Số 41 - Thứ sáu 11/10/2013 19:27


Bà Nhu năm 1963

Tư liệu độc quyền:

Một trong số những người tình được đồn đại của bà Chương - mẹ Lệ Xuân - chính là Ngô Đình Nhu. Người đàn ông này xuất thân từ một gia đình Thiên Chúa giáo danh tiếng. Cha của ông ta từng là quan lại trong triều đình, nhưng đã từ chức để phản đối các chính sách của chính quyền thuộc địa. Người cha với tư tưởng dân tộc chủ nghĩa chống Pháp đã gây ảnh hưởng lớn đến tư tưởng của cả 6 người con trai, đặc biệt là người con thứ ba, Ngô Đình Diệm, và người con thứ tư, Ngô Đình Nhu.

Đính ước vì “liên minh chiến lược”

Ngô Đình Nhu khi đó mới từ Pháp về Việt Nam sau khi có bằng thủ thư và chuyên viên lưu trữ. Trong một lần đến thăm gia đình ông Chương, Ngô Đình Nhu đã gặp cô thiếu nữ Lệ Xuân mới 15 tuổi trong vườn nhà. Cả hai đã nhanh chóng đính hôn như một nhu cầu thiết yếu của việc tìm kiếm “liên minh chiến lược”.

“Tôi chưa từng trải qua mối tình sâu đậm nào”, bà Nhu tâm sự với một phóng viên nhiều năm sau đó. “Tôi đã đọc nhiều về những điều như vậy trong sách vở, nhưng tôi chẳng bao giờ tin rằng chúng thực sự tồn tại”.

Cặp đôi kết hôn vào năm 1943, khi cô dâu tròn 18 tuổi và đã cải đạo Thiên Chúa giáo. Trong ngày cưới, Lệ Xuân lộng lẫy trong bộ váy cưới bằng lụa được may theo kiểu hoàng gia.

Sau đám cưới, đôi vợ chồng chuyển tới sống tại kinh thành Huế, nơi họ phải chứng kiến sự tàn phá chết chóc của quân đội Nhật hoàng tại vùng nông thôn, khiến nạn đói lan tràn vào năm 1944 và 1945 tại Việt Nam, làm hơn 2 triệu người chết.

Trong cơn tuyệt vọng, những người nông dân khốn khổ đã phải ăn cả cỏ, lá cây và vỏ cây và tha hương vào thành phố hòng mong kiếm được thức ăn.

Trước cảnh khốn cùng của nhân dân, những người cộng sản đã bí mật giúp người dân có lương thực, trao cho nông dân hạt giống để gieo trồng.

Khi Nhật đầu hàng quân đội đồng minh vào cuối Đại chiến II, người Pháp ôm mộng có thể tái chiếm thuộc địa - song đã hoảng sợ phát hiện ra rằng họ đang phải đối mặt với phong trào giành độc lập lan rộng trên khắp Việt Nam.

Vào năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh, những người cộng sản đã đánh bại quân đội Pháp và xét xử những kẻ theo chân quân xâm lược, trong đó có người anh cả của gia đình Ngô Đình. Ngô Đình Diệm cũng bị bắt giữ trong một thời gian ngắn, trong lúc người em Ngô Đình Nhu và Lệ Xuân trốn chạy về Sài Gòn.

Từ đây, vợ chồng Ngô Đình Nhu tiếp tục di chuyển đến ở cùng bố mẹ Lệ Xuân trong một dinh thự ở Đà Lạt, không xa dinh thự của người anh em họ, vị hoàng đế Bảo Đại - người vẫn duy trì cuộc sống xa hoa nhàn hạ với các trận tennis, câu cá, bơi lội hay đi săn vào thời điểm chiến tranh đang tàn phá mọi nơi.

Cả Bảo Đại và gia đình Lệ Xuân đều coi thường cuộc chiến tranh giành độc lập của những người cộng sản chống lại thực dân Pháp.

Pháp biết trước Diệm sẽ thất bại

Trái lại, Ngô Đình Nhu luôn dè chừng, nghi hoặc. Bọc dưới lớp vỏ của cuộc sống an nhàn tại Đà Lạt, với các cuộc săn bắn lớn và sở thích ươm các loài lan quý, Nhu đã bí mật xây dựng một đảng mới bao gồm mạng lưới những kẻ chống lại những người cộng sản.

Đảng này được điều hành bởi anh trai của Nhu là Ngô Đình Diệm - một viên quan cũ được tiếng liêm khiết, song luôn bị ám ảnh bởi việc xây cho được một quốc gia phi cộng sản.

Vào năm 1954, Diệm đã thuyết phục được người Mỹ - lúc này đang vật lộn trong nỗi sợ hãi chủ nghĩa cộng sản ảnh hưởng sâu rộng tại Châu Á - ủng hộ kế hoạch của ông ta.

Khi phái đoàn Mỹ đến Geneva để tham gia đàm phán kết thúc cuộc chiến tại Đông Dương, họ đã nêu tên Diệm như “người được lựa chọn” cho cương vị Thủ tướng quốc gia phi cộng sản được lập nên từ vĩ tuyến 17 đổ vào miền Nam.

Người anh em họ của bà Nhu, hoàng đế Bảo Đại, sẽ là người đứng đầu quốc gia mới trên danh nghĩa (trên thực tế, ông này đã lên kế hoạch sang Pháp sinh sống để trốn tránh chính trị).

Chỉ sau này Diệm mới hiểu vì sao Pháp - vốn căm ghét lập trường dân tộc chủ nghĩa cứng rắn của ông ta - lại nhất trí với kế hoạch của Mỹ. Chính phủ Pháp hiểu rất rõ rằng, Diệm sẽ hoàn toàn bó tay trước nhiệm vụ bất khả thi là gây dựng chế độ Sài Gòn để có thể ngăn chặn kế hoạch thống nhất đất nước của Hồ Chí Minh.

Khi Diệm đặt chân đến Sài Gòn với tư cách người đứng đầu chính quyền, ông ta đối mặt với một ngân khố rỗng không, thành phố bị tàn phá bởi các băng đảng tội phạm có tổ chức, và làn sóng người di cư.

Trong khi đó, những người cộng sản ở miền Nam đã rút vào hoạt động bí mật để tổ chức các cuộc chiến tranh du kích.

Ngô Đình Diệm, một người có lối sống khổ hạnh và ít hiểu biết về chính trị, hầu như phải phụ thuộc vào sự cố vấn của người em nhiều mưu mô Ngô Đình Nhu. Vì vậy, vợ chồng Nhu đã chuyển vào ở trong Dinh Tổng thống để giúp Diệm dẹp loạn các băng đảng tội phạm, đàn áp những kẻ thân Pháp và củng cố quyền lực.

Vào năm 1957, nhờ sự giúp đỡ của người em trai, Ngô Đình Diệm đã được báo chí nước ngoài tung hô như “người có bàn tay rắn kỳ diệu của Đông Nam Á”, và từ đây, Mỹ đã rót hàng triệu đồng đô la xanh vào túi chính quyền miền Nam Việt Nam.

Qua mặt anh em Diệm, Nhu

Ngô Đình Nhu lúc này đã được thừa nhận là bộ óc đằng sau chính quyền Diệm, song rất nhanh chóng bà Nhu đã nổi lên vượt qua cả hai anh em nhà Ngô Đình về cả tham vọng và máu lạnh.

Khi một đối thủ chính trị và cũng là con rối của Pháp huênh hoang rằng, ông ta sẽ đuổi cổ Diệm ra khỏi Sài Gòn và bắt Lệ Xuân làm vợ bé, bà ta nạt giọng: “Ông chẳng bao giờ có thể lật đổ được chính quyền này vì ông không có gan. Và ngay cả khi ông có thể lật đổ được đi nữa, ông sẽ không bao giờ có được tôi vì tôi sẽ cắt cổ ông trước”.

Sau đó, Lệ Xuân đã tổ chức một cuộc tuần hành tố cáo chính trị gia trên và đồng bọn người Pháp là “những kẻ phá hoại độc lập quốc gia” - một hành động khiêu khích trong bối cảnh “bầu không khí chính trị đã quá nóng” khiến bà ta bị buộc phải tạm lánh sang Hồng Kông nhiều tháng dưới sức ép của Mỹ.

“Thay vì xem nó như một sự trừng phạt, bà Nhu lại cho rằng việc họ đưa bà ta đi xa là sự khẳng định về uy quyền bà ta có thể có. Vì nếu bà ta không phải là mối lo, họ sẽ chẳng phải buộc bà rời khỏi gia đình. Rõ ràng, bà ta quá nguy hiểm để có thể tảng lờ cho qua”.

Vào năm 1956, sức ảnh hưởng của bà Nhu được thể hiện rõ khi bà ta giành được một ghế trong Quốc hội Sài Gòn, trong cuộc bầu cử bị tố cáo là do chính quyền Ngô Đình giật dây. Tuy nhiên, bà Nhu luôn khẳng định việc bà được đề cử “phản ánh ý chí của những người ủng hộ bà”.

Cha mẹ của bà Nhu cũng được thơm lây nhờ con gái, khi ông Chương được bổ nhiệm làm Đại sứ chính quyền Sài Gòn tại Mỹ, còn mẹ của bà trở thành Quan sát viên miền Nam Việt Nam tại Liên Hợp Quốc.

Ngay sau khi nhậm chức, bà Nhu đã sử dụng tài khéo léo để thúc đẩy việc thông qua các đạo luật mang màu sắc của những sự trả đũa cá nhân.

Dưới chiêu bài vì quyền của phụ nữ, bà ta đã soạn thảo Luật Gia đình để cấm việc giới chức có vợ bé và cấm ly dị - một động thái những tưởng là vì sự tiến bộ cho đến khi hàng loạt tin đồn xuất hiện về việc chị gái của bà Nhu là Lệ Chi ngoại tình và muốn ly dị chồng.

Khi Lệ Chi biết tin về luật mới, bà ta đã tự làm đau mình rồi cuồng loạn chạy quanh Dinh Tổng thống để phản đối. Bà Nhu được cho là đã nói với Lệ Chi rằng “nỗi hối hận duy nhất là sao không để bà ta chết đi cho rồi”.

Sau đó, người tình của Lệ Chi tiết lộ, bà Nhu đã muốn trừ khử ông ta bằng cách lén thuê người tiêm khuẩn tả cho ông này. Bà Nhu cũng đưa ra Luật Đạo đức cấm các cuộc khiêu vũ, thi sắc đẹp, cấm ngừa thai, các loại áo nịt ngực có gọng, trong lúc chính bà ta luôn ưa diện những loại áo dài may sát người với giày gót nhọn của Pháp.

Trên thực tế, bà Nhu thường phô bày sự gợi cảm của mình, trong lúc luôn miệng rao giảng về tính nhu mì.

Một mô tả thời đó về bà Nhu viết “bà cố vấn lúc nào cũng đỏm dáng, với một sự lẳng lơ không thèm che giấu trong lúc khiển trách người Mỹ về việc “cám dỗ phụ nữ Việt Nam vào con đường sai trái”. Một người khác cho rằng bà ta là “người vô cùng gợi cảm, và nói rất to”.

Bà Nhu còn được cho là đã khiến các chính trị gia và tướng lĩnh “bái phục” trong những cuộc chè chén say sưa khi tháp tùng chồng đến thủ đô Washington DC (Mỹ) và gửi những lá thư ướt át đến Phó Tổng thống Lyndon Johnson.

Khi Ngô Đình Diệm - thường cậy nhờ người em dâu đảm đương vai trò của một Đệ nhất phu nhân trong các cuộc tiếp tân chính thức - chỉ trích bà ta về những trang phục quá bó sát cơ thể, bà Nhu quặc lại: “Nó có khít cổ anh đâu, mà là cổ tôi. Vì thế, đừng nói nữa”.

“Bất cứ ai được thăng chức, mà không xấu trai, là bồ của bà Nhu”

Dù có hay không có việc bà Nhu ngoại tình - chủ đề nóng cho dư luận đồn đại khi đó - thì bà ta luôn được nhìn nhận như một “người đàn bà đầy quyến rũ và khêu gợi”, một biểu tượng của tính dục và một người lăng loàn. Song dường như bà Nhu rất thích những tin đồn này, hoặc ít nhất là chả thèm để tâm.

“Nếu bất cứ người đàn ông nào được thăng cấp và ông ta không quá xấu, dư luận lập tức cho rằng ông ta là người tình của bà Nhu” - bà cố vấn giễu cợt dư luận trong một lần trả lời phỏng vấn tạp chí Time.

Rõ ràng, những định kiến của dư luận đối về người mẹ “ngoại tình bừa bãi” của bà Nhu đã tiếp tục được áp đặt, dù đúng hay không, đối với người con gái.

Giống như mẹ mình, bà Nhu bị tố cáo, như lời của Demery, là “người đàn ông thực sự trong gia đình”.

Chánh Văn phòng của Tổng thống Diệm từng mô tả với các phóng viên rằng “bà ta nắm mọi quyền hành trong nhà”; còn một phóng viên Washington Post cho rằng Tổng thống Diệm “nghe lời em dâu hơn bất cứ ai khác ở Việt Nam”.

Bà Nhu thích được sống trong thế giới của đàn ông, tận hưởng sự thích thú khi chứng kiến những kẻ đến và đi khỏi bộ máy chính trị, mà theo một mô tả đương thời “mưu đồ của bà ta là không có giới hạn”.

Phóng viên từng giành giải Pulitzer của tạp chí Times, David Halberstam, ghi lại: “Bà Nhu có một sự say mê kinh ngạc đối với các buổi lễ phô trương quyền lãnh đạo.

Bà ta là người duy nhất trong gia đình có thể bước đi với dáng vẻ của một kẻ độc tài, với niềm thích thú hứng khởi khi nhìn thấy những hàng người dài tiếp đón, và quay từ từ sang phải, rồi sang trái để có thể nếm trải cảm giác được là tâm điểm của cả đám người. Nó luôn là một màn trình diễn của bậc thầy... Đó cũng là cách mà Mussolini (nhà độc tài Ý) đã làm”.

Để chứng tỏ lòng dũng cảm của chính mình và dè bỉu sự yếu đuối của anh em họ Ngô, bà Nhu thường kể câu chuyện về cách bà ta đã trấn an được tinh thần của “Diệm mềm yếu” và người chồng khi đó hoảng loạn phải đánh trả mạnh mẽ lại những kẻ phản bội trong một âm mưu đảo chính năm 1960.

“Trước thời điểm đó, họ chưa bao giờ nhìn nhận về tôi một cách nghiêm túc. Nhưng từ sau đó, họ đã bắt đầu chú ý đến tôi” - bà Nhu kể với tờ Halberstam một vài năm sau. Trong một dịp khác, bà Nhu phát biểu với phóng viên của tạp chí Newsday, Marguerite Higgins, rằng “Quyền lực là tuyệt vời”.
Xem Tiếp Kỳ Sau