không biết làm sao để giải quyết, đó là, số lượng độc giả giảm sút dần, nhưng không có nghĩa mất đi vị trí quan trọng.
Thứ hai, lớp độc giả ở dưới lứa tuổi 60 có rất nhiều khả năng chuyên môn, khả năng ngôn ngữ, theo dõi những media tại địa phương, điều đó cũng làm cho báo chí tiếng Việt gặp nhiều khó khăn, nhiều khi họ không cần đến báo tiếng Việt nữa, làm cho người làm báo đau đầu.
Muốn thu hút họ phải có những khả năng nhanh nhạy đem lại những thông tin mà họ không thể tìm kiếm được ở những nơi khác, đây chính là điều thử thách những người làm báo mới. Để tạo sự thích thú cho ấn phẩm, cần phải có nguồn tin nguồn bài nhanh hơn, địa phương hóa, chuyên biệt hóa để thỏa mãn nhu cầu đời sống. Tôi thấy những biến chuyển đang diễn ra, đã có những tờ báo Nail, báo Phụ Nữ… rất nhiều góc cạnh đang được những người mới thử thách. Phải chờ một vài năm nữa mới có thể biết được ai làm đúng đường sẽ thành công hoặc không làm đúng đường sẽ thất bại.
Bên cạnh đó, báo tại hải ngoại bị chi phối rất nặng bởi quảng cáo, đó là kinh tế. Có nhiều bạn trẻ vội vã quá, làm những báo đắt tiền mà khả năng quảng cáo của các tiểu thương quá thấp, trong thị trường có quá nhiều media, chưa kể làng báo in đang bị một tranh đua rất là vất vả đối với lại báo nói, báo điện tử trên mạng, làm cho khách hàng quảng cáo suy nghĩ.
Tình hình báo in vẫn còn thiếu vắng một số các thể loại ăn khách, thu hút, bắt được người đọc. Thế hệ làm báo theo những quy tắc phổ quát cũ đang gặp phải những sự co rút của thị trường về phía người đọc lẫn quảng cáo. Tôi cho rằng, những cái mới có thể sẽ đứng được, sẽ thành hình nhưng không sớm sủa được, phải chờ sự trả lời trong hàng năm tới.

VW: Anh nghĩ thị trường ở Việt Nam sẽ là một chân trời viễn mơ cho những người làm báo không?

NĐQ: Hai sự kiện cho thấy đó là chuyện mơ ước mà thôi. Thứ nhất, thị trường của người làm báo ở hải ngoại chắc chắn bám vào địa phương. Địa phương ở hải ngoại rải ra trên năm châu lục địa, chưa biết bằng một phương cách nào để có thể giải quyết được một cách hoàn hảo. Thứ hai, không phải địa phương nào cũng có đời sống đủ để phổ biến, thí dụ như thành phố Orlando, Florida có được mấy sinh hoạt để giữ được một phần trụ chính cho bản tin ở tại vùng đó. Ở đây, thủ đô với sinh hoạt đa dạng, với hàng trăm ngàn người Việt Nam sống mà sự kiện có thể đưa lên báo cũng chưa có bao nhiêu. Nếu có chừng 3 tờ như Việt Weekly nữa, sẽ lấy đâu ra đề tài làm cho người dân phải chú ý, đừng nói vùng xa. Thành ra, chiến dịch đem những báo ở trong nước phát hành ở ngoài này, mong sẽ thu hút hoặc sẽ chinh phục độc giả ở hải ngoại, tôi cho đó là chuyện làm mơ hồ không thể nào đạt được ước vọng.
Trong nước đã tung ra không phải là một đợt, mà trong mấy năm nay đã tung ra rất nhiều đợt phổ biến những tờ báo, cho dù là không có chính trị hay là tuyên truyền, nhưng sức thu hút không có được bao nhiêu. Nếu không có được vài ngàn độc giả, như vậy là hỏng rồi đâu ăn thua gì.
Còn ngược lại, đem báo vào trong nước, có hai vấn đề. Thứ nhất, độc giả trong nước không muốn nghe chuyện ở An Giang, Cà Mau hay là Ban Mê Thuột. Họ muốn biết chuyện ở Uùc, ở California… Tờ báo phải thực hiện được những tài liệu, những tin tức đó. Thứ hai, hiện nay báo chí trong nước thuộc những tổ chức lớn, có cơ cấu, phát hành trên mấy chục tỉnh thành với con số hằng trăm ngàn ấn bản, phải tranh đua như thế nào. Làm được hay không, tôi ngờ lắm. Những người trong nước cũng đủ nhanh nhạy để biết rằng nếu có một tờ báo ở hải ngoại vào trong đó tranh đua với họ, họ cũng có đủ vũ khí để mà tranh đua ngược lại, dễ gì mà họ nhường đất đó cho chúng ta.

VW: Qua mạng lưới điện tử, mọi người đều đọc những thông tin ở Việt Nam, có những bài viết về đời sống kiều bào v.v… nhưng những thông tin đó đều không do những người làm báo trực tiếp tại chỗ tường thuật mà do những phóng viên từ trong nước gởi ra viết một theo kiểu “cỡi ngựa xem hoa”, do đó có nhiều sai sót, không chính xác về đời sống kiều bào. Như vậy, thế mạnh của báo chí hải ngoại vẫn là tính xác thực, gần gũi, chính xác tại địa phương. Ở mặt này, người làm báo địa phương chiếm ưu thế tuyệt đối, anh nghĩ chúng ta cần phải phát huy thế mạnh này như thế nào?

NĐQ: Tôi nghĩ rằng, tại hải ngoại, đời sống của mỗi người có rất nhiều quyền hạn, có thể thông tin tất cả những tin tức hoặc là những loại bài gây dư luận mà vẫn không sao cả. Bởi vì, ở ngoài này làm báo vẫn tôn trọng người đọc, người đọc lấy quyền phê phán cuối cùng, họ thích báo mới mua báo đọc. Ở trong nước, liệu rằng nền tảng tự do đó của báo chí có được chấp nhận hay không, có được quyền phổ biến hay không, đó lại là một chuyện khác.


Một số hình ảnh về nhà báo Nguyễn Đức Quang: