"...chúng ta trước hết phải chiến thắng chính mình, sau một cuộc xung đột dữ dội với chính mình, để vượt lên một tầng văn hóa mới để vứt bỏ tập tính của kẻ nô lệ và tiến tới văn hóa của con người tự do..."

Ba mươi năm là thời gian của một thế hệ, và đối với Việt Nam, cũng dài bằng thời gian của cuộc nội chiến quốc-cộng 1945-1975. Một thế hệ đã sinh ra và lớn lên. Dân số Việt Nam đã tăng quá gấp đôi, từ 40 triệu lên 83 triệu. Những thanh niên sinh ra sau cuộc chiến chiếm quá 2/3 dân số. Điều này có nghĩa là cuộc chiến đã thuộc vào dĩ vãng và đã đến lúc ta có thể nghĩ đến nó như một biến cố lịch sử thay vì một đam mê.

Trước hết cần hiểu bối cảnh lịch sử của cuộc xung đột kết thúc ngày 30-4-1975.

Cuộc chiến này diễn ra vào giữa lúc Việt Nam đang sống một cuộc chuyển hóa lớn từ văn hóa Khổng giáo sang văn hóa phương Tây. Khổng giáo đã bị đánh bại và bị lố bịch hóa (Cái học nhà Nho đã hỏng rồi !, Tú Xương) nhưng vẫn còn là văn hóa nền tảng của dân tộc ta. Người ta không thể đoạn tuyệt nhanh chóng với một nền văn hóa đã được độc tôn trong hai ngàn năm. Ngược lại, văn hóa phương Tây tuy toàn thắng về mặt chính trị và cũng hơn hẳn về mặt trí thức nhưng mới chỉ được tiếp thu một cách rất phiến diện. Lý do là vì nó được chuyên chở bởi một ngôn ngữ - tiếng Pháp - rất ít người hiểu, đồng thời nó cũng là một bước nhảy vọt trí tuệ quá lớn đối với người Việt Nam. Nước ta lâm vào một cuộc khủng hoảng căn cước lớn, nhận ra văn hóa truyền thống của mình là dở trong khi không dứt bỏ được nó, ái mộ văn hóa của những kẻ rất xa lạ tới chiếm đóng nước mình. Chúng ta không biết mình là ai và muốn gì.

Cần nhìn giai đoạn Pháp thuộc một cách khách quan. Đối với nhà nước Việt Nam, nghĩa là triều Nguyễn, nó là một cuộc xâm lược nhưng đối với nhân dân Việt Nam và mỗi người Việt Nam, nó lại có tác dụng khai phóng lớn cả về vật chất lẫn tinh thần. Mức sống, trình độ hiểu biết, và các quyền con người căn bản được nâng cao một cách ngoạn mục. Dù mất chủ quyền, nước ta phát triển rất nhanh và rất mạnh về mọi mặt dưới thời Pháp thuộc. Sự kiện kẻ thống trị nước ngoài đem lại phúc lợi hơn hẳn so với các chính quyền Việt Nam đã giáng một đòn chí tử lên ý niệm chủ quyền truyền thống. Sản phẩm của cuộc chuyển hóa áp đặt này trước hết là một bối rối tâm lý và một khủng hoảng căn cước mà ta vừa nói, nhưng đồng thời một tinh thần quốc gia mới cũng được khai sinh.

Trái với ngộ nhận của khá đông người, ý niệm quốc gia và lòng yêu nước chỉ mới xuất hiện trên thế giới gần đây thôi cùng với ý niệm con người tự do và hệ luận của nó là thể chế dân chủ. Trước đó chỉ có những vùng đất thuộc quyền sở hữu của những dòng vua trong đó người dân chỉ là nô lệ. Kẻ nô lệ có thể do bị điều kiện hóa quá lâu tưởng lầm rằng mình yêu sợi dây xích nhưng đó không phải là một tình yêu. Ý niệm quốc gia như là di sản và tài sản của mọi người chỉ xuất hiện tại châu Âu từ thế kỷ 18. Chỉ có quốc gia được quan niệm như vậy mới cho phép nói tới lòng yêu nước. Tại Việt Nam, một cách ngược đời, ý thức về quốc gia đã thực sự ra đời dưới thời Pháp thuộc, vào lúc chúng ta không có chủ quyền. Nó là sản phẩm của một cộng đồng đã khá giả hơn, đã tự do hơn, đã cảm thấy mình có một số quyền và do đó một số trách nhiệm với đất nước, hơn nữa lại chia sẻ cùng một sự tủi nhục bị người Pháp thống trị. Ý thức quốc gia và lòng yêu nước sơ sinh này dầu vậy chỉ giới hạn trong một thiểu số. Sức mạnh của tinh thần quốc gia và lòng yêu nước là ở chỗ chúng là những giá trị đúng chứ không phải vì chúng đã có và đã mạnh từ lâu ; điều này cần đã ý thức rõ rệt nếu ta muốn hiểu cuộc chiến 1945-1975.

Một giai cấp trí thức Tây học mới xuất hiện và sẽ là nhân sự lãnh đạo của cái được gọi là "phe quốc gia" (Quốc Gia Việt Nam và Việt Nam Cộng Hòa) sau này. Đặc điểm đầu tiên của giai cấp trí thức này là họ có kiến thức vượt trội về mọi mặt so với lớp nho sĩ tiền bối của họ, nhưng hầu như hoàn toàn không có tư tưởng, nhất là tư tưởng chính trị. Họ là hậu thân của giai cấp sĩ mà đạo lập thân là học cặm cụi với hy vọng được làm những công cụ ngoan ngoãn cho kẻ cầm quyền. Một đặc điểm khác là trong đại bộ phận, cũng do hậu quả của di sản Khổng giáo, họ không có tinh thần dân tộc. Họ sống trong một buổi giao thời với đầy rẫy cơ hội, lại may mắn ở vào một vị trí thuận lợi để lợi dụng những cơ hội đó cho nên không mong ước gì hơn là chế độ thuộc địa cứ tiếp tục.

Chế độ Pháp thuộc không phải chỉ là một đảo lộn lớn và đột ngột mà còn có mâu thuẫn nội tại của chính nó : nó là một sự thống trị nhưng đồng thời cũng có tác dụng khai phóng vì tạo ra những con người sung túc hơn và tự do hơn. Những con người tự do chắc chắn sẽ đòi hỏi sự bình đẳng giữa các dân tộc, nghĩa là chống lại chế độ thuộc địa. Tâm lý háo hức học hỏi, bắt chước người phương Tây qua các phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, Đông Du, Tây Du dần dần đã nhường chỗ cho các đòi hỏi chính trị từ cuối thập niên 1920 cả trong Nam lẫn ngoài Bắc. Cao điểm là cuộc khởi nghĩa 1930 của Việt Nam Quốc Dân Đảng.

Người Pháp, nhất là cánh tả, đã ý thức được rằng chế độ thuộc địa không thể tiếp tục. Cuối thập niên 1920, toàn quyền Varenne đã bắt đầu những cuộc đối thoại trong chiều hướng mở rộng các quyền chính trị cho người Việt, sang thập niên 1930 chính quyền Front Populaire còn đề nghị một bước quyết định khác là trở lại hiệp ước Patenôtre 1884, trao trả lại miền Bắc cho triều đình Huế. Đề nghị này bị chính trí thức Việt Nam đồng loạt bác bỏ. Sự kiện này thật đáng chú ý, nó chứng tỏ khoảng trống chính trị bi đát của nước ta lúc đó. Người Việt, kể cả những người đòi độc lập, coi triều đình Huế, chính quyền Việt Nam duy nhất, còn tệ hơn chính quyền thuộc địa Pháp. Như vậy, nếu người Pháp muốn trả độc lập cho Việt Nam họ phải bàn giao quyền lực cho ai ? Việt Nam đã hoàn toàn sụp đổ cả về định chế lẫn tinh thần. Sự sụp đổ này đã thể hiện rõ rệt sau cuộc khởi nghĩa dũng cảm nhưng lãng mạn của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Những hy sinh của các chiến sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng, trong đó lẫm liệt nhất là 13 người lãnh đạo lên đoạn đầu đài ngày 17-6-1930, đã chỉ được tiếp nối bởi một phong trào tiểu thuyết ái tình, thơ lãng mạn, nhạc trữ tình, tranh ấn tượng, v.v. Tinh thần dân tộc hầu như không có, trí thức Việt Nam vẫn chỉ cặm cụi học để lấy bằng và làm quan.

Đối với quần chúng Việt Nam, giai đoạn Pháp thuộc đã có hai tác dụng. Một mặt đời sống của họ được cải thiện đem lại cho họ cùng một lúc một khả năng đề kháng lớn hơn và một ý thức rõ rệt hơn về thân phận đày đọa mà họ cũng như ông cha họ đã phải chịu đựng qua các thế hệ ; mặt khác là sự ghen tức với giai cấp trí thức tiểu tư sản, giai cấp được hưởng lợi nhiều nhất trong giai đoạn Pháp thuộc.

Tóm lại, vào lúc thế chiến II bùng nổ, nước ta đang ở trong giai đoạn nghiêm trọng của một cuộc chuyển hóa lớn. Như một cơ thể ở tuổi dậy thì, xã hội Việt Nam đã thay đổi quá nhiều và quá mạnh nên đã mất thăng bằng và tích lũy ở mức độ cao những mâu thuẫn và căng thẳng. Một giai cấp trí thức mới xuất hiện, được đặc biệt ưu đãi và hãnh diện làm công cụ cai trị cho người Pháp, tương tự như giai cấp sĩ trước họ hãnh diện làm công cụ thống trị cho các vua chúa. Họ không thấy có một bổn phận nào đối với quần chúng Việt Nam cả. Họ quá thỏa mãn để đặt cho mình những vấn đề. Họ không cần quan tâm tới đất nước, vả lại họ không biết suy nghĩ. Những người chống đối chế độ thuộc địa chỉ là một thiểu số và nhiều khi cũng chỉ chống đối vì không thành công trong lộ trình đi học và làm quan. Điển hình là trường hợp ông Hồ Chí Minh trở thành nhà cách mạng vì không được vào Trường Thuộc Địa (Ecole Coliniale). Trước mặt họ là một quần chúng thèm muốn và ghen tức, ngày càng ý thức được rằng mình đã bị chà đạp quá lâu. Nước Việt Nam truyền thống đã sụp đổ hoàn toàn trong khi một ý thức mới về quốc gia chỉ mới bắt đầu thai nghén. Sự thất bại của các đảng phái lấy tinh thần dân tộc làm nền tảng là điều hiển nhiên. Vả lại chính các đảng phái này cũng chẳng có tư tưởng chính trị nào cả.

Trong bối cảnh đó, một lực lượng chính trị rất lạ lùng đã xuất hiện, đảng cộng sản.

Đây là chính đảng đầu tiên được thành lập tại Việt Nam dưới thời Pháp thuộc nhưng mục tiêu của nó không phải là để phục vụ cho Việt Nam mà là để phục vụ cho quốc tế vô sản. Nó không kêu gọi đoàn kết dân tộc mà kêu gọi hận thù giai cấp. Tổ quốc của nó không phải là Việt Nam mà là một nước rất xa lạ và chưa hề có một liên hệ nào với Việt Nam : nước Nga. Các tên gọi đầu tiên của nó không bày tỏ một tình cảm nào đối với Việt Nam : Đông Dương Cộng Sản Đảng, Xô Viết Nghệ Tĩnh. Nó chống Pháp không phải để giành độc lập cho Việt Nam mà vì chống chủ nghĩa thực dân là một trong những chủ trương của Đệ Tam Quốc Tế. Trong một quốc gia lành mạnh một đảng như vậy không có hy vọng nào được hưởng ứng cả. Nhưng đảng cộng sản đã là đảng được ủng hộ mạnh nhất. Nó cũng là đảng duy nhất có hậu thuẫn quốc tế. Khi thế chiến II chấm dứt với khoảng trống chính quyền toàn diện, nó không mạnh nhưng là lực lượng có tổ chức duy nhất. Nó đã nắm được chính quyền và lần này dương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, giành độc lập. Đây chỉ là một thay đổi khẩu hiệu theo chủ trương "cách mạng vô sản trong một nước" của Stalin mà thôi, nhưng đã đem chính nghĩa lại cho đảng cộng sản. Các đảng phái quốc gia, hoặc mới tái lập hoặc mới thành lập, đã hoàn toàn bất lực và bị tiêu diệt. Cuộc chiến 1945-1975, trong cả hai giai đoạn mà đảng cộng sản gọi là chống Pháp và chống Mỹ, đã diễn ra với sự vắng mặt của các chính đảng không cộng sản. Các chính quyền quốc gia, trừ một vài nhân vật rất hiếm hoi xuất hiện một cách ngắn ngủi sau khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ, chỉ là sự nối tiếp của bộ máy thuộc địa Pháp cả về cơ chế lẫn nhân sự, điều khiển bởi những người thuộc lớp trí thức đào tạo trong thời Pháp thuộc, những người đã rất thỏa mãn dưới chế độ thuộc địa, không có kiến thức chính trị, không có tinh thần dân tộc và cũng không có đội ngũ.

Nếu nhìn cuộc chiến 1945-1975 như một cuộc nội chiến với sự tiếp tay của các thế lực quốc tế thì có thể nói đó là cuộc đụng độ giữa một bên là một tổ chức theo đuổi một cách cuồng tín một chủ nghĩa tồi tệ và một bên là một khối người không thành tổ chức, không có bản lĩnh chính trị, cũng không có luôn tinh thần dân tộc. Như vậy thì sự thất bại của các chính quyền quốc gia là điều không tránh khỏi, dù phương tiện dồi dào hơn hẳn và được sự tham chiến trực tiếp của đông đảo quân nước ngoài.

Khi một cuộc chiến đã kéo dài 30 năm, mọi phương tiện đã được sử dụng, đã từng là quan tâm hàng đầu của dư luận thế giới và đã được tranh cãi một cách sôi nổi trên qui mô toàn cầu thì kết thúc của nó không thể là một sự ngẫu nhiên mà là một kết thúc hợp lý, dù có thể là không tốt dưới mắt một số người.

Với cuộc chiến đi dần vào dĩ vãng một số nhận định có thể được đưa ra một cách khách quan. Trước hết là vấn đề chính đáng.

Dù các chính quyền quốc gia không phải là một kết hợp chính trị để có một lập trường chung, điểm nổi bật mà mọi người có thể nhìn thấy là thái độ thân phương Tây. Đây là một thái độ đúng, chúng ta có nhiều điều để học hỏi ở các nước phương Tây, cụ thể là Pháp và Mỹ. Chúng ta cũng cần sự dìu dắt và giúp đỡ của họ. Nhưng chọn lựa đúng này đòi hỏi một giải thích khó khăn. Nó cần được suy nghĩ và lý luận để được quần chúng chấp nhận. Vấn đề là những người kế tiếp nhau cầm đầu phe quốc gia không lý luận, họ chỉ theo Pháp để tranh giành ân sủng của kẻ thống trị nước ngoài, và sau đó theo Mỹ trong cùng một tinh thần. Các chính quyền quốc gia vì vậy không có sự chính đáng. Một điểm cần lưu ý là không một người lãnh đạo phe quốc gia nào hiểu rằng cuộc đấu tranh chống cộng chỉ có ý nghĩa nếu mục tiêu của nó là để xây dựng dân chủ.

Các chính quyền quốc gia, trong sự xô bồ của chúng cũng đã dần dần tạo điều kiện cho sự xuất hiện của một lớp người mới có ý thức dân tộc và trưởng thành trong một không khí tương đối dân chủ nhưng lớp người này chưa nắm được thế chủ động và cũng còn ở rất xa mức độ chuẩn bị cần thiết vào ngày 30-4-1975.

Sự chính đáng của đảng cộng sản là ở chỗ họ tranh đấu chống sự thống trị của nước ngoài. Nhưng chúng ta cũng cần xét lại chính điểm này. Giai đoạn Pháp thuộc không phải là tai hại đối với Việt Nam. Nó đã là giai đoạn mà nước ta phát triển nhanh nhất và trí tuệ Việt Nam được khai thông nhiều nhất. Người Pháp cũng đã qui định được biên giới trên đất liền và trên biển một cách thuận lợi cho Việt Nam, điều mà sau này chính quyền cộng sản không bảo vệ được. Cũng phải nhìn nhận rằng ngay dưới thời Pháp thuộc chỗ đứng và tầm quan trọng của người Việt Nam không ngừng được tăng cường. Nếu sự gia tăng về dân trí và dân số cứ tiếp tục thì độc lập chỉ là vấn đề thời gian. Như đã trình bày ở phần trên, chính người Pháp cũng đã nhìn thấy điều này và ngay từ các thập niên 1920 và 1930 họ đã bắt đầu tìm cách triệt thoái. Giành độc lập là điều bắt buộc nhưng chiến tranh có phải là giải pháp hay nhất không ? Chính nghĩa của cuộc chiến tranh chống Pháp 1945-1954 không hiển nhiên như đảng cộng sản muốn chúng ta hiểu, nhất là lúc đó Pháp đã thừa nhận sự độc lập của Việt Nam trên nguyên tắc.

Cuộc chiến tranh gọi là chống Mỹ hoàn toàn vô nghĩa. Chống Mỹ là lý cớ chứ không phải là lý do. Lúc đó miền Nam đã là một nước cộng hòa, không lệ thuộc Mỹ hơn là miền Bắc lệ thuộc Liên Xô và Trung Quốc. Đảng cộng sản quyết tâm thiết lập chế độ cộng sản trên toàn lãnh thổ vì thế họ phải đánh miền Nam, dù có Mỹ hay không có Mỹ. Khi cuộc chiến bắt đầu, số cố vấn Mỹ chỉ có vài ngàn, còn ít hơn cả số cố vấn Trung Quốc và Liên Xô ở miền Bắc. Khi quân Mỹ đã rút ra hết sau hiệp định Paris, họ vẫn tiến đánh miền Nam. Và tại sao phải chống Mỹ ? Mỹ hoàn toàn không có chính sách thực dân, họ giúp Việt Nam về tài chính, khoa học, kỹ thuật, phương pháp và tổ chức, tất cả đều là những điều chúng ta cần. Vả lại, sau khi đã hy sinh hàng triệu sinh mệnh để đuổi Mỹ đi ngày nay chính quyền cộng sản đang làm tất cả để đem Mỹ trở lại. Cả hai cuộc chiến đều chỉ do tham vọng nắm độc quyền cai trị của đảng cộng sản cùng với vai trò mũi nhọn tiến công của phong trào cộng sản thế giới mà một cách mù quáng đảng cộng sản đã tự nguyện đảm nhiệm.

Nếu, như phải lý luận một cách lành mạnh, sự chính đáng của một chính quyền là phát triển đất nước và đem lại sự sung túc, bảo đảm tự do và dân chủ, bảo đảm công lý và trật tự an ninh, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ người dân thì chính quyền cộng sản không có một sự chính đáng nào cả. Vả lại họ không do người dân chọn lựa.

Sự chính đáng của đảng cộng sản là ở chỗ nó đã chiến thắng. Nhưng chiến thắng không chứng tỏ là có chính nghĩa. Lịch sử nhân loại không thiếu những trường hợp những kẻ hung bạo và dã man đã khuất phục được những xã hội văn minh hơn chúng. Chiến thắng của đảng cộng sản chủ yếu dựa vào hai vũ khí : khủng bố và tuyên truyền dối trá. Họ sẵn sàng làm tất cả những gì mà đối thủ của họ không dám tự cho phép. Họ làm cho người dân miền Bắc tin rằng dân chúng miền Nam đói khổ cùng cực và bị đánh đập hàng ngày. Nếu hiểu giải phóng là đem lại tự do và no ấm thì giữa hai miền Nam và Bắc không phải miền Nam cần được giải phóng.

Dưới cả hai chế độ, đại khối dân tộc đã chỉ là nạn nhân. Những người có trí tuệ và tâm huyết rất đông đảo trong cả hai hàng ngũ nhưng họ không có tổ chức và hậu thuẫn nên đã không nắm được vai trò quyết định. Họ phải ý thức được điều này để đừng bị gắn bó với một quá khứ nào cả, dù là kinh nghiệm dân chủ bệnh hoạn giả dối của phe quốc gia, hay kinh nghiệm bạo ngược đẫm máu của phe cộng sản.

Đất nước đã được những gì và mất những gì trong 30 năm qua?

Đã có tiến bộ về mặt kinh tế trong gần 20 năm qua nhờ mở cửa một phần về kinh tế thị trường sau hơn mười năm đập phá. Đời sống của nhân dân đã được cải thiện. Mức tăng trưởng được duy trì một cách đều đặn ở mức độ trên 7% mỗi năm. Tuy vậy tỷ lệ tăng trưởng này phải được coi là thấp đối với một nước đã quá chậm trễ so với thế giới, với một địa thế thuận lợi và một nguồn nhân lực phong phú. So với Trung Quốc, Việt Nam đã bắt đầu tăng trưởng sau Trung Quốc gần mười năm nhưng tỷ lệ tăng trưởng luôn luôn thấp hơn, khoảng cách so với Trung Quốc ngày càng mở rộng ra chứ không thu hẹp lại. So với các tỉnh bờ biển của Trung Quốc, mà mức độ tăng trưởng là trên 15% mỗi năm, thì sự thua kém lại càng bi đát.

Dầu sao, nhờ đời sống được cải thiện và nhờ lượng thông tin ngày càng gia tăng, và nhất là nhờ sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản và phong trào cộng sản thế giới, một xã hội dân sự đã hình thành và không ngừng tự cởi trói, buộc chính quyền cộng sản phải liên tục nhượng bộ. Một đồng thuận mới cũng đã thành hình. Đó là đồng thuận xây dựng dân chủ đa nguyên, trong tinh thần hòa giải dân tộc, bằng những phương thức bất bạo động. Khi đã có đồng thuận này thì sớm hay muộn đất nước cũng sẽ chuyển hóa về dân chủ.

Một điểm tích cực lớn khác là sự hình thành của cộng đồng người Việt hải ngoại hơn ba triệu người hiện diện trên khắp thế giới, nhất là tại các nước tiên tiến. Cộng đồng này hiện nay đã là nguồn đóng góp lớn nhất cho đất nước với trên 3 tỷ USD mỗi năm, tương đương với thu nhập của mười triệu người trong nước. Nhưng tiềm năng đóng góp của nó còn to lớn hơn nhiều. Nó có thể là những đầu cầu khoa học, kỹ thuật, thương mại. Nó cũng có thể đóng vai trò con mắt của Việt Nam để quan sát và học hỏi thế giới. Tuy vậy cộng đồng người Việt hải ngoại cũng đặt ra một vấn nạn lớn cho đất nước. Nếu quan hệ giữa trong và ngoài nước không được bình thường hóa mau chóng thì thế hệ mới sẽ mất đi quan hệ với đất nước và bị đồng hóa vào nước định cư. Một dấu hiệu báo động là phần lớn các thanh niên trưởng thành tại nước ngoài không còn thông thạo tiếng Việt nữa, chưa nói đến sự hiểu biết về văn hóa và lịch sử Việt Nam. Phải bình thường hóa quan hệ trong thời gian mà thế hệ cha anh, thế hệ đã trưởng thành trước khi rời Việt Nam, còn có khả năng đóng vai trò gạch nối giữa con em mình và đất nước Việt Nam. Nhưng bình thường hóa quan hệ giữa trong và ngoài nước chỉ có thể thực hiện được nếu đất nước có dân chủ. Một thanh niên 30 tuổi, lớn lên tại các nước phương Tây không thể nào chấp nhận được chế độ độc đảng. Khẩu hiệu "xây dựng dân chủ với một đảng duy nhất" đối với họ chỉ là một sự khiêu khích.

Bên cạnh những điểm tích cực, nhiều nguy cơ lớn cũng đã xuất hiện. Nguy cơ lớn nhất là tệ tham nhũng đang tàn phá và làm tê liệt đất nước. Tham nhũng làm hỏng cơ chế thị trường, loại bỏ những giải pháp và những con người đứng đắn, đưa kẻ bất tài và lưu manh vào địa vị quyết định, đặt quan hệ giữa người và người trên sự gian trá. Không đẩy lùi được tham nhũng thì ngay cả đà tăng trưởng khiêm tốn hiện nay cũng sẽ không duy trì được. Chúng ta cần ý thức rằng chưa có một nước nào trở thành giàu mạnh với một mức độ tham nhũng cao. Từ nhiều năm nay nhà nước cộng sản không ngừng kêu gào chống tham nhũng, dùng những từ ngữ thống thiết như "nội xâm", "quốc nạn", nhưng tham nhũng vẫn tiếp tục tăng lên, và tăng nhanh, chứ không giảm đi. Vấn đề vẫn chưa có giải đáp.

Một nguy cơ khác, chủ yếu do hậu quả của tham nhũng và độc tài, là sự băng hoại của các giá trị đạo đúc và sự lãnh đạm hoàn toàn với tương lai đất nước. Tuổi trẻ mất định hướng và niềm tin, sa ngã vào nghiện ngập và sự đồi trụy. Thất vọng kéo dài quá lâu với nhà nước đã biến thành thất vọng đối với chính đất nước. Cảm giác bất lực đã khiến mỗi người chỉ còn tìm cách giải quyết những vấn đề cá nhân bằng những giải pháp cá nhân, bất chấp sự lương thiêïn nếu cần. Nhưng đây chỉ là một trò chơi điên dại trong đó mỗi người chống tất cả và tất cả chống mỗi người với kết quả tất nhiên là mọi người đều thua.

Tăng trưởng kinh tế thực ra cũng chỉ làm giàu cho một số nhỏ. Cuộc sống của đại bộ phận dân chúng, nhất là tại nông thôn, vẫn còn cơ cực. Chênh lệch giàu nghèo thách đố hơn bao giờ hết và đang tăng lên thay vì giảm đi. Đất nước Việt Nam trở thành của riêng của một thiểu số. Gần đây khối lượng tiền bẩn quá lớn đã tạo ra một tệ nạn mới, nạn đầu cơ nhà đất. Đối với đại đa số thanh niên, một ngôi nhà đã trở thành một ước mơ ngoài tầm tay. Họ trở thành những kẻ bơ vơ ngay trên đất nước mình. Họ càng không có lý do để quan tâm tới đất nước.

Một đe dọa lớn khác là môi trường. Ý thức bảo vệ môi trường đã đến quá trễ và những cố gắng quá giới hạn. Sự hủy hoại môi trường đã khiến lụt lội và hạn hán kế tiếp nhau mỗi năm, ngay cả khí hậu cũng thay đổi. Năm nay chúng ta bị hạn hán nặng. Ô nhiễm đã khiến người ta phải bịt mặt trong các thành phố lớn. Nếu tình trạng này tiếp tục thì chẳng bao lâu người Việt Nam sẽ thành xa lạ với nhau vì không còn nhìn được mặt nhau. Chúng ta cũng đang bị cướp nước. Trung Quốc đã ngang ngược xây dựng các đập lớn trên thượng nguồn sông Mê Kông và sông Hồng làm cạn dần hai con sông này. Nước mặn đã tràn vào đồng bằng miền Nam. Chính quyền cộng sản Việt Nam không dám có phản ứng, như đã không dám phản ứng khi hải quân Trung Quốc tàn sát ngư dân mình trên biển cả.

Vấn đề nhức nhối nhất là chúng ta vẫn chưa có giải pháp cho bài toán dân chủ hóa, điều kiện cần dù không đủ, để giải quyết mọi vấn đề của đất nước. Chúng ta vẫn còn là một trong bốn nước cộng sản cuối cùng của thế giới, đề cao một chủ nghĩa đã hiện nguyên hình như là một sai lầm đẫm máu và đã bị ném vào sọt rác của lịch sử. Người Việt Nam nào không hổ thẹn ? Phải giải quyết nhanh chóng bài toán dân chủ hóa bởi vì chúng ta không có nhiều thì giờ. Trong vòng một thế hệ nữa, một ưu thế quyết định của chúng ta ngày nay sẽ trở thành một gánh nặng : tỷ lệ trẻ/già sẽ đảo ngược.

Ba mươi năm sau ngày 30-4-1975, Việt Nam đã là một nước độc lập và hòa bình, đã có quan hệ bình thường với mọi quốc gia trên thế giới nhưng vẫn là một nước nghèo và lạc hậu, đang chuyển hóa một cách khó khăn với một tương lai đầy dấu hỏi.

Giải pháp nào?

Ba vấn đề chính của chúng ta hôm nay là xây dựng dân chủ, đẩy lùi tham nhũng và xây dựng một ý thức quốc gia mới.

Cả ba đòi hỏi một chính quyền mới.

Xây dựng dân chủ đòi hỏi những người có văn hóa dân chủ thực sự. Những con người được đào tạo ra bởi một hệ thống chuyên chính ngay cả nếu chấp nhận dân chủ cũng không thể có phản xạ dân chủ bởi vì trấn áp, tuyên truyền một chiều, bầu cử bịp bợm nằm trong giáo dục của họ. Cùng lắm họ chỉ tạo ra được một thứ dân chủ hình thức và bệnh hoạn. Dân chủ là một cơ chế phức tạp không những đòi hỏi sự hiểu biết mà còn đòi hỏi kinh nghiệm và phản xạ. Quyền lực bao giờ cũng cám dỗ. Muốn xây dựng và bảo vệ dân chủ cần có những người không thể ứng xử khác hơn là dân chủ, bởi vì đó là bản chất của họ.

Tham nhũng không giản dị là một vấn đề đạo đức, chống tham nhũng không phải chỉ đòi hỏi ý chí và sự lương thiện. Tham nhũng là những liên minh quyền lợi và quyền lực có tổ chức, có phương tiện, có kiến thức, có quyết tâm, và cả dã tâm. Đó cũng là quan hệ đan xen, có vay trả, có ân oán và có luật chơi riêng. Những người cầm quyền hiện nay đã chứng tỏ họ không thể chống tham nhũng. Nếu họ thực sự chống tham nhũng thì họ đã không được đặt để vào các chức vụ mà họ đang giữ. Họ đã trở thành những cấp lãnh đạo bởi vì đã thỏa hiệp với tham nhũng. Muốn chống tham nhũng thì trước hết phải không nợ nần gì ai cả, sau đó phải có lực lượng nếu không muốn bị tiêu diệt. Như vậy chống tham nhũng đòi hỏi một đội ngũ đông đảo những người gắn bó với nhau và coi cuộc chiến chống tham nhũng như cuộc chiến đấu của đời mình.

Đất nước sẽ không thể vươn lên được nếu người dân không quan tâm tới đất nước và gắn bó đời mình với tương lai đất nước. Muốn như thế phải xây dựng một ý thức quốc gia mới, quan niệm đất nước như một tình cảm, một không gian liên đới và một đồng thuận xây dựng và chia sẻ một tương lai chung, chứ không phải là một chủng tộc, càng không phải là vùng lộng hành tự do của tập đoàn cầm quyền. Đây là cả một bước nhảy vọt về triết lý chính trị. Nhưng còn có bao nhiêu người quan tâm tới đất nước và gắn bó đời mình với đất nước ? Chắc là không nhiều, nhưng chắc là không thiếu những người sẵn sàng liên kết với các thế lực bất chính. Xây dựng thành công một ý thức quốc gia mới như vậy vừa là một cuộc chiến đấu văn hóa đòi hỏi nhiều trí tuệ vừa là một cuộc chiến đấu chính trị đòi hỏi một đội ngũ gắn bó và kiên trì.

Cả ba cuộc chiến đấu xây dựng dân chủ, chống tham nhũng và xây dựng một ý thức dân tộc mới đều đòi hỏi một đội ngũ những người dân chủ lương thiện, có bản lĩnh và quyết tâm. Trước hết là nếu không có đội ngũ chúng ta sẽ không áp đặt được dân chủ. Tập đoàn cầm quyền hiện nay không mạnh, cũng không gắn bó và cũng không quyết tâm. Nó ngoan cố chỉ vì chúng ta bất lực, và chúng ta bất lực vì chúng ta thiếu tổ chức.

Nhưng tại sao chúng ta vẫn chưa có một tổ chức dân chủ có tầm vóc ? Đó là câu hỏi gay gắt nhất phải được đặt ra trong dịp kỷ niệm 30 năm ngày 30-4-1975.

Lý do là vì chúng ta thiếu văn hóa tổ chức. Chính vì thế mà chúng ta luôn luôn có hàng ngàn lý do chính đáng để không tham gia, hay tiếp tục tham gia, một tổ chức và quên đi lý do cơ bản là nếu không có tổ chức chúng ta không làm được gì cả. Chính quyền cộng sản không sợ những phản kháng cá nhân. Họ chỉ sợ những đấu tranh có tổ chức.

Nếu sau ba mươi năm chúng ta ý thức sự cần thiết của một tổ chức dân chủ là chúng ta đã làm một bước đột phá lớn và có quyền hy vọng.

Xin kết thúc bài này bằng một nhận định lịch sử. Không phải là chúng ta đã không có tiến bộ. Trái lại chúng ta đã tiến nhanh, có lẽ quá nhanh và vì thế đã mệt mỏi.

Vùng đất chung quanh biển Đông trong đó có nước ta vào thời tiền sử do điều kiện địa lý đã không thuận lợi cho sự phát triển của một nền văn minh. Chỉ một vài thế kỷ trước công nguyên chúng ta mới tiếp xúc với hai nền văn minh lớn từ Trung Hoa và Ấn Độ. Khi người Trung Hoa đến, chúng ta còn là một vùng đất bán khai ; mặc dầu có một số trống đồng mà chúng ta hãnh diện. Chúng ta chưa có chữ viết, chưa biết đến bánh xe, chưa có các thị trấn, cũng chưa biết cày bừa. Chúng ta vẫn chủ yếu ở thời đại đồ đá. Ngay cả những trống đồng cũng tố giác sự lạc hậu của chúng ta vì lúc đó thế giới đã vào thời đại đồ sắt từ lâu rồi. Chúng ta chậm trễ khoảng 4.000 năm so với thế giới văn minh lúc đó.

Đầu thế kỷ 16 khi người phương Tây đến, chúng ta ở một tình trạng tổ chức xã hội tương tự như châu Âu hồi đầu công nguyên dưới thời đế quốc La Mã. Trong khoảng 20 thế kỷ chúng ta đã rút ngắn khoảng cách với thế giới văn minh được hơn 20 thế kỷ.

Ngày nay, về mặt văn hóa tư tưởng và tổ chức xã hội chúng ta còn chậm hơn thế giới khoảng 50 năm (mức sống và sự giàu có là một vấn đề khác). Như thế có nghĩa là trong gần năm thế kỷ chúng ta lại rút ngắn được khoảng cách thêm hơn 15 thế kỷ nữa. Đó là một thành tích không nhỏ, chứng tỏ khả năng thích nghi và học hỏi của dân tộc ta. Nhưng có lẽ vì phải đi quá nhanh, quá vội mà chúng ta đã biết nhiều hơn là hiểu, đã học và làm mà không có thì giờ để suy nghĩ và sáng tạo.

Trong cả hai bước nhảy vọt lớn, khi tiếp xúc với người Trung Hoa và khi tiếp xúc với người phương Tây, chúng ta đều chịu số phận nô lệ. Số phận này đã tạo ra một khuôn mẫu, các chính quyền độc lập cũng chỉ là những chế độ nô lệ bản xứ không hơn không kém.

Truyền thống nô lệ tuy, một mặt, do những bắt buộc của nó, đem lại cho chúng ta một số đức tính - chịu đựng, nhẫn nại, siêng năng, học nhanh, thích nghi nhanh với những thay đổi đột ngột - nhưng đồng thời cũng tạo ra trong chúng ta những khuyết tật lớn cần phải mau chóng khắc phục. Không có tự do, chúng ta thiếu sáng tạo. Sự thiếu thốn và nghèo khổ khiến chúng ta trở thành ghen tức và nhỏ mọn. Quen chịu đựng sự ác độc của kẻ thống trị, chúng ta trở thành ác độc với nhau. Quen nhìn đồng loại bị khinh bỉ và chà đạp, chúng ta nhiễm tập quán coi thường lẫn nhau và chỉ biết nể sợ người nước ngoài. Không được quyền quyết định, chúng ta thiếu tinh thần trách nhiệm. Quen nhận những mệnh lệnh mâu thuẫn và tùy tiện của kẻ thống trị, chúng ta không quen phê phán và cũng không cảm thấy như cầu phải giải quyết những mâu thuẫn của chính mình, v.v. Nhưng khuyết tật lớn nhất là thiếu văn hóa tổ chức. Những kẻ nô lệ không được quyền kết hợp với nhau vì kết hợp với nhau họ sẽ có sức mạnh để bẻ gẫy ách nô lệ, điều mà kẻ thống trị không bao giờ dung túng, từ đó họ không biết kết hợp và dần dần không cảm thấy nhu cầu kết hợp, thay vào đó mỗi người tìm cách giải quyết những vấn đề cá nhân bằng những giải pháp cá nhân.

Cuộc chiến đấu của chúng ta hôm nay là làm thế nào để trong vòng 10 năm san bằng được khoảng cách 50 năm còn lại. Đây là cuộc chiến đấu khó khăn nhất. Cố gắng cuối cùng bao giờ cũng là cố gắng đau nhức nhất, bởi vì lần này chúng ta trước hết phải chiến thắng chính mình, sau một cuộc xung đột dữ dội với chính mình, để vượt lên một tầng văn hóa mới để vứt bỏ tập tính của kẻ nô lệ và tiến tới văn hóa của con người tự do trong đó óc phê phán, óc sáng tạo và văn hóa tổ chức là những thành tố cơ bản. Đó là điều kiện sống còn của chúng ta, cũng như của mọi dân tộc, trong kỷ nguyên trí tuệ này.
Nguyễn Gia Kiểng