Posted on February 7, 2014 by HNSG



Đọc phản ứng của Việt Nam về vụ điều trần nhân quyền tại Thụy Sĩ, qua những kênh thông tin ở Việt Nam thật đáng giật mình lo sợ.

Một loạt các cường quốc bị Hà Nội cho rằng nói không khách quan, thiếu chính xác.

Hãy thử điểm các cường quốc này gồm ai.

” Trong số các nước đưa ra những chất vấn gay gắt về nhân quyền Việt Nam có Mỹ, Canada, Australia, Anh, Pháp, Đức, Thụy Điển, Nhật, Thụy Sĩ, Ireland, Ba Lan, Phần Lan.

Có vài nước ca ngợi Việt Nam hoàn toàn như Trung Quốc và Cuba.”

Nếu quả thật các nước nói trên không công tâm khi nói về nhân quyền Việt Nam, thiếu thiện chí khách quan thì thật đáng lo sợ. Những cường quốc đem lại kim ngạch xuất khẩu thặng dư cho Việt Nam đều thiếu thiện cảm với Việt Nam, những cường quốc mà số tiền viện trợ, cho Việt Nam vay đều đứng đầu thế giới ,những cường quốc mà nhiều bậc lãnh đạo cao cấp Việt Nam từng học hỏi ở đất nước này lại lại thừa hơi đi nói láo Việt Nam. Như thế ảnh hưởng lắm chứ, các ông Nguyễn Thiện Nhân, Vũ Đức Đam, Nguyễn Thanh Nghị, Nguyễn Minh Triết liệu tiếp thu gì ở những đất nước dối trá này.

Nếu sự thật thế này, đúng là gánh nặng tinh thần cho hàng ngàn du học sinh Việt Nam đang học tập ở những đất nước này. Hàng bao doanh nghiệp làm ăn với những đất nước này. Còn gì đau khổ , dằn vặt hơn khi phải học tập và làm ăn buôn bán với một lũ thù địch, thiếu thiện chí với người dân Việt Nam như thế ( trong trường hợp này nhà nước sẽ biến thành nhân dân ). Còn gì ê chề hơn phải đi xin viện trợ, vay tiền của bọn khốn nạn, vô lương tâm như thế nhỉ.?

Hoa Kỳ thẳng thừng, ngang ngược đề xuất.

http://vietnamese.vietnam.usembassy.gov/pr070214.html

” Tuy nhiên, Việt Nam vẫn sách nhiễu và bắt giữ những người thực hiện các quyền hạn và các quyền tự do phổ quát, như tự do ngôn luận và lập hội. Việt Nam cũng hạn chế tự do tôn giáo, và việc sách nhiễu các nhà thờ không đăng ký vẫn diễn ra.

Chúng tôi quan ngại về sự hạn chế đối với việc thành lập nghiệp đoàn độc lập, về việc sử dụng lao động trẻ em và lao động cưỡng bức, và việc chính phủ sử dụng lao động bắt buộc.

Chúng tôi cũng thất vọng về việc Việt Nam ngăn cản xã hội dân sự tham gia vào toàn bộ quá trình UPR.

Chúng tôi đề xuất với Việt Nam:

Sửa đổi luật an ninh quốc gia mơ hồ được sử dụng để đàn áp các quyền phổ quát, và thả vô điều kiện tất cả các tù nhân chính trị, như Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, Lê Quốc Quân, Điếu Cày và Trần Huỳnh Duy Thức;

Bảo vệ các quyền của người lao động được quốc tế công nhận và tăng cường thực thi luật cấm lao động cưỡng bức; và Nhanh chóng phê chuẩn và thực thi Công ước Chống Tra tấn.

(Hết tuyên bố)”

Nếu đã biết tâm địa của các cường quốc này là thiếu thiện chí, không khách quan khi đánh giá nhân quyền Việt Nam. Hẳn Việt Nam sẽ thẳng thưng bác bỏ những yêu sách can thiệp vào công việc nội bộ này.

Việt Nam sẽ không sửa đổi luật an ninh quốc gia mơ hồ. Không có thả người, không vận động 4 người trong danh sách trên chấp nhận ra khỏi nhà tù, lên máy bay để đến một nước nào đó trong số các nước thiếu thiện chí này. Hoặc vận động thân nhân gia đình họ thuyết phục họ rời đi như thế.

Việt Nam giữ nguyên luật lao động như trước kia.

Việt Nam không phê chuẩn và thực thi công ước chống tra tấn.

Bác bỏ 3 yêu sách trên, Việt Nam sẽ chứng minh rằng những gì Việt Nam làm là hoàn toàn đúng đắn. Những lời chỉ trích của các cường quốc kia là hoàn toàn xuyên tạc.

Chỉ e rằng sắp tới Việt Nam vận động để người tù nào trong số 4 người kia chịu chấp nhận ra khỏi nhà tù lên máy bay đi sang nước khác. Đồng thời Việt Nam sửa đổi luật lao động, phê chuẩn thực thi công ước chống tra tấn. Khi những điều này xảy ra, chứng tỏ quốc tế không thừa hơi đi nói láo cho Việt Nam như ông Lương Thanh Nghị phàn nàn.

Điều thứ hai và thứ ba tất phải đến.

Còn điều thứ nhất. Cái này dành riêng cho bạn đọc.

Có thể một trong số 4 người kia không chấp nhận cách ra khỏi nhà tù kiểu như vậy. Như thế Việt Nam sẽ có cớ nói với các nước rằng, chúng tôi đã tạo điều kiện nhưng những người này không muốn thế. Mặt khác họ nói với trong nước rằng – dù quốc tế đòi hỏi thế nào cũng phải chịu, không can thiệp được vào nội bộ pháp luật Việt Nam, những người này là những tên tội phạm, cường quốc nào cũng không bênh vực được.

Nếu một trong 4 người chấp nhận đi. Đó là một điều khổ tâm của họ. Tất cả những con người ấy đã chứng tỏ sự can đảm của mình bằng những mức án tù dài mà không một lời van xin hay nhận tội . Chúng ta những người quý mến họ, không nên buồn khi họ ra đi. Trái lại chúng ta nên vui họ đã tự do, và vui hơn nữa là những lời phê phán và đòi hỏi về nhân quyền của những quốc gia có lương tri là hiệu quả.

Như thế cũng để rõ rằng, quốc tế không thừa hơi nói láo về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam.