Facebook

Chiều hôm qua ở Dương Nội về muộn. Gặp mẹ ở sảnh tầng 1. Thấy mình khoác lỉnh kỉnh máy ảnh, mũ áo và túi gạo, mẹ hỏi đi đâu về. Lúc ấy chỉ kịp trả lời qua quýt, để còn lên nhà nấu cơm cho bố. Sáng nay đem rau xuống cho mẹ, mẹ lại hỏi hôm qua đi đâu. Mình bắt đầu kể, lấy ví dụ nhà mình ra để cho mẹ dễ bề so sánh. (Chả là đất chung cư nhà mình cũng suýt bị cưỡng chế. Cũng do bà con quyết sống mái mà giữ được). Kể đến đoạn bà Xuân có ngày phải ăn trầu không, chuối xanh thay cơm, nhìn thấy gạo, bà ấy lao vào ôm đống gạo, cười như điên, mẹ im lặng rồi buông một câu: Rớt nước mắt!

Câu mẹ nói tự nhiên làm mình chảy nước mắt luôn, lại nhớ ngay đến những biểu tượng khuôn mặt buồn của cư dân mạng, khi trông thấy bà Xuân ôm bao gạo. Rồi mẹ lại hỏi:

- Thế đi như thế là do ai chỉ đạo?

- Mợ cứ hình dung ra thế này, ở tầng này có nhà gặp nạn. Chỉ cần một người hô hoán là cả tầng trên tầng dưới chả đổ ra ngay ấy à. Lúc đó mỗi người giúp một tay, còn chờ ai chỉ đạo? Mà có ai chỉ đạo được ai?

Mẹ gật gù đồng tình. Mình ngạc nhiên là sự thay đổi của mẹ. Ngày nào mẹ còn quỳ xuống, van xin mình đừng đi biểu tình. Bây giờ thì cán bộ phường chả ai dám gặp mẹ khuyên can mình nữa. Hôm nọ mình đi chụp ảnh biểu tình, mẹ bảo thôi đừng đi nữa. Mình bảo mợ hay nhỉ? Mợ cũng ghét thằng Tàu, nhưng mợ bảo người khác đi, còn mình ở nhà à? Mẹ cười bẽn lẽn, rồi để mình đi mà không nói thêm câu gì. Khi mình về, còn hào hứng nghe mình kể mọi chuyện.

Nhiều người biết đúng sai, nên hay không nên, nhưng đa phần e ngại, hoặc muốn yên thân. Nhưng nếu chỉ ra cái nên và không nên, thì ban đầu có thể chỉ là sự yên lặng, nhưng sau sẽ có được sự đồng tình. Điều này mình suy từ mẹ mình ra. Các bạn trẻ nếu đã tự lập được, thì cũng đừng e ngại áp lực từ gia đình. Khi cha mẹ các bạn thấy mình tự tin và đủ bản lĩnh, không đời nào họ nghe người khác mà bỏ các bạn đâu.