www.thichthientai.us

Yếu Giải: Phẩm Tùng Địa Dũng Xuất – Thứ 15 (Tiếp theo).

Bản giác và thỉ giác hợp nhất, điểm đạt đến tròn đầy. Bồ Tát là người tu nhân địa, tâm ta phát tâm lành thì diễn xuất bao nhiêu vô số cách tu tạo phước lành, đó gọi là Bồ Tát hạnh. Bồ Tát có quyến thuộc đông vô số là ý nghĩa đó, làm những điều lợi lạc chúng sanh thì nhiều vô số kể.

Một khi phát tâm rồi thì biết bao nhiêu kiểu làm đạo, bao nhiêu cách làm phước. Bồ Tát hướng về hai đức Thế Tôn đây là bản giác và thỉ giác. Bồ Tát là những người tu nhân địa, hai Phật kia Đa Bảo và Thích Ca là quả địa. Hai Như Lai kỳ thật là một, đó là mục đích cuối cùng Bồ Tát mong đạt đến tròn đầy.

Xưa nay ta cứ lầm tưởng hai ông Phật bổn giác và thỉ giác khác nhau. Chúng ta chia chẻ có cõi Ta Bà do Phật Thích Ca hiện tại làm giáo chủ, cõi Lạc Bang có Phật Di Đà là vị giáo chủ hiện đang thuyết pháp. Thật sự chỉ có bổn giác là bản tánh vốn có, còn thỉ giác là Phật Thích Ca là duyên cớ tạo điều kiện trở về bổn giác.

Việc các Bồ Tát đến trước tháp bảo đảnh lễ hai vị Như Lai. Các Phật sự trải năm mươi kiếp mà cả chúng hội tưởng như nửa ngày vì nhờ thần lực của hai Thế Tôn. Năm mươi tiểu kiếp chừng như nửa ngày, gọi là “Thập thế cách pháp vị thành môn”. Ngay trong một đời hiện tại có ba đời Quá khứ, hiện tại, vị lai. Trong quá khứ có quá khứ, hiện tại, vị lai. Trong hiện tại có ba đời Quá khứ, hiện tại, vị lai. Trong tương lai có ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai; tất cả đầy đủ mười đời như vậy.

Người hiểu chân lý như vậy rồi, thì thời gian không có nghĩa gì quan trọng. Nếu ta nhìn vật chất hiện tượng thì thời gian rất rõ, từ căn cứ nơi quả địa cầu nên mới có thời gian hôm qua và ngày nay. Quả địa cầu quay 24 tiếng quanh mặt trời, lấy mặt trời làm chuẩn qua 12 tiếng trước gọi là ngày, xoay qua 12 tiếng sau gọi là đêm. Có đêm thì ngày đã qua gọi là quá khứ; do mình dựa trên điểm là quả địa cầu xoay quanh mặt trời.

“Ngày vui ngắn chẳng đầy gan,
Trông ra ác đã ngậm gương non đoài”.

Người vui thấy ngày ngắn quá, còn người khổ lụy đau thương thấy ngày dài tháng rộng. Do tâm niệm vui hay buồn, thật ra ngày dài tháng rộng đông đà sang xuân. Người buồn bả dầu trăng có sáng, nước có trong, cảnh có đẹp bao nhiêu đi chăng nửa cũng ưu sầu thái quá. Cổ nhân thường nói: Ngày vui nhanh như tiếng sấm nổ, ngày buồn dài tợ thế giới đứng yên.

Vậy thì thời gian xuất phát từ cái tâm, thấy vạn pháp như huyễn thì khái niệm về thời gian không còn quan trọng. Vạn pháp duyên sanh như huyễn thì lấy cái gì làm thời gian lâu hay mau. Tại ta cứ nhìn mặt hiện tượng sanh diệt như thấy một người mặt nhăn tóc bạc thì đón người đó già, vẻ đẹp mạnh mẽ cho là trẻ. Thật ra những cái đó chưa khẳng định chuẩn thời gian!

Nói đến đây đề nghị các quyến thuộc nghiên cứu Phẩm Bất Nhị trong Kinh Duy Ma Cật. Nói về pháp môn không hai:

- Vị thì nói do tôi thể nhập giữa vấn đề thiện và ác, vì tôi tỏ ngộ thiện không có tánh cố định và ác không có tánh cố định. Thiện ác là do ý niệm của con người, do vậy nhờ tư duy quán chiếu thấy tánh chất giai không của thiện và ác nên tôi thể nhập pháp môn không hai.

- Vị thì nói rằng hữu lậu, vô lậu là hai; thật sự tánh hữu lậu xuất phát từ tánh vô lậu, tánh vô lậu cũng dựa tánh hữu lậu mà có. Tư duy cho cùng hữu lậu vô lậu không có cái gì cố định, do vậy thể nhập pháp môn không hai.

- Đến lúc yêu cầu ngài Duy Ma Cật nói thì Ngài làm thinh, cả hội chúng đang trông chờ nhưng ông Duy Ma Cật nín lặng.

Tại sao ngài Duy Ma Cật làm thinh? Tại vì "ngôn ngữ đạo đoạn", nhìn vạn pháp là duyên sanh như huyễn thì có gì đâu, không có gì là thiện là ác, là hữu lậu vô lậu, là ghét là thương, là phải trái, là thiện ác....

“Nhất thiết chư pháp, tùng bổn dĩ lai, ly văn tự tướng, ly ngôn thuyết tướng, ly tâm duyên tướng, bất khả phá hoại, cố danh Chân Như”. Các pháp là chân như nên còn gì để nói.

Xưa nay vì ghét nên mình đi tìm người thương, mình thương rồi thì thất vọng với những người mình thương, tự mình nảy sanh ra đau khổ; hóa giải đau khổ sự thương ấy, cho rằng là tu hay sao! Hiểu cho rốt ráo rồi ghét thương làm sao nói được. Nhìn vạn pháp giai không duyên sanh như huyễn thì còn gì để nói, thời gian không lấy đâu làm chuẩn, lâu hay mau, nên một tiểu kiếp hay năm mươi tiểu kiếp thông đồng nhau.

Kinh nghiệm bản thân chúng ta thử xem, lấy vấn đề thương yêu mà nói; có người thì mình thương, có người thì mình ghét. Đây là hai thái cực đều khổ sở. Trên bước đường tu tập tỉnh thức, người mình ghét cũng chẳng làm gì được người ta; giá như oán thù giận dữ giết chết họ, thì quả đất này cũng không phải dành riêng cho mình ở. Thôi thì, ta không nên giận thù ghét người làm gì. Người mình yêu thương cũng vậy, vì còn mê muội nên tha thiết yêu thương gởi trọn tâm hồn sanh mạng mình. Sự thật cuộc đời đâu như ý mình tưởng, biết bao nhiêu người ôm cầm sang thuyền khác.

Thế thì không yêu không khổ vì yêu, không ghét không khổ vì ghét. Trên đời này không có gì đáng lấy mà không có gì thật đâu gọi là bỏ. Trên đời này cũng có cái gì thật đâu mà phải khen, cũng có cái gì đâu mà phải chê.

“Bây giờ Di Lặc Bồ tát và hơn tám ngàn hằng sa Bồ Tát đầy đủ đạo hạnh nên mới bạch Phật cầu xin quyết nghi. Đức Phật liền bảo các Bồ Tát này là đệ tử ta, do ta giáo hóa sau khi thành đạo dưới cội Bồ đề. Cá Bồ Tát này ưa hạnh viễn ly, không nương trời người, thường ở chánh định nên các ông không thể thấy biết đạo hạnh của họ”.

(Mời quý quyến thuộc cùng tôi phân giải đoạn cuối Phẩm này rất nhiều ý nghĩa sâu sắc thậm thâm viên đốn giáo, vào sáng thứ năm, ngày 6/6/2013)

Nam Mô Tùng Địa Dũng Xuất, Lục Vạn Hằng Sa Bồ Tát, Ma Ha Tát.
Tiểu Pháp Sư: Nguyên Đức (Thích Thiện Tài).