07:00 | 03/07/2013

Gần một tuần sau các vụ bạo loạn tại khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc, khiến ít nhất 35 người chết, ngày 1/7, truyền thông Nhà nước Trung Quốc đã lên tiếng cáo buộc Mỹ đứng đằng sau kích động “chủ nghĩa khủng bố” ở nước này.


Cảnh sát vũ trang Trung Quốc canh gác tại Urumqi trong khu tự trị Tân Cương, ngày 29/6/2013

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (HongKong), Bắc Kinh đã phủ nhận thông tin cho rằng bạo loạn ở Tân Cương mấy ngày qua là do căng thẳng sắc tộc giữa người Duy Ngô Nhĩ và người Hán. Bắc Kinh cũng đã tuyên bố sẽ truy quét các nhóm khủng bố, tập trận quân sự tại Tân Cương ngay trước dịp kỷ niệm 4 năm ngày xảy ra các vụ bạo loạn lớn ở khu vực này (ngày 5/7/2009) làm khoảng 200 người thiệt mạng.

Ngày 1/7, Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc - đã chỉ trích chính phủ và truyền thông Mỹ về điều mà báo này gọi là vai trò của họ trong vụ bạo loạn ở Tân Cương. Báo này viết một cách mỉa mai: “Vì lo ngại về việc thiếu sự hỗn loạn ở Trung Quốc, Mỹ đang âm mưu hướng tai họa từ các hoạt động khủng bố vào Trung Quốc. Những chính sách hai mặt của Mỹ về vấn đề chống khủng bố không có gì khác ngoài việc kích động. Việc này khác với những kẻ hành động như những kẻ đồng lõa của chủ nghĩa khủng bố như thế nào?”

Báo trên đặt câu hỏi phải chăng những vụ tấn công trong sự kiện 11/9/2001 và các vụ đánh bom cuộc thi Marathon ở Boston hồi tháng 4 vừa qua có nghĩa là “các chính sách sắc tộc và tôn giáo của Mỹ cũng có nhiều vấn đề”, đồng thời bác bỏ những mối liên hệ như vậy ở Trung Quốc. Báo này cho rằng các vụ khủng bố bạo lực ở Tân Cương không phải là một vấn đề sắc tộc hay một vấn đề tôn giáo, đồng thời gọi “những vụ thảm sát” các quan chức và người đi đường ở Tân Cương là “vô nhân đạo”.

Ngày 28/6, Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng họ “quan ngại sâu sắc về những báo cáo về sự phân biệt đối xử cũng như những biện pháp hạn chế” người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng Mỹ đã kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra minh bạch nhưng không muốn đưa ra những kết luận rộng rãi hơn về các vụ việc ở Tân Cương.

Thời báo Hoàn cầu - một ấn bản của Nhân dân Nhật báo - đã cáo buộc các thành viên của phong trào “Đông Thổ” được các lực lượng đối lập Syria huấn luyện để chiến đấu chống chính quyền Bashar al-Assad trước khi trở về Tân Cương để thực hiện các vụ tấn công và miêu tả bạo lực ở Tân Cương xuất phát từ bên ngoài.

Báo này cho biết một số thành viên của phong trào “Đông Thổ” đã từ Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria. Nhà chức trách Trung Quốc đã bắt giữ một thanh niên 23 tuổi có tên là Maimaiti Aili thuộc phong trào Hồi giáo Đông Thổ (ETIM), đồng thời cho biết Aili đã từng tham chiến ở Syria. Báo này dẫn lời Aili nói rằng ETIM đã đặc biệt yêu cầu người này “tiến hành các hoạt động phá hoại ở Tân Cương và tăng cường mức độ gây rối”. Tuy nhiên, tổ chức Đại hội đồng Duy Ngô Nhĩ Thế giới đã phản đối những thông tin trên.

Trong những thập kỷ gần đây, nhiều người Hán đã chuyển đến sinh sống ở Tân Cương, nơi có trữ lượng than đá và khí đốt dồi dào, gây ra những rạn nứt xã hội. Hai cộng đồng người Hán và người Duy Ngô Nhĩ có xu hướng sống ở các khu vực tách biệt ở Urumqi, thủ phủ Tân Cương. Quân đội Trung Quốc đã tập trận rầm rộ ở Tân Cương sau làn sóng bạo loạn vừa qua và từ ngày 1/7, lực lượng cảnh sát vũ trang cũng tiến hành tuần tra 24/24 ở Tân Cương.

Trong khi đó, báo Time Asia dẫn các nguồn tin từ Tân Cương cho biết số nạn nhân thiệt mạng trong đợt bạo loạn ở Tân Cương vừa qua cao hơn nhiều so với con số thông báo chính thức. Tân Hoa Xã dẫn lời các quan chức địa phương nói rằng 35 người đã thiệt mạng trong đợt bạo loạn này. Tuy nhiên, các nhân vật có chức sắc người Duy Ngô Nhĩ và người dân cùng một giáo sĩ Hồi giáo địa phương nói rằng ít nhất 46 người đã thiệt mạng trong vụ bạo loạn ở thị trấn Lukchun.

Ngày 2/7, các giới chức ở Tân Cương thông báo một khoản tiền thưởng bằng tiền mặt lên tới 16.000 USD cho ai cung cấp các thông tin giúp giới hữu trách ngăn chặn “các vụ tấn công khủng bố” ở tỉnh mà người Hồi giáo Uighur chiếm đa số.
Th. Long (Theo AFP)