Bồi bút, Đại tá, TBT Báo Petrotimes, Nguyễn Như Phong bẩu rằng: "Việc ông Ngọ vẫn được Chủ tịch nước phong cấp hàm Thượng tướng là minh chứng rõ nhất cho việc ông không ăn hối lộ của Dương Chí Dũng". Ông ấy “bẩu” thế chính tỏ cái Tầm của ông không hơn một con vẹt và cái Tâm của ông nó bốc mùi thum thủm. Nhớ chuyện cũ, mấy năm trước thằng Tôi cũng có lời mời, chính xác là thách đố ông ấy tham gia một vụ cá cược nhưng vì ông ấy không đủ bản lĩnh đã ngậm hột thị làm ngơ. Tất nhiên ông ta chỉ ko dám chấp nhận cuộc chơi sòng phẳng thôi còn thì vẫn dùng ngòi bút và bàn phím để chửi rủa,mạ lỵ nguời khác. Thằng Tôi xin giới thiệu với bà con bài viết cũ từ năm 2007. Bài này có lẽ hai nhân vật được nhắc đến trong bài viết là Luât sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân cũng chưa đọc.

Thư ngỏ gửi ông Nguyễn Như Phong - Phó tổng biên tập báo An ninh thế giới

Hải Phòng, ngày 30 tháng 10 năm 2007

Thưa ông Phong, tôi là Phạm Thanh Nghiên, giới tính: nữ; trú tại số nhà 17, Phương Lưu 2, phường Đông Hải- An Hải - Hải Phòng. Tôi năm nay 30 tuổi, nghĩa là chỉ đáng tuổi con ông. Vậy mà trong lá thư này tôi phải xưng hô với ông là “ông, tôi” lịch sự theo kiểu Âu- Mỹ, chứ không phải Á Đông. Kể cũng khá bực mình cho cả hai.

Tôi đã đọc bài báo của ông đăng trên An ninh thế giới, số ra ngày 27-10-2007 với tựa đề: “Lại một kiểu đâm bị thóc, chọc bị gạo” nói về chuyến viếng thăm của phái đoàn Uỷ ban tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ ( UBTDTG) và những nhà hoạt động tôn giáo, dân chủ nhân quyền đang bị cầm tù liên quan.

Thưa ông, vì bài báo của ông có nói đến người quen của tôi là LS Lê Thị Công Nhân bằng giọng khiếm nhã không xứng với bề nổi con người ông là Phó Tổng biên tập một tờ báo lớn, trong khi đó LS lê Thị Công Nhân đang bị cầm tù, không thể phản hồi phơi bày sự thật nên tôi phải phản hồi bằng bài báo này. Còn những nội dung khác, tôi biết đã có nhiều người lên tiếng chỉ trích ông nên không muốn lặp lại.

Thưa ông, từ ngày LS Lê Thị Công Nhân bị cầm tù bằng luật của các ông, bà Trần Thị Lệ, mẹ LS LTCN có mấy lần xuống Hải Phòng ghé thăm gia đình tôi. Lần nào bà cũng kể chuyện đi thăm, tiếp tế cho LS LTCN cho cả nhà tôi nghe. Vậy có nghĩa là bà Trần Thị Lệ có được đi thăm và tiếp tế cho con. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài RFA hồi LS LTCN đang trong thời gian giam cứu, bà có nói bà không được đi thăm; sau này tôi chưa bao giờ nghe bà nói đến chuyện đó nữa. Khi chuyện thăm nuôi tù nhân là quyền lợi và nghĩa vụ của thân nhân được thực hiện đúng luật định thì không còn gì đáng nói.

Vậy mà trong bài báo, ông viết: “Họ (chỉ UBTDTG) cũng đề nghị được đi thăm trực tiếp Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân mà theo họ thì tại buổi mời cơm với thân nhân của hai đối tượng họ được nghe nói rằng, từ ngày bị bắt đến giờ, Đài và Nhân chưa được tiếp tế...”; đọc đoạn viết này, người đọc nào cũng hiểu rằng trong bữa cơm hôm ấy bà Trần Thị Lệ và vợ LS Nguyễn Văn Đài nói họ không được chăm nuôi thân nhân đang bị cầm tù. Nghĩa là hai người này đã vu khống chế độ nhân đạo nhà tù cộng sản.

Để cho khách quan, tôi đã gọi điện cho bà Trần Thị Lệ và được biết bà không hề nói với phái đoàn UBTDTG như ông đã đơm chuyện và rất bức xúc trước hành vi ăn không nói có của ông. Nhưng vì bận rộn nhiều chuyện quan trọng hơn là phản hồi một bài báo của ngành sen đầm, bà không còn thời gian.

Thưa ông! Sự tàn bạo của nhà tù cộng sản thì không cần phải ai vu khống nữa, bởi ông Vũ Thư Hiên (đêm giữa ban ngày), ông Bùi Ngọc Tấn (chuyện kể năm 2000), ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện, LM Nguyễn Văn Lý, cùng hàng trăm nhà hoạt động dân chủ ôn hoà và hàng vạn cựu Quân nhân cán chính Việt Nam Cộng Hoà đã “vu khống” đủ rồi, không cần đến bà Trần Thị Lệ và bà Vũ Minh Khánh nữa. Tôi chỉ xin phép nêu ra phương pháp viết báo dùng sự vu khống của người viết để người đọc nhận ra người vu khống không phải là người viết mà thôi!

Theo quy định, thân nhân được gủi quà ( tiếp tế) cho tù nhân mỗi tuần một lần, vị chi một tháng 4 lần, vậy mà trong bài báo ông dám nói theo quy định mỗi tháng chỉ được một lần. Nếu người đọc tin vào trò đánh lận con đen của ông thì quả nhiên LS LTCN và LS NVĐ được ưu tiên; nhưng nếu biết một tuần được tiếp tế một lần thì ai cũng thấy họ không được ưu tiên chút nào.

Tuy các ông kêu gọi khản cổ “một cửa” cho các vấn đề dân sự mà đến nay đã thấy đâu! Vậy làm sao thủ tục thăm nuôi tù nhân chính trị không bị gây phiền hà gấp bội lần cho được! Trên thực tế từ ngày con gái bị bắt giam, bà Trần Thị Lệ chỉ được đi thăm nuôi 4 lần, vậy mà ông viết vống lên 32 lần; phịa như vậy lại có rất nhiều người tin thì thấy cái lợi của chính sách độc quyền thông tin, nghiêm trị tự do ngôn luận.

Đọc bài phản hồi này nếu ông lập luận rằng: “chúng tôi đâu có độc quyền thông tin, bằng chứng là cô có quyền viết ra sự thật đấy thôi!”, thì tôi xin thưa ông: Muốn ngôn luận ắt phải có phương tiện. Bài phản hồi của tôi chắc chắn là không thể in ở giới truyền thông trong nước; các trang mạng của người Việt Hải Ngoại cho phép chúng tôi thực hiện quyền tự do ngôn luận bị chính quyền làm tường lửa, khi tôi định nhờ nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa gửi lên mạng thì được biết đường truyền internet của ông đã bị cắt....

Khi bài viết này xuất hiện trên mạng internet theo cách của tôi thì thế nào một con nhóc gầy bé còm nhom như tôi lại sẽ bị triệu tập lên công an chống bạo loạn lật đổ Hải Phòng cho 3 đến 5 “chú” công an lực lưỡng vây quanh lục vấn 4- 5 giờ đồng hồ. Ông có cá với tôi không?

Ông còn viết: “Đài và Nhân béo chun chút, mặt mũi phởn phơ. Hoá ra từ ngày bị bắt đến nay Đài và Nhân sống có khi còn đầy đủ hơn ở ngoài”. Không hiểu ông có biết rằng mọi nhà tù ở các nước văn minh, thân nhân đi thăm tù nhân không phải bánh trái quà cáp lỉnh kỉnh, vì ăn uống trong nhà tù không kém bên ngoài. Người nhà đi thăm tù nhân chỉ với mục đích tình cảm; vậy mà ở Việt Nam, khi đi thăm thân nhân phải chuẩn bị đồ ăn cho tù nhân đủ mấy ngày, phải mua thuốc chữa bệnh cho thân nhân, dù trong đó có dịch vụ y tế. Đã bắt giam người ta lại còn bắt gia đình người ta phải chung nuôi với mình, chữa bệnh chung với mình. Đấy là cái đáng vinh hay đáng nhục của chế độ xã hội chủ nghĩa thưa ông Nguyễn Như Phong?

Cái ông phải nghĩ ra được là dù LS Đài và LS Công Nhân không khổ vì bị đối xử tàn bạo về vật chất nhưng vẫn khổ vì bị đối xử về mặt tinh thần. Họ không thuộc phường giá áo túi cơm như ai để mà sung sướng vì được ăn uống đầy đủ, có địa vị, bổng lộc. “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách (Quốc gia thịnh, suy, đến kẻ thất phu cũng phải có trách nhiệm). Họ đều là trí thức, ham muốn cho đất nước có tự do, dân chủ, nhân quyền, độc lập, phồn vinh mà bị tù oan thì đúng là “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”. Ông Phong không phải là họ cho nên mới chỉ mong ước cái “chun chút” của họ thôi.

Thưa ông Phong! Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa dùng một câu thơ: “cứ để cho họ sủa” để nói về làng báo của các ông. Tôi thấy câu thơ này không quá chút nào. Tôi biết báo An ninh thế giới của ông có số phát hành khá lớn. Tuy nhiên, tôi cuộc với ông rằng nếu tôi được phép ra báo tư nhân như Hiến pháp quy định, thì dù chưa qua một trường đào tạo báo chí nào, tờ báo của tôi cũng đánh bại tờ báo của ông bằng một tiêu chí duy nhất: Viết thật! Viết đúng! Biết tôn trọng độc giả.

Ông có dám cá không; thưa ông???!

Kính chào ông
Phạm Thanh Nghiên — with Ngô Duy Quyền and Luật Sư Nhân Quyền.