[Facebook]

Còn đây là cách người Mĩ viết hiến pháp cho Nhật Bản, khỏi cần huy động toàn bộ hệ thống chính trị mà bản hiến pháp vẫn đầy đủ và dân chủ như thường. Kẻ nào bảo Mĩ xấu, giơ tay lên:

“Nhật Bản không bị mất hoàng đế. Nhưng địa vị của ngài phải được đưa vào bộ luật mới. Ban đầu chính người Nhật chấp bút dự thảo hiến pháp mới, nhưng họ làm chậm và cứ bám vào bản hiến pháp năm 1889 đến mức MacArthur phải giao cho hai mươi bốn chuyên viên của mình đứng ra soạn thảo hiến pháp cho nước Nhật. Nhiệm vụ được thực hiện trong vòng có 6 ngày. MacArthur thông qua dự thảo vào ngày 11 tháng 2 năm 1946 – ngày thành lập đế chế Nhật Bản, hiến pháp cũ được thông qua vào đúng ngày này cách đây 57 năm. Hai ngày sau, tại bộ ngoại giao Nhật Bản, dự thảo được chuyển cho đại diện của chính phủ Nhật - đấy là ông Matsumoto Joji, trưởng nhóm soạn thảo hiến pháp, và ông Yoshida Shigeru (1878-1967), bộ trưởng ngoại giao. Tướng Whitney trao bản dự thảo hiến pháp viết bằng tiếng Anh. Ngày 12 tháng 2 còn là ngày sinh của Abraham Lincoln. Jimmu và Lincoln không biết đến sự tồn tại của nhau, nhưng người Nhật và người Mĩ hiện nay hiểu rõ ý nghĩa mang tính biểu tượng của sự kiện vừa diễn ra: lí tưởng của Tổng thống Loncoln mạnh hơn lí tưởng của vị hoàng đế đầu tiên của nước Nhật.

Biên bản bàn giao bản hiến pháp được lập ngay trong vườn. Một chiếc máy bay ném bom của Mĩ bay ngang qua đầu - bằng chứng rõ ràng về việc ai đang là chủ đất nước và vùng trời ở đây. Đây có vẻ như một tối hậu thư. Whitney kiên quyết đòi phải thông qua dự thảo trong vòng 48 tiếng, vì đối với những người bảo thủ mà nhiều người coi là bọn phản động thì đây là cơ hội cuối cùng giúp họ tiếp tục nắm giữ quyền lực. Đấy là ông tướng Mĩ muốn nói đến những người cộng sản, họ sẽ đập tan toàn bộ hệ thống mà Chiêu Hoà đang là trung tâm. Người Nhật cũng coi đây là luận cứ vững chắc. Người Nhật và người Mĩ đang lấy “bọn đỏ” ra doạ nhau. Chính phủ Nhật Bản chấp nhận tối hậu thư – sau khi đưa ra một vài sửa đổi không đáng kể, họ đồng ý thông qua bản hiến pháp do người Mĩ chấp bút.

Bản dự thảo hiến pháp do người Mĩ viết đáp ứng được tất cả các tiêu chuẩn dân chủ “bình thường”, bảo đảm được quyền tự do cá nhân (tự do ngôn luận, tự do hội họp, lập hội, tự do tín ngưỡng, bất khả xâm phạm sở hữu tư nhân ..v.v..). Nhưng có hai điểm khác với hiến pháp các nước khác, kể cả Mĩ. Cũng như hiến pháp cũ, hiến pháp này bắt đầu bằng việc xác định vị trí của hoàng đế. Bản hiến pháp cũ viết như thế này: “Đế chế Nhật Bản vĩ đại được các vị hoàng đế thuộc vương triều vĩnh cửu và không bao giờ thay đổi cai trị”. Hiến pháp mới xác định hoàng đế là “biểu tượng của dân tộc Nhật và biểu tượng của sự thống nhất của nhân dân Nhật Bản”. Đây là một định nghĩa độc đáo, chưa từng có. Hơn nữa, hiến pháp tuyên bố rằng nhân dân là chủ nhân ông của đất nước. Điểm độc đáo thứ hai, được ghi trong điều 9, là “vĩnh viễn không coi chiến tranh là quyền của dân tộc có chủ quyền, cũng như không sử dụng vũ lực và đe doạ sử dụng bạo lực như là phương tiện giải quyết các tranh chấp quốc tế”. Điều 9 cũng qui định việc không thành lập lực lượng vũ trang.” Cũng theo cuốn Là người Nhật do mỗ dịch.