Sunday, January 27, 2013 5:06:57 PM

Hà Giang/Người Việt

Ðược mệnh danh là “quốc gia từ thiện nhất thế giới,” người dân Mỹ hàng năm đóng góp hơn $300 tỉ cho các quỹ từ thiện mọi cấp từ địa phương đến liên bang. Lời quyên góp được gửi đến người có lòng đến từ nhiều nguồn khác nhau: Trên đường phố, tại cửa chợ, nhà hàng, qua điện thoại, thư, email và Internet.


Theo luật, mọi tổ chức từ thiện ở Mỹ gây quỹ được hơn $25,000 đều phải khai báo với Sở Thuế IRS qua “IRS Form 990”. Ngoài ra, luật California đòi hỏi các tổ chức phải gửi bản sao của mẫu này đến cho văn phòng Bộ Tư Pháp Tiểu Bang. Tài liệu của Bộ Tư Pháp cũng khuyên những người đóng góp nên hỏi tổ chức gây quỹ đưa cho xem mẫu này. (Hình: www.irs.gov)


Dĩ nhiên, khi sốt sắng đóng góp, ai cũng tin rằng số tiền “của ít lòng nhiều” của mình sẽ an toàn và nhanh chóng được chuyển đến tay nạn nhân. Trong nhiều trường hợp, tiền gây quỹ được sử dụng đúng mục đích, nhưng cũng không hiếm trường hợp lòng vị tha bị lạm dụng. Tài liệu của Federal Trade Commission (FTC) cho thấy cơ quan này nhận được 1,843 vụ khiếu nại về gian lận từ thiện trong năm 2011. FTC dự trù con số sẽ này nhích lên gần 2,000 trong năm 2012, chưa kể những khiếu nại cấp tiểu bang.

Trả lời phỏng vấn nhật báo người Việt qua email, bà Lois Greisman, giám đốc Chương Trình Phát Triển Thị Trường của FTC, phát biểu: “Những trường hợp gian lận chắc chắn là cao hơn số đơn khiếu nại nhiều, nhưng đa số những người đóng góp không biết là họ bị lợi dụng và lường gạt.”

Cũng theo bà Greisman, “giáo dục quần chúng” là một trong những biện pháp ngăn ngừa mà FTC cho là hữu hiệu nhất. Trang web của FTC ghi rõ những điều cần biết trước khi đóng góp cho một tổ chức.

Bộ Tư Pháp California, tuy không công bố số hồ sơ khiếu nại, nhưng việc văn phòng của bà Bộ Trưởng Kamala Harris dành hẳn một bộ phận để xét đơn các vụ khiếu nại liên quan đến gây quỹ từ thiện, cho thấy đây là một trong những quan tâm không nhỏ của cơ quan này.

Ðược hỏi, văn phòng Bộ Tư Pháp California cho biết tương tự như FTC, Bộ Tư Pháp California “đánh giá cao việc khuyến cáo người dân,” và gửi đến tòa soạn nhật báo Người Việt một tài liệu dài gần 20 trang, có tên “Guide to Charitable Giving for Donors” do chính văn phòng Bộ Trưởng Harris ấn hành.

Tài liệu trên tóm tắt một số điểm chính mà người có lòng từ thiện cần biết và nên hỏi trước khi đóng góp cho các tổ chức tại California, gồm những điểm chính sau:

-Hỏi về tình trạng khai thuế (tax status) của tổ chức từ thiện: Nhiều tổ chức từ thiện quảng cáo là mọi đóng góp cho họ đều được miễn trừ thuế. Tuy nhiên, theo luật của IRS, chỉ những đóng góp cho tổ chức hội đủ điều kiện được miễn thuế dưới mục 501(c)(3) của IRS mới được miễn trừ thuế. Ngoài ra, luật còn đòi hỏi người khai thuế phải có biên nhận từ tổ chức từ thiện khi đóng góp $250 hoặc cao hơn.

-Biên nhận có ghi câu “Keep this Receipt for your Records” hay “All contributions are tax-deductible” không có giá trị gì, trừ trường hợp tổ chức gây quỹ được miễn thuế dưới mục 501(c)(3). Vì lý do này, nên hỏi rõ Tax ID Number hay EIN (Employer Identification Number) của tổ chức từ thiện để tiện việc kiểm chứng.

-Kiểm chứng tên, địa chỉ và số điện thoại, và tình trạng miễn thuế, tức 501(c)(3), của các tổ chức từ thiện với hồ sơ ghi danh tại Bộ Tư Pháp California.

-Hỏi xem bao nhiêu phần trăm của số tiền đóng góp sẽ được dùng vào việc từ thiện: Luật của tiểu bang California đòi hỏi các tổ chức từ thiện phải có câu trả lời khi được hỏi.

-Khi một tổ chức đứng ra kêu gọi gây quỹ cho một danh nghĩa nào khác, thí dụ trong trường hợp một tổ chức gây quỹ cứu nạn nhân bão lụt, nên hỏi là tiền sẽ được gửi đến tổ chức nào, và gọi thẳng cho nơi đó để kiểm chứng xem cơ quan này có biết là tên họ đang được dùng để gây quỹ không.

-Hỏi xem IRS Form 990 của tổ chức từ thiện. Luật thuế đòi hỏi các tổ chức từ thiện gây quỹ được hơn $25,000 phải khai “IRS Form 990” với Sở Thuế IRS. Luật California đòi hỏi các tổ chức này phải gửi “IRS Form 990” đến Bộ Tư Pháp Tiểu Bang.

Một cách vắn tắt, “IRS Form 990” buộc các tổ chức từ thiện phải khai tất cả số tiền nhận được, tiền được dùng vào việc gì, gửi đi đâu, và nhiều dữ kiện quan trọng khác về tổ chức này. “IRS Form 990” phải được đưa ra cho người dân xem khi được yêu cầu.

-Không nên đóng góp cho các quỹ từ thiện bằng tiền mặt.

-Tránh những trường hợp gây quỹ bằng cách bán vé số. Theo tài liệu của Bộ Tư Pháp California, chính quyền cả tiểu bang lẫn liên bang nhận rất nhiều khiếu nại về các trường hợp gian lận từ thiện qua hình thức bán vé số.

Ngoài tài liệu của FTC và Bộ Tư Pháp California, trang web của nhiều tổ chức vô vị lợi khác như www.charitynavigator.org, www.give.org, www.charitywatch.orgwww.givewell.org cũng phổ biến nhiều tài liệu hữu ích cho những người có lòng muốn số tiền mình đóng góp được sử dụng đúng mục đích kêu gọi.

Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Ken Berger, tổng giám đốc của Charity Navigator, phát biểu: “Lòng nhân từ và niềm tin vào điều thiện là đặc điểm đáng quý của con người, là điều mà xã hội cần tiếp tay gìn giữ.”
Liên lạc tác giả: HaGiang@nguoi-viet.com