Vào ngày một đứa trẻ được sinh ra đời, giữa tiếng khóc là những nụ cười, và những hy vọng một ngày kia nó sẽ được hạnh phúc, được tự do chọn lựa những gì nó muốn, được tự do suy nghĩ và nói những gì nó tin tưởng. Có lẽ chẳng có bậc cha mẹ nào muốn rằng nó sẽ bị áp đặt để nói và làm những gì người khác muốn. Đó cũng là cốt lõi của Quyền Con Người.

Ngày 15/12/1971 đã trở thành một ngày quan trọng trong lịch sử không chỉ nước Mỹ mà còn cả thế giới. Vào ngày này, mười Tu chính án (phụ lục) đầu tiên đã được bổ xung vào Hiến pháp Mỹ và đi vào hiệu lực sau khi được phê chuẩn bởi các tiểu bang, và được biết đến dưới tên gọi Luật Nhân Quyền, lần đầu tiên có trên thế giới.

Thế nhưng rất nhiều người Mỹ lại hiểu sai về Luật Nhân Quyền!

Hầu hết mọi người có cách hiểu của riêng mình về mục đích và ảnh hưởng của Luật Nhân Quyền là gì. Một số nghĩ nó ủy quyền cho chính phủ đảm bảo thực thi quyền tự do ngôn luận rộng rãi khắp đất nước. Một số khác nghĩ nó yêu cầu chính phủ liên bang bảo vệ quyền giữ và sử dụng súng khắp mọi ngóc ngách của đất nước...

Tất cả những người này đều sai, vì thực ra Luật Nhân Quyền được xây dựng là để hạn chế quyền lực của chính phủ, đối tượng điều chỉnh của luật là chính phủ, không phải công dân.

Toàn bộ thế hệ khai quốc Hoa Kỳ đã lao động cần cù dưới sự chuyên chế của vua nước Anh, một vị vua có hầu như không giới hạn quyền lực của ông ta. Ông ta có thể ra luật khi ông ta đang đi trên đường, thay đổi chúng bất chợt, và quay ngược về luật cũ. Ông ta có thể tịch thu tài sản của bạn, sức lao động của bạn hay cuộc sống của bạn – và bạn hầu như không thể làm gì chống lại điều đó.

Bởi vì lý do này, Hiến pháp Mỹ đã được viết để nêu bật những quyền lực hạn chế được ủy nhiệm cho chính phủ liên bang. Và nó được hiểu rõ ràng rằng chính phủ không có quyền mà không được ủy nhiệm cho nó một cách tường minh trong Hiến Pháp.

Hiến pháp nguyên gốc không có Luật Nhân Quyền. Nhiều trong số những người phác thảo Hiến pháp cảm thấy rằng nó không cần thiết do Hiến pháp đã liệt kê rõ ràng một số ít những quyền hạn được ủy nhiệm cho chính phủ liên bang. Họ nghĩ rằng bất cứ hạn chế thêm nào nữa cũng sẽ là thừa.

Tuy nhiên, một số khác lại nghĩ rằng có thể có sự hiểu nhầm. Và vì thế Luật Nhân Quyền đã được đệ trình – và một số tiểu bang đã chỉ đồng ý phê chuẩn Hiến pháp với điều kiện rằng những Tu chính án này được thêm vào.

LỜI NÓI ĐẦU?

Vào thời điểm đó thêm một lời nói đầu vào một văn bản luật là một thông lệ phổ biến. Nó có thể xác định các bên liên quan, liệt kê các sự kiện quan trọng, và diễn giải mục đích của tài liệu.

Nhiều người không biết rằng, như một thành phần chính của Hiến Pháp Mỹ, Luật Nhân Quyền cũng có lời nói đầu – diễn giải mục đích của nó.

Vậy mục đích đó là gì? Không có cách nào tốt hơn để trả lời câu hỏi đó là tìm trong chính các ngôn từ của những nhà lập quốc Hoa Kỳ:

Sự thỏa thuận mà các tiểu bang có với nhau vào thời điểm họ phê chuẩn Hiến Pháp, đã biểu lộ mong muốn, nhằm mục đích phòng ngừa sự giải thích sai lệch hoặc sự lạm dụng quyền lực của nó, nên những điều khoản hạn chế và giải thích thêm sẽ được thêm vào...

Rob Natelson, trong cuốn sách tựa đề Hiến Pháp Gốc của ông đã giải thích điều này có nghĩa gì:

“Vì thế, một số tu chính án được đề nghị là “những điều khoản ..giải thích thêm” được thiết kế để “phòng ngừa sự giải thích sai lệch” Hiến Pháp bằng việc giải thích các chỉ dẫn này cần được diễn giải như thế nào. Phần còn lại là “các điều khoản hạn chế” để phòng ngừa “sự lạm dụng” quyền lực liên bang bằng cách tạo ra các giới hạn bên ngoài cắt bớt các quyền lực này.”

Thông điệp quan trọng ở đây là Luật Nhân Quyền không áp dụng cho bạn, không áp dụng cho tôi, nó không áp dụng cho bất cứ cá nhân nào. Nó áp dụng cho chính phủ.

Hãy xem Luật Nhân Quyền áp đặt những gì lên chính quyền?

Luật Nhân Quyền qui định những gì chính phủ không được phép làm, bao gồm nhưng không giới hạn như trong những ví dụ sau:

1. Không ban hành bất cứ luật nào hạn chế tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo hoặc tự do hội họp. Các nhà lập quốc Hoa Kỳ nhấn mạnh "Không có bất cứ luật nào" (Nguyên gốc: "by no law").

Các nhà lập quốc Hoa Kỳ đã lo sợ điều gì khi họ đưa hẳn vào Hiến Pháp tuyệt đối ngăn cấm quốc hội đề ra bất cứ luật nào hạn chế các quyền tự dọ đó? Câu trả lời là họ lo sợ sự lạm quyền của chính phủ. Họ không trông chờ vào lòng từ bi của một nhà cầm quyền nhân hậu, mà họ đặt ra nguyên tắc để loại bỏ những kẻ cầm quyền chuyên chế.

So sánh với Hiến pháp Việt Nam hiện nay điều 69 qui định "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật". Cái cụm từ "theo qui định của pháp luật" đã khiến chúng ta phải lệ thuộc vào lòng nhân từ của nhà cầm quyền. Những kẻ đã viết và đưa điều này trong Hiến Pháp chắn chắn đã không đặt lợi ích của dân tộc và đất nước lên trên hết. Vì rằng rất nhanh chóng bạn sẽ tìm ra cái gọi là "qui định của pháp luật" đó ở điều 88 bộ luật hình sự như sau: "Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam...thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm". Vâng, đối tượng điều chỉnh đã chuyển ngược từ chính quyền sang chính bản thân bạn. Nếu bạn sử dụng quyền tự do ngôn luận của công dân để nói những gì trái với những gì chính quyền muốn bạn nói, bạn sẽ só thể đi tù bất cứ lúc nào vì một qui định rất chung chung tuyên truyền chống Nhà nước CHXNCN Việt Nam.

2. Không can thiệp quyền người dân được giữ và trang bị vũ khí.

Quyền được trang bị vũ khí là quyền chính đáng của người dân để tự vệ. Các nhà lập quốc Hoa Kỳ đã quyết định rằng việc cấm sở hữu và sử dụng súng chỉ giúp cho bọn tội phạn có thêm lợi thế so với người lương thiện. Và rộng lớn hơn, là giúp cho chính quyền dễ dàng trấn áp công dân của mình hơn. Đó là lý do tại sao, tại tất cả các đất nước độc tài, một trong những việc đầu tiên là cấm người dân họ sở hữu súng.

3. Không được bắt lính vào thời bình.

4. Không được tiến hành những sự bắt giữ và lục soát không hợp lý, không được gửi trát tòa mà không có nguyên nhân thích đáng.

5. Không được bắt mọi người làm chứng chống lại chính họ.

Đây cũng là một điều tuyệt vời của Luật Nhân Quyền vì nó thể hiện tính nhân văn và nhân đạo sâu sắc. Không ai bị ép buộc phải nói những điều chống lại chính họ. Tại Việt Nam điều thường thấy là nhiều nhà bất đồng chính kiến như Luật sư Lê Công Định sau khi bị công an bắt đã lên truyền hình phát biểu công khai nhìn nhận rằng mình đã sai lầm, lạc lối... Câu nên hỏi là tại sao Lê Công Định phải làm như vậy?

6. Không được từ chối phiên tòa đối với một người bị buộc tội.

7. Không được từ chối một phiên tòa bởi bồi thẩm đoàn đối với người bị buộc tội.

8. Không được áp đặt bảo lãnh tại ngoại quá mức.

9. Không được xem rằng đây là danh sách cuối cùng của quyền tự do. Vì rằng chỉ một số quyền được liệt kê không có nghĩa là không còn có những quyền khác.

10. Không được thực thi bất cứ quyền lực nào không được ủy nhiệm trong Hiến pháp.

Đây cũng là một điều rất quan trọng. Bởi vì nếu không có điều này, thì chính quyền sẽ luôn đưa ra các luật mới để tự ban cho họ các quyền lực khác, thậm chí các quyền lực mới có thể phủ định ngay chính các điều trong Hiến Pháp cũ.

Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam năm 1946 đã thiếu vẵng nguyên tắc cơ bản này, và sau đó nó đã được nhanh chóng thay thế bằng Hiến Pháp mới phủ nhận chính nó. Điều 70 Hiến pháp 1946 qui định rằng "Sửa đồi Hiến pháp...phải đưa ra toàn dân phúc quyết", nhưng toàn bộ Hiến Pháp sau đó đã bị thay đổi mà không có bất cứ cuộc trưng cầu dân ý (phúc quyết toàn dân) nào cả. Trong Hiến Pháp mới 1959 sau đó đã bỏ đi chính điều này, và thay bằng qui định "Quốc hội mới có quyền sửa đổi Hiến pháp. Việc sửa đổi phải được ít nhất là hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.". Sau đó "các đại biểu Quốc hội" đã thay đổi Hiến pháp năm 1980 với điều 4 qui định "Đảng cộng sản Việt Nam.. là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước". Bằng thay đổi này, Đảng Cộng Sản đã được đặt lên trên đất nước và dân tộc.

BÀI HỌC

Thông điệp lớn đằng sau tất cả những điều này là gì?

Sự tập trung quyền lực luôn luôn tệ, thậm chí khi nó có vẻ đem lại kết quả tốt trong ngắn hạn. Mỗi lần bạn tán thành cho chính phủ có thêm quyền lực mới thì cũng có nghĩa là BẠN đang chấp thuận cho những người đối lập với bạn làm hệt như vậy đối với những điều mà bạn phản đối.

Đó là tại sao mỗi người chủ trương sử dụng chính phủ để phá thai trở thành bất hợp pháp trên toàn quốc đã ủy quyền cho phía đối lập làm cho phá thai trở thành hợp pháp trên toàn quốc khi họ nắm quyền.

Và mỗi người chủ trương áp buộc mỗi tiểu bang cho phép cần sa là hợp pháp cũng đã ủy quyền cho những người đối lập của họ cấm nó trên toàn quốc khi họ nắm quyền.

Cùng một nguyên lý có thể áp dụng cho gần như tất cả các vấn đề chúng ta gặp phải (Phỏng theo Michael Boldin)

SỰ HẠN CHẾ QUYỀN LỰC

Tại Việt Nam, hệ thống chúng ta có ngày hôm nay đặt hầu hết những quyết định về số phận của tự do của bạn trong tập hợp chỉ gồm hai triệu đảng viên cộng sản trong số hơn 80 triệu dân, mà trung ương lquyền lực tập trung trong bàn tay của 14 ủy viên bộ chính trị không được bầu bởi chính các bạn... Đó có phải là một điều tốt cho xã hội Tự do?

Chúng ta sửa chữa điều này như thế nào? Đấu tranh cho các nguyên tắc đằng sau Tuyên Ngôn Nhân Quyền, hạn chế quyền lực chính phủ, sẽ mang lại cho chúng ta một bước tiến lớn gần gũi hơn với Tự do. Đó cũng chính là điều mà chúng ta có thể làm cho một đứa trẻ sinh ra ngày hôm nay được sống theo cách nó chọn, được suy nghĩ và nói những gì nó tin tưởng và đứa trẻ đó có thể là con cháu của tôi hoặc của Bạn.