Tôi không là bạn, tôi chỉ là đồng nghiệp với thầy Đinh Đăng Định! Nếu không có dự án bauxite Tây Nguyên và phiên tòa sơ thẩm ngày 09.08.2012 thì tôi không biết thầy là ai …. Mỗi người chúng tôi ai lo phận nấy… đó là chuyên môn giảng dạy mà mình được đào tạo để truyền thụ kiến thức cho học trò của mình!

V...ậy mà, khi thầy Định mất, tôi đã khóc! Khóc cho thân phận người thầy trong xã hội hôm nay! Những ngày tổ chức đám tang thầy, tôi bận dạy học, không lên viếng được, trong lòng cảm thấy áy náy vô cùng! Trong lòng thầm hứa sẽ đến nhà để thắp cho thầy nén nhang bằng lòng ngưỡng mộ và tình cảm của tôi với người đồng nghiệp đã khuất. Hơn thế nữa, tự đáy lòng tôi đã coi thầy Định như là người bạn thân thiết nhất! Chia sẻ điều đó với ba tôi và vợ tôi ai nấy đều ủng hộ, điều đó càng thôi thúc tôi thực hiện tâm nguyện của mình!

Sáng ngày 02/5 tôi cùng ba tôi lên xe buýt đi Đắk Nông. Quãng đường từ Buôn Ma Thuột đi Đắk Nông đang sửa chữa, nâng cấp nên xe chạy rất vất vả, có vài lần tôi chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn nhưng gượng lại được. Xe đến thị xã Gia Nghĩa lúc 10h45, tôi nhận điện thoại của cô học trò hỏi:

- Em nghe nói thầy đi thăm thầy Định đã đến chưa?

- Thầy đang ở bến xe buýt, tôi trả lời.

- Nếu thầy lên đến Kiến Đức thì gọi cho em để em đón! Mời thầy về nhà dùng cơm với gia đình rồi em sẽ chở thầy đi…. Học trò khẩn khoản!

Đến Kiến Đức lúc 12 giờ kém, cô học trò nhỏ nhắn đón tôi về nhà được gia đình đón tiếp nồng hậu tôi cảm kích vô cùng! Sau khi cơm nước xong, em học trò chở tôi đến thắp nhang cho thầy Định, thăm hỏi động viên tinh thần vợ con thầy đồng thời gửi chút quà của một thầy giáo cho gia đình thầy.

Hôm nay, thế là tròn một tháng kể từ khi thầy giáo yêu nước đáng kính, người đã bày tỏ sự phản đối dự án bauxite Tây Nguyên bằng việc vận động hơn 3000 chữ ký của bà con sống trong vùng ký tên vào thỉnh nguyện thư đề nghị Chính phủ hủy bỏ dự án do trang Bauxit.net đề xướng. Nếu giả sử Chính phủ đánh giá một cách nghiêm túc mà cho dừng dự án bauxite thì bây giờ đâu phải loay hoay đối phó với những hậu quả do nó gây ra?

Tuy nhiên, người ta đã bất chấp lời cảnh báo về hậu quả xấu của dự án, quyết tâm thực hiện dự án đến cùng!

Từ khi dự án bauxtite Tây Nguyên đi vào khai thác, theo đánh giá của các nhà khoa học mà các báo chí chính thống đã loan tin thì hiện nay thì hậu quả nhãn tiền của dự án bauxite đã được phơi bày:

- Về môi trường, dự án làm phá hủy môi trường sinh thái rất cao. Đặc biệt là nguy cơ tràn bùn đỏ.

- Về an ninh quốc phòng, công nhân người Trung Quốc được cho là “chuyên gia” của dự án gây bao vụ việc mất an ninh, trật tự tại các khu vực họ đồn trú. Xa hơn nữa là vị trí chiến lược Tây nguyên có nguy cơ bị mất an toàn về yếu tố bản đồ chiến lược.

- Về kinh tế, đây là hậu quả rõ ràng nhất mà ai cũng thấy đó là hàng năm, dự án bauxite Tây Nguyên lỗ hàng nghìn tỷ đồng mặc dù Bộ Công thương đã đề xuất Chính phủ giảm thuế đến mức thấp nhất VAT = % , ngoài ra “Vinacomin đã kiến nghị Thủ tướng xem xét, giảm phí môi trường khai thác bauxite xuống mức trần 4.000 đồng/tấn như Bộ Công Thương đề xuất, trong thời hạn 5-7 năm kể từ ngày dự án đi vào sản xuất”. Mặt khác, người ta đã dùng “biện pháp kỹ thuật” là giảm vốn đầu tư cho các hồ chứa bùn đỏ!

Kể từ khi thầy Đinh Đăng Định bày tỏ quan điểm, theo lời của vợ thầy, bà Đặng Thị Dinh cho biết: “Hiệu trưởng nhà trường đã gây khó khăn với chồng tôi. Khoảng tháng 7/2010, đang lúc nghỉ hè nhưng thầy hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn tỉnh Đak Nông đã gửi giấy triệu tập buộc chồng tôi phải vào có mặt tại trường nhưng chồng tôi phản đối. Vào đầu năm học, hiệu trưởng lấy lý do đó để không phân công chuyên môn giảng dạy, chỉ phân công làm GV phụ trách lao động”.

“Và sau đó là một chuỗi ngày chồng tôi bị CA Đăk Nông mời làm việc… không có chứng cứ họ bèn mớm lời “Thầy suy nghĩ thế nào thì cứ về viết ra giấy”, tôi đã can ngăn nhưng chồng tôi quá ư thật thà, trong sáng tin lời cơ quan điều tra nên đã viết ra, sau đó người ta đã dùng bản viết tay của chồng tôi để làm bằng chứng kết tội”

Thầy Đinh Đăng Định bị bắt bị kết án tù 6 năm đó chính là sự phối hợp cả một hệ thống: Những ý kiến của thầy về khoa học môi trường và xã hội học lại được bộ phận giám định văn hóa kết luận là sai trái, dẫn đến việc thầy bị bắt vào tháng 10 năm 2011 và bị đưa ra xét xử sơ thẩm ngày 09.08.2012 với bản án 6 năm tù theo Điều 88 Bộ luật hình sự “tuyên truyền chống nhà nước”. Tiếp đó, ngày 21.11.2012 tòa án tỉnh Đăk Nông xử y án và giam thầy vào nhà tù An Phước, tỉnh Bình Dương.

Có đến tận ngôi nhà mà sinh thời thầy tạo dựng, hiện vợ con thầy đang sống mới thấy được sự thanh cao của một nhà giáo: Căn nhà ván lợp tole thấp tè, nóng bức. Vật dụng trong nhà hết sức đơn sơ, tường bên trái bàn thờ thầy treo bảng phân hạng tuần hoàn của Mendeleev đã cũ kỹ.

Giả sử thầy Định như nhiều giáo viên khác, biết ngoan ngoãn, phục tùng cấp trên, ngoài công tác ở trường, thầy mở lớp dạy thêm ở nhà, ôn thi, luyện thi … như bao người khác thì tôi tin chắc rằng thầy không chỉ khá giả mà còn giàu có nữa là đằng khác!

Qua đó ta có thể thấy rằng, GV hiện nay nếu nói theo lời của người khác, làm theo lời của người khác như một con robot, tìm mọi cách móc túi học trò để trở nên giàu có thì được xã hội tôn trọng(!) Ngược lại, những thầy cô giáo có lương tâm nghề nghiệp, biết phân biệt đúng sai, nói lên tiếng nói trung thực thẳng thắn chỉ sống bằng đồng lương khiêm tốn của mình, không bon chen theo thời cuộc thì kết quả là bản thân và gia đình bị thua thiệt đủ điều. Thậm chí, chua xót hơn là bị bắt bớ, tù đày, bị cộng đồng xa lánh!

Thử hỏi nghịch lý đó do đâu? Câu hỏi đó xin dành cho những người trăn trở với xã hội hôm nay, biết yêu thương giống nòi VN và hơn hết xin dành cho lương tâm thời đại!