Câu: "Phan, Lâm mãi quốc! Triều đình khi dân" tôi thấy cần phải suy nghĩ lại.Thực sự đường hoạn lộ của cụ Phan Thanh Giản (mà từ nay về sau tôi sẽ gọi là cụ Phan để tỏ lòng kính trọng) là cả một bi kịch. Cụ Phan bị kết tội bán nước (mãi quốc) là một nỗi oan mà cụ phải mang theo suốt hơn 150 năm chỉ vì cụ đã tự sát để cứu đi cả ngàn sinh mạng khi thực dân Pháp ép cụ phải trao cho chúng ba tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên vào tháng 6 năm 1867. Trong bước đầu, cụ Phan đã cố gắng thương lượng với người Pháp để tránh đổ máu nhưng người Pháp lợi dụng vị thế quân sự của họ mạnh hơn quân đội VN nên họ từ khước và muốn cụ Phan phải trao cho chúng 3 tỉnh vô điều kiện. Thêm vào đó, cụ Phan không thể nào liên lạc được với triều đình Huế để xin lệnh vì tất cả các phương tiện giao thông qua các tỉnh đều bị Pháp chiếm đóng. Cuối cùng người Pháp đã tấn công! Cụ Phan và binh lính không chống trả nổi trước hỏa lực quá mạnh và binh lực quá đông của người Pháp bao gồm lính Pháp và cả ngàn giáo dân theo Pháp (Lực lượng quân đội viễn chinh lúc này kể cả thủy lục có khoảng 8.000 người với hơn 30 tàu chiến đủ loại). Tệ hại hơn nữa, lấy lý do nghĩa quân nổi lên khắp nơi, người Pháp bắt cụ Phan phải trả họ 1 triệu đồng để đền bù thiệt hại. Khi tên đô đốc Lagrandière phủ dụ cụ rằng:"Chúng tôi yêu cầu ngài giao toàn thành Vĩnh Long cho chúng tôi. Chúng tôi bảo đảm với ngài sẻ không có một sự báo thù nào xẩy ra và trật tự sẽ được giữ nguyên như dưới sự cai trị của các ngài.

Rất khẳng khái, trầm tĩnh, cụ Phan trả lời :

"Là thần dân nước Việt Nam, tôi chỉ có quyền giữ đất chứ không có quyền giao đất."

Trở về căn nhà lá đơn sơ ở ngoại thành Vĩnh Long, có hai tên lính Pháp theo giữ, ông viết thư gửi cho Tổng-đốc An Giang và Hà Tiên :

"Hỡi các quan và dân chúng,

"Quốc gia của Hoàng Đế ta, có từ thời xưa. Sự trung thành với Tiên Vương là trọn vẹn và luôn luôn hăng hái. Chúng ta không thể nào quên ơn Hoàng Đế và Tiên Vương của chúng ta.

"Bây giờ đây người Phú-lang-sa đến xứ ta với nhiều súng ống bắn mạnh, gieo rắc sự vẩn đục trong dân chúng ta. Chúng ta yếu ớt không thắng nổi người Phú-lang-sa. Tướng soái, lính tráng của ta đều bị họ đánh bại. Mỗi lần đánh nhau là mỗi lần đem lại đau khổ cho dân chúng ta.

"Bản chức van vái trời, bản chức nghe theo lẽ phải và tự nhủ : bây giờ thế họ như dòng thác, ta chặn chỗ này nước chảy chỗ khác. Thế nước thế này, dẫu cố gắng giữ chẳng khác gì mình lại kéo về mình một cách vô ích những tai hoạ để tai hoạ ấy đè lên đầu dân mà trời đã trao cho mình chăn dắt.

"Bản chức buộc phải lựa theo thế trời mà đứt ruột gan giao ba tỉnh miền Đông cho họ, ngõ hầu mưu sự yên hoà cho dân chúng. Nay người Phú-lang-sa lại lấy cớ nghĩa quân ta nổi lên chống họ để buộc ta giao ba tỉnh miền Tây cho họ. Ta đã nói với họ rằng ta chỉ có quyền giữ đất chứ không có quyền giao đất. Nhưng nếu bản chức tuỳ theo Thiên Ý mà tránh đỡ giùm dân khi họ đem tai hoạ gieo lên đầu dân mình, như vậy bản chức trở thành phản thần đối với Hoàng Đế của ta vì bản chức giao ba tỉnh của Hoàng Đế cho người Phú-lang-sa mà không chống cự. Bản chức đáng tội chết !

"Hỡi các quan và lê dân ! Các người có thể sống dưới sự điều khiển của người Phú-lang-sa, những người này chỉ đáng sợ trong lúc chiến tranh mà thôi, nhưng lá cờ ba sắc không thể phấp phới bay trên thành lũy mà nơi ấy Phan Thanh Giản còn sống. "Đoạn ông xếp triều phục, ấn triện, 23 đạo bằng sắc, cho người mang về triều dâng vua Tự Đức, kèm theo một lá sớ :"... Gặp thời bĩ, việc dữ khởi lên trong cõi, khỉ xấu xuất hiện biên thùy. Việc Nam Kỳ đến thế này không thể ngăn nổi. Nghĩ tôi đáng chết, không dám cẩu thả sống để nhục đến quân phụ. Hoàng thượng rộng xét cổ kim, hiểu rõ trị loạn, có người hiền giúp đỡ, kính phép trời, thương người cùng khổ, lo trước tính sau, thay dây đổi bánh, thế lực còn có thể làm được. Thần đến lúc tắt nghỉ, nghẹn ngào, không biết nói gì, chỉ gạt nước mắt tỏ lòng quyến luyến trông mong khôn xiết. "Phan Thanh Giản gọi các con lại trăn trối : "Khi ta thác rồi, đem linh cữu của ta về chôn tại làng Bảo Thạnh, bên phần mộ tổ tiên. Còn tấm triện nên bỏ, nếu không hãy đề : quan tài của một thư sinh già họ Phan gốc ở miền bể Đại Nam. Bia mộ cũng như thế." Đoạn ông cầm bút viết : Minh sinh thỉnh tỉnh, nhược vô ưng thư :"Đại Nam hải nhai lão thư sinh tính Phan chi cửu, diệt dĩ thử chi mộ."Rồi ông mặc áo rộng, bịt khăn đen, bắt đầu tuyệt thực. Lagrandière sai bộ hạ đem đồ ăn thức uống, loại quí, hiếm, thuyết phục ông dùng. Ông bảo họ mang về. Sau mười lăm ngày nhịn ăn không chết, ông bèn uống thuốc phiện với dấm thanh. Ngày 4-8-1867 ông từ trần.Lagrandière không bỏ dịp lợi dụng cái chết của ông. Trong lúc hàng vạn người dân Vĩnh Long đổ ra bờ sông cúi đầu tiễn đưa ông về Gãnh Mù U, cái làng Bảo Thạnh khô cằn, nơi ông ra đời, thì Lagrandière tổ chức đám quốc táng long trọng, để tỏ rằng chính phủ Pháp vẫn kính trọng và mến tiếc Phan Thanh Giản. Chính vì hành động này của Lagrandière đã khiến cho triều đình hiểu lầm cụ Phan và lên án cụ là "kẻ bán nước". Trong chiếu chỉ của vua Tự Đức ngày 21-10-1867 đã lên án cụ như sau:

"Phan Thanh Giản thủy chung lời nói không xứng với việc làm, đem học vấn danh vọng một đời trút sạch xuống biển Đông, thật là táng tận lương tâm.

" ... đi sứ không có công, giữ chức kinh lược để mất ba tỉnh, hai tội đều nặng. Mặc dầu đã lấy cái chết tự phạt nhưng cũng không đủ đền bù cho trách nhiệm. Vậy cho truy đoạt chức tước phẩm hàm, đục bia tiến sĩ. "Hai mươi năm sau, vua Đồng Khánh cho Phan Thanh Giản phục chức hàm là Hiệp Tá Đại Học Sĩ.

Trích điếu văn của Phạm Phú Thứ :

"Một thân thờ ba triều, làm quan hơn bốn mươi năm, già hơn bảy mươi tuổi, rất từng trải kinh nghiệm, được tôn trọng và tin cậy trong triều cũng như trong nhân dân. Học rộng phẩm cách tuyệt vời, dù hoàn cảnh trái ngược đến bao nhiêu, ngài cũng không bao giờ là người hại nước. Dù hoàn cảnh ngang trái thế nào, ngài vẫn giữ trọn tấm lòng cao thượng.

"Những bọn hèn đứng thấp chẳng thấy gì, la hét nhảy nhót như mê như say, nào có biết đâu tình thế nước nhà.

"Tiếc cho ý chí của ngài không được thực hiện."

Thơ điếu của Nguyễn Đình Chiểu, tác giả Lục Vân Tiên :

Non nước tan tành hệ bởi đâu?
Dàu dàu mây bạc cõi Ngao Châu.
Ba triều công cán vài hàng sớ,
Sáu tỉnh cương thường một gánh thâu.
Ải Bắc ngày trông tin điệp vắng,
Thành Nam đêm lắng tiếng quyên sầu.
Minh sinh chín chữ lòng son tạc,
Trời đất từ đây mặc gió thâu
.

Một cái chết tương tợ mà ít người biết là cái chết của Lâm Duy Hiệp, phó sứ của Phan Thanh Giản cũng bị lên án là "bán nước". Thấy mình có tội vì không làm bổn phận triều đình giao cho, Lâm Duy Hiệp khi bịnh không ăn, không chịu thuốc thang mà đợi cái chết (15-11-1863). Hai cái chết, hai con người, hai nhân cách đáng trọng, nhưng lịch sử, người đời sau chẳng lẽ nào không nhận ra bi kịch của cuộc đời cụ Phan và cụ Lâm Duy Hiệp hay sao?

Phụ chú:Vấn đề cái chết của cụ Phan.

Thời phong kiến, cái quan niệm "trung quân, ái quốc" rất khắc nghiệt.

Hành xử Vua-tôi thì trung quân-ái quốc: Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung.

Hành xử gia đình đối với người phụ nữ thì tam tòng: Xuất giá tòng phu, xuất gia tòng phụ, phu tử tòng tử. Tứ đức :Công, dung, ngôn, hạnh...v.v...

Để mất thành, mất tỉnh là không trung thành với Vua, không trung với Vua là phản quốc! Phản quốc là phải tội chết! Cái chuỗi logic đó đáng sợ vô cùng! Vì thế khi để mất 3 tỉnh, cụ Phan có cách gì hơn để tỏ lòng trung thành với triều đình, để rửa sạch vết nhơ, để giữ gìn khí tiết của kẻ sĩ. Hẳn là không! Cho dù cụ Phan không tự tử, liệu vua Tự Đức có miễn tội chết cho cụ hay không? Cái chết của cụ Phan đã được nhiều vị tiền bối của cụ lựa trọn khi không hoàn thành trọng trách với vua, dân như các ông Võ Tánh, Ngô Tùng Châu, Hoàng Diệu v.v...