Lâu lắm hắn không lên Hà Nội, cảnh nhà nông: Chân lấm tay bùn, còn rảnh vào lúc nào mà chơi bời lêu lổng? Nhân đợt “chuyển dịch cơ cấu cây trồng’’, thu được vài tạ cam vừa kịp bói hắn quyết định “đã chăm tận gốc phải bán tận ngọn” kẻo bọn con buôn ép giá rẻ như bèo.

Trời còn tờ mờ tối, vợ hắn đã choàng dậy xuống bếp nấu cơm rồi xếp đầy hai sọt cam lên xe cho hắn... Vừa lúc hắn lò dò chui ra khỏi buồng, thị giục:

- Cơm chín rồi đấy, anh vào ăn rồi sửa soạn đi cho sớm chợ!

Hắn ậm ừ, gật gù, vòng ra đằng sau “xổ ruột” lấy ít chất bón ruộng rồi khệnh khạng quay lại bể nước múc nước rưả mặt, cuối cùng lững thững ngồi vào mâm.

Chưa kịp so đũa, thị đã giục:

- Ở thành phố tiền tiêu như nước ấy, anh chịu khó ăn “lõ lò lo” vào, đợi chiều về nhà hẵng ăn cơm nóng cho đỡ tốn.

Nhìn mâm cơm chỉ độc canh suông với cà muối, hắn nghĩ:

- Đã ăn thì phải lùa, phải chan mới xuôi qua cổ họng được, nhưng cái anh dạ dày đầy nước lõng bõng có sinh sự với anh tiểu tiện phía dưới không? Hay lại ấm ách suốt. Ra thành phố, góc phố vườn hoa nào cũng nhan nhản biển “cấm đái” chứ đâu phải thôn quê nhà mình mà bảo muốn giải quyết lúc nào cũng được?

Đạp xe vã mồ hôi hột, gần ba giờ sau hắn mới mon men sang bia kia cầu. Dựng xe ngay đầu phố, hắn xếp chất ngất lên hai sọt hàng. Các bà, các mẹ lập tức xô vào. Niềm vui bán hàng khiến hắn quên đi cảm giác ấm ách vừa kịp xuất hiện. Cam đầu nhà quả to mọng nước lại “cây nhà lá chợ” giá rẻ giật mình nên các bà cứ là bu kín lấy. Kẻ mua buôn người mua lẻ... rối rít tít mù làm hắn trở tay không kịp, cảm giác từ bụng dưới dội ngược lên khiến hắn đâm luống cuống, uốn bên nọ, éo bên kia, đôi lúc cứ phải giật thót bụng lại.

- Ơ cái nhà anh này, cân cho tử tế nào? Một bà nhắc:

Hắn cáu:

- Ai thèm làm điêu cho nhà chị, chẳng qua...

So đo, ngắm nghía, nhấc lên, dặt xuống, đổi đi, đổi lại chán các bà mới chịu để cho cân, lại ngó nghiêng, thử thăng bằng, khấc vạch hàng tiếng mới tin tưởng cất cam vào làn đủng đỉnh bước. Hắn còn chưa kịp làm gì, mấy bà khác lại đã tới, hỏi rối rít:

- Cam bao nhiêu chú?

- Tám ngìn! Hắn ngán ngẩm quát, bụng dạ tức anh ách thế này còn tâm trạng đâu mà cam với quýt.

- Cái gì? khách trợn mắt tưởng nghe nhầm –Vừa bán cho người ta sáu ngàn đồng xong, người ta mách lại còn...

Hắn giở giọng cùn để cắt đuôi, còn giải quyết việc đại sự đang chi phối toàn bộ tâm trí:

- Lúc nãy khác, bi giờ khác. Sao bà không ra từ tháng thớm mà mua?

- Ơ...

Bà khách trợn tròn mắt, đôi đồng tử nở tròn như thể trước mắt bà chỉ là một sinh vật lạ đội lốt người, có đầy đủ tứ chi nhưng trí não hao mòn kiệt quệ, bất bình thường, đặc biệt là cơ quan triều đình có vấn đề.

- Ơ gì?

Hắn tức khí dồn tiếp:

– mua được thì mua nhanh lên, người ta đang bí bỏ mẹ ra lại còn mà cả, mà cả...

- Đồ khỉ gió! Bà khách hàng ném vào hắn cái nhìn ngoa ngoắt khó hiểu rồi quầy quả bước đi.

Chỉ chờ có thế, hắn nhảy tót lên xe đạp miết. Xa xa một cái nhà nhỏ như chuồng chim bồ câu bằng tôn sơn vàng, đứng nhô ra phía đầu phố.

“Nhà vệ sinh di động chăng”? Có thể “Hà nội bi giờ văn minh lắm, chả phải thôn quê như nhà mình”, hắn chắc mẩm nghĩ“. Đi tiểu tiện vệ sinh đều phải mất năm trăm hay một nghìn đồng, tuỳ thời gian và tính chất công việc lâu hay chóng”.

Dừng xe lại, hắn đảo mắt vào trong: “Ô hô, đúng là có người... nhưng khỉ gió cái nhà anh này, sao lại vừa ngồi, vừa đọc báo, tranh thủ đến thế kia à?

Hắn gọi:

- Này chú!

- Gì thế?

- Xong chưa... ra anh... nhờ tí.

- Cái gì?

Một giọng gắt gỏng cất lên

- Muốn đùa với pháp luật hở?

- Trời đất! Pháp luật ở Hà nội nghiêm đến thế kia à? Muốn đi tiểu tiện cũng phải được phép của Pháp luật chắc? Hắn nghĩ... nhưng thôi mất gì lời nói. Vốn mặc cảm nặng nề về nguồn gốc thôn quê, hắn đành xử nhũn:

- Đi... ra anh nhờ tí... nhanh lên... nào... (Tiếng giở báo sột soạt đập vào tai hắn) ... Ai lại vừa đi vừa xem báo bao giờ?

- Ông muốn gì?

Cái đầu nhô hẳn ra khỏi khoang chật hẹp và một bóng người sừng sững vụt dậy trước mặt hắn.

- Ô ố...

Hắn muốn kêu thật to lên mà nghẹn tắc họng không làm sao kêu được – Hoá ra đây là... trạm cảnh sát... à trạm gác... giao thông à?

- Phải

- Thế nhà vệ sinh đâu hở chú? Hắn thật thà

- Hở với kín gì? Biến – Anh công an quát lộng óc:

– Chỗ người ta đang làm việc!

Quá sợ hãi, hắn vội vơ của chạy lấy người rồi thót bụng tót lên xe, vừa đạp vừa thở ậm ạch.

Buổi trưa trời nắng gắt, không khí oi nồng khó chịu. Vòng quanh cả phố không thấy bóng dáng đàn ông hoặc nhà vệ sinh công cộng nào, chỉ toàn cảnh sát với công an... hắn chặn vội cái bé cỡ tuổi con bé nhà hắn lại:

- Này, cháu! đi... đi... ấy ở đâu ấy nhẩy?... À, ờ... là... là... tiểu ấy mà?

- Cháu không biết, con bé đỏ bừng mặt bỏ chạy, chắc nó tưởng hắn thừa thời gian trêu nó chắc?

Tần ngần như Từ Hải chết đứng một lúc, hắn đành lủi thủi tìm đến chỗ các bà buôn thúng bán mẹt. Chậc, hắn nghĩ, “ngồi vỉa hè buôn bán quanh năm, chắc chắn các bà ấy phải biết”.

... Như con chim đậu phải cành cây cong đã hai lần va chạm với nhân dân và Pháp luật rồi, hắn tự nhủ: “phải thật cẩn trọng... nếu không muốn nghe cải lương vọng cổ”:

- E hèm... hèm...

Hắn hắng giọng, đoạn tiến đến một bà cụ phúc hậu nhất đám:

- Con lậy mẹ ạ, mẹ làm ơn...

- Gì thế chú?

- Dạ, hắn như mở cờ trong bụng:

- Con... con bí đái quá... thuốt từ tháng đến dờ* mẹ... mẹ làm ơn

- Khỉ gió cái nhà anh này Hàng họ từ sáng ế thiu, ế chảy ra đây... Vào kia, vào kia, bà cụ chỉ tay loang loáng...

- Chỗ cái cổng xanh đề hai chữ bệnh viện to tướng cuối phố áy. Vào đấy mà hỏi.

- Ôi vâng vâng – hắn mừng rú nhủ thầm: “Có thế chứ. Hà nội dẫu văn minh, lịch sự, rộng rãi đến mấy thì các xí nghiệp, bệnh viện, cơ quan lớn đông người cũng phải có nhà vệ sinh chứ”... Có thế mà không nghĩ ra - hắn đập mạnh hai tay vào đùi - có thế mà không nghĩ ra...

“Chọn mặt ...gửi cam” xong hắn cong đuôi chạy, hơi thở hồng hộc, điệu bộ lôi thôi. Ông gác cổng gọi giật giọng:

- Đứng lại!

Hắn đưa hai tay ôm bụng, mặt cắt không còn hột máu:

- Dạ tôi bí đái quá cụ ạ. Cụ thông cảm...

Mặt lão già đanh lại như vớ được tên kẻ trộm định vượt rào nguy hiểm:

- Không được, ai cũng đòi thông cảm như anh thì bệnh viện nhà nước thất thu à?... Qua phòng thường trực mua ngay y bạ đi... rõ khỉ ,cứ lừ lừ như ông Từ vào đền ấy, tưởng người ta không biết chắc?

- Thế ạ, hắn thần mặt không hiểu cụ ông định nói gì.

- Phải, giọng ông gác cổng đã trùng xuống:

- Thôi đưa một ngàn đồng đây, tôi bán cho... Đã vào bệnh viện là cứ phải có cái anh này, nhớ chưa
Cầm cuốn sổ một cách vô định, hắn rủa thầm:

- Quỷ tha, ma bắt cái nhà cụ già lẩn thẩn kia đi. Người ta mất có năm trăm bạc, cụ lại chỉ vào chỗ naỳ, vừa xa, vừa đắt những mấy lần. Nếu quy thành cam, thế là mất toi một quả to nhất vườn rồi... mà những sáu tháng trời chăm bẫm, chứ ít đâu???

- Kìa đi đi, thấy hắn đã moi tiền trả mà vẫn đứng chết lặng giữa phòng, cụ giục:

-Nhanh lên, còn chưa đầy nửa tiếng đâu đấy. Phòng 3, dãy A, bên phải, cầu thang giữa, tầng ba

- Ối cha mẹ ơi, hắn bần thần kêu lên - Văn minh thành phố kiểu gì mà lại đặt tít tận... tầng ba, dãy A, bên phải, cầu thang giữa thế này? Chậm thần kinh hay chân yếu, tay mềm thì có mà...

Vén cái bụng - lúc này đã thành bụng cóc qua một bên, hắn ầm ầm lao lên cầu thang, mấy ả đàn bà, phụ nữ tránh dạt sang một bên, không rõ câu chửi hay câu càu nhàu.

- Chúa lạy tôi! Tầng ba, dãy A, bên phải cầu thang giữa đây rồi... nhưng sao... kẻ ngồi, người đứng, vạ vật, mắt xanh, nanh vàng vẻ ốm đau, sốt ruột thế này?

Tấm màn trắng lung lay, một người đàn ông bước ra, hắn lơ láo đi vào. Một bàn tay giật mạnh cổ áo phía sau của hắn:

- Không nhìn thấy gì à?

- Ơ...

- Ơ gì?... Phải chờ đến lượt mình đã chứ? Định tranh thủ hả?

- Tôi... tôi, hắn ấp úng.

- Rõ là nhà quê chắc. Ngồi xuống ghế mà chờ đi. Sắp hết giờ rồi.

- Trời ơi thủ tục gì mà quái ác nhiễu nhương thế này? Hắn nhăn mặt: - Nói khí bậy chứ... quê hắn ấy à, tiện đâu bậy đấy. Bậy đâu... tè đấy. Thế mà lại nhẹ, đằng này...

Tiếng gọi trong phòng đập thẳng vào tai, làm hắn càng nhấp nhổm đứng ngồi không yên:

- Nào tiếp tục số mười lăm, mười lăm vào đi!

Hắn ngơ ngẩn nhìn xuống bàn tay mình, nơi người đàn ông vừa có nhã ý nhét vào một tấm phiếu bằng bìa bồi cứng... hai mươi hai, trời đất!

Tấm màn trắng lại một lần nữa nhâng lên. Cái đầu xinh xinh như “búp bê” mặc bộ đồ đầm trắng toát thò ra :

- Sáng nay chỉ giải quyết đến người thứ hai mươi thôi nhớ, còn chiều...

-Trời ơi! Hắn nhăn mặt, thót bụng, nín thở như người ăn phải bồ hòn... Người mười bảy, mười tám , rồi mười chín... Tấm màn vừa hạ xuống, tiếng “búp bê” lúc nãy vang lên:

-Thôi nhớ! Hắn vội vã lao vào, mặc đám người phía ngoài giật mình ngơ ngác, khó hiểu. Mặc... mặt hắn lúc này đã nặn bằng sáp:

- Dạ thưa...

- Có chuyện gì vậy? Người đàn ông vận toàn đồ trắng, nhướng cao đôi lông mày hỏi:

- Dạ... dạ... hắn lúng búng. Đứng trước hai con người sạch sẽ và có vẻ đáng kính này, hắn bỗng thấy mình thô thiển, cục cằn, càng khó diễn đạt được ý mình: “Nhà vệ sinh gì mà lại có cả liền ông liền bà thế này ? Nghe nói văn minh thành phố nghĩa là văn minh lắm, đến nhà tắm cũng phải nam riêng nữ riêng, đâu như người quê hắn, nhảy ùm xuống sông là xong.

- Nào, làm sao? Tiếng người đàn ông giật cục... làm sao cứ phải nhún nhảy như cào cào rang trên chảo nóng thế hả?

Được lời như cởi mối phiền, hắn vội thưa:

- Dạ! cháu, à em... bí... bí đái quá ạ... Thuốt từ tháng đến dờ... mà.

Đã đóng xong các cửa, búp bê vùng vằng khó chịu.

- Đã bảo chiều.

Hắn quỳ sụp xuống, giơ hai bàn tay vái lấy vái để:

- Dạ...xin ông bà thương...không...cháu chết mất.

Bác sĩ gật đầu vẻ thông cảm, bảo:

- Thôi được, cứ linh động giải quyết gấp cho anh ta, chiều sẽ xét nghiệm.

Quay người vơ lấy một lô lọ bé tí xíu như ngón tay cái, búp bê áo trắng bảo.

-Đấy, cố gắng đái một tí vào đấy. Mỗi cái chỉ mấy giọt thôi.

-Trời đất, cha mẹ ơi! Hắn ngẩn tò te chẳng hiểu thế này là thế nào? Hắn nhịn khổ nhịn thở thuốt từ tháng. Thậm chí bỏ cả gánh hàng để tìm vào đây giải thoát, lại còn mất bao công lao chầu chực như chờ phát chẩn, ban ơn cùng một ngàn bạc mất toi... Thế mà bây giờ - đưa cái lọ bé tí xíu ra động viên: - Cố gắng đái một tí vào đấy, mấy giọt thôi... có đến bố hắn đội mồ sông dạy bây giờ cũng chẳng còn giúp được nữa là.

“Búp bê” vừa quay mặt , hắn vội vàng hứng cái lọ bé tí xíu ra phía trước... một thứ nước vàng, đậm đặc, khai nồng chảy lênh láng qua miệng lọ tràn tung toé trên nền nhà. “Búp bê” nhìn ông áo trắng thất thanh:

- Ối... ối... kìa, kìa... đái tồ tồ như bò ấy lại ngoạc mồm kêu... bí đái.

Trút một hơi cạn kiệt,hắn thở hắt ra nhẹ nửa người, mỉm cười hối lỗi:

- Dạ... bí... thật đấy chứ ạ... Phải chịu đựng thuốt từ tháng thớm đến zờ mới được giải thoát... dạ lần sau em xin cạch đến già. Đúng là văn minh thành phố thật(!)

Lững thững ra khỏi cầu thang, tránh bà già đang lao cái gậy ngoắc bao tải to đùng vào cùng những tiếng cười phá lên xen lẫn tiếng lẩm bẩm, càu nhàu, trách cứ... hắn ra khỏi bệnh viện. Chợt nảy ra một phát kiến vĩ đại. Lần sau nếu còn phải ra thành phố bán cam hắn sẽ thủ sẵn một chai bia tàu... vừa đỡ tốn, lại tiết kiệm được ít chất tưới ruộng, chứ cái lọ... tẻo tèo teo ấy, ăn thua gì?
Ngoại Ô 4-2001
* Nói sai âm s thành th