Việt Báo Online
(02/15/2013)

Bạn thân,

Không phải chuyện ở quê mình, không phải chuyện ở Sài Gòn hay Hà Nội... nhưng là chuyện của Tây, nhưng lại là chuyện của Đạo Phật đối diện với thời đạị.

Nhà nghiên cứu Phật Học Hoang Phong trong một bài viết về Phật Giáo Pháp Quốc đăng trên mạng Chùa Phúc Lâm cho biết hôm Thứ ba 12/02/2013, quốc hội Pháp đã biểu quyết chấp thuận đạo luật thừa nhận «hôn nhân đồng tính luyến ái» với 329 phiếu thuận, 229 phiếu chống và 10 phiếu trắng. Phật Giáo suy nghĩ ra sao? Ít nhất, đối với Phật Giáo tại Pháp? Nhà nghiên cứu Hoang Phong đã bàn về vấn đề thời sự nóng bỏng của nước Pháp, gọi là vấn đề «Quyền kết hôn cho tất cả mọi người.»

Bản tin viết: “...gần đây Quốc Hội Pháp đã mời sáu vị đại diện cho sáu tôn giáo khác nhau là Thiên Chúa Giáo, Tin Lành Giáo, Chính Thống Giáo, Do Thái Giáo, Hồi Giáo và Phật Giáo trình bày quan điểm của mình trước các dân biểu. Buổi tham vấn này của Quốc Hội được trực tiếp truyền hình trên toàn quốc và được báo chí theo dõi cặn kẽ. Bà Marie-Stella Boussemart, chủ tịch Tổng Hội Phật Giáo Pháp đại diện cho Phật Giáo để nói lên quan điểm của của tín ngưỡng này về vấn đề vô cùng gay go trên đây của xã hội Pháp và của các xã hội Tây Phương nói chung.”

Nói trước Quốc Hội Pháp, đại diện cho các tôn giáo như Thiên Chúa Giáo (Đức Hồng Y Tổng Giám Mục địa phận Paris là Ngài André Vingt-Trois), Tin Lành Giáo (Mục Sư Claude Baty, chủ tịch Hiệp Hội Tin Lành Pháp), Chính Thống Giáo (Giám Mục Joseph de la Metropole), Do Thái Giáo (Vị Đại Giáo Sĩ Gilles Bernheim), Hồi Giáo (Ông Mohammed Moussaoui, chủ tịch Hội Đồng Tín Ngưỡng Hồi Giáo Pháp) đều phản đối, chỉ trích hay lên án đồng tính.

Riêng Phật Giáo nóí rằng tôn giáo không liên hệ gì chuyện đó. Ni Sư Marie-Stella Boussemart, chủ tịch Tổng Hội Phật Giáo Pháp nói: «Đối với Phật Giáo vấn đề hôn nhân là một hành vi mang tính cách dân sự, không có gì là tôn giáo cả, cũng không mang một ý nghĩa mở rộng (connotation) nào về tôn giáo cả, đấy chỉ là một sự giao kết trong xã hội giữa hai con người, và đôi khi cũng có thể là giữa hai gia đình với nhau [...] và Đức Phật thì cũng không hề nói đến vấn đề đồng tính luyến ái». Đối với bà thì «vấn đề này thuộc quyền quyết định của người dân» và bà cũng nghĩ rằng «trưng cầu dân ý có thể là một giải pháp tốt nhất»...

Hoang Phong dịch và ghi chú: “...Chúng ta không nghĩ rằng bà Marie-Stella Boussemart đưa ra ý kiến khác hơn với các vị khác để tạo ra môt sự chú ý nào đó đối với cá nhân bà, mà đúng hơn bà chỉ nêu lên cách nhìn «đúng như thế» của Phật Giáo đối với một hiện tượng... Đối với Phật Giáo mọi hiện tượng chỉ là một sự cấu hợp do nhiều nguyên nhân và điều kiện tạo ra nó. Phật giáo chỉ «nhìn một hiện tượng như một hiện tượng» và không diễn đạt nó hay gán thêm cho nó một ý nghĩa để đánh giá nó xem có phù hợp với giáo lý của tôn giáo mình hay không. Bà Marie-Stella Boussemart tuyên bố rằng «hôn nhân giữa những người đồng tính luyến ái là một sự kiện xã hội, không hàm chứa một ý nghĩa mở rộng (connotation) mang tính cách tôn giáo nào cả», cách nhìn đó quả đúng là cách nhìn của một người tu tập Phật Giáo. Kết luận của bà Marie-Stella Boussemart cũng rất hữu lý: nếu đã là một sự kiện xã hội thì nên để cho xã hội giải quyết, tôn giáo không nên xen vào đấy.”

Nên nhìn mọi sự như nó là? Khó vậy.