Facebook

Dẫn: Nhân đọc bài “Việt Tân chiếc bóng dài 30 năm” của anh Phạm Thành, một cựu đảng viên Việt Tân, cái đầu đề Việt Tân anh là ai? cũng là mượn của anh ấy.

Tôi chưa được hân hạnh gặp anh Phạm Thành, nhưng cũng trao đổi với nhau vài lần trên internet, chủ yếu là facebook, cảm giác của tôi về anh là một người hừng hực tinh thần tranh đấu, trải đời và có nhiều nhận xét sắc sảo.Chỉ vậy thôi nên tôi không dám có ý kiến gì về anh (dù cũng nghe được vài điều về anh qua những người biết anh) tính tôi là vậy, tôi chỉ nhận xét về ai khi mà tôi đã được tiếp xúc, được nói chuyện được quan sát không chỉ vài lần. Bắt buộc phải lên tiếng vì trong bài viết của anh Thành có những điều không đúng về những người đã đi Mỹ chuyến vừa qua với mục đích vận động cho một nền báo chí độc lập ở Việt Nam.Cái cách anh Thành viết dễ reo rắc sự nghi ngờ và những câu hỏi không đáng có, nó khá giống với cái cách mà ban tuyên giáo Hà Nội hay dùng, cái cách mà chính anh Phạm Thành từng cực lực lên án. Không biết có liên quan gì đến chuyện khi đang còn ở Hoa Kỳ tôi có nhận được lời mời sang châu Âu để dự buổi điều trần trước Quốc hội Eu về vấn đề Nhân quyền ở Việt Nam ngay sau khi kết thúc công việc ở Mỹ hay không.Tôi đã từ chối một cách lịch sự và cũng nhận lại những lời trách móc khá nhẹ nhàng, thật ra tôi từ chối vì việc đó vượt quá sức tôi, tôi không có nhiều những bằng chứng thuyết phục về vấn đề Nhân quyền ở Việt Nam, mình nhận lời có khi lại là phản tác dụng, dù trong thâm tâm cũng rất muốn có dịp gặp lại một số anh em bạn bè đang ở Châu Âu.

Tôi nhận được lời mời dự cuộc điều trần và hội thảo về Tự do báo chí tại Washington DC từ Quốc hội Hoa Kỳ và Tổ chức Phóng viên không biên giới, lúc đó tôi đang ở Bangkok theo dõi các cuộc biểu tình ở Thailand, viết bài và nghiên cứu cho một dự án về vấn đề “ Tự do chính trị trước hay tự do phát triển kinh tế trước” dự định đi một số nước trong Đông Nam Á như Myanmar, Cambodia, Laos…và Trung Quốc.Trong thư mời ghi rõ mọi chi phí cho tôi trong chuyến đi là do tổ chức Phóng viên không biên giới lo. Họ còn viết thêm: “Trong thành phần ban tổ chức có đảng Việt Tân, điều này chắc chắn sẽ gây phiền lụy, thậm chí là nguy hiểm cho quý ông.Quý ông có thể cân nhắc để chấp nhận lời mời này hay không?”

Tôi đã nhận lời, thật ra không nghĩ nhiều về Việt Tân và cho rằng vai trò của họ trong cuộc vận động này cũng nhỏ bé mà thôi, còn chuyện nguy hiểm hay phiền lụy đến bản thân thì dù có hay không có Việt Tân tôi cũng đã gặp rồi.Khoác thêm cái tròng này lên cổ cũng chẳng làm nặng nề thêm chút nào.

Nhưng tôi đã phải nghĩ lại khi đến Hoa Kỳ, đúng là Việt Tân đang là một lực lượng đáng kể, nó thể hiện bằng những con người cụ thể từ ông Chủ tịch đảng đến người đảng viên thường mà chúng tôi đã gặp.Tôi âm thầm quan sát họ và đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Một người bạn của bố tôi ở Paris nhắn cho tôi một loạt danh sách những người mà tôi nên tìm gặp ở Mỹ, chú nói thêm: “Có những bộ óc thông minh đến kỳ lạ, cháu phải gặp đấy nhé, mà họ cũng sẵn sàng gặp cháu”.

Một đảng phái chính trị tồn tại trên 30 năm và ngày càng phát triển rất đáng để quan tâm và tìm hiểu.Đọc bài của anh Phạm Thành ta thấy phần lớn những đảng viên Việt Tân là trí thức từ bác sỹ, luật sư đến chuyên gia kinh tế, tôi thật sự thấy thú vị khi một số người tôi từng tiếp xúc lại là Việt Tân, thú vị hơn nữa là tôi chỉ biết điều này qua bài viết của anh Phạm Thành.Cái cách mà Việt Tân phản ứng lại cựu đảng viên kỳ cựu của mình như anh Phạm Thành và một cựu khác vừa mới gia nhập là chị Trần Khải Thanh Thủy cũng hơi khác thường đó là: Im lặng.Tôi đã hỏi một đảng viên Việt Tân về vấn đề này nhưng anh cười: Anh tự tìm hiểu lấy đi.Ngay cả những người là an ninh cộng sản khi nói chuyện với tôi cũng nhận xét về Việt Tân khác những gì mà hệ thống truyền thông nhà nước vẫn nói xưa nay.

Những việc mà chúng tôi làm trên đất Mỹ đã được liệt kê đầy đủ, chi tiết trong thông cáo báo chí sau khi chuyến đi kết thúc.Tôi không nói gì thêm ngoài việc dám tự hào tuyên bố rằng : Chúng tôi đã đạt được những kết quả ngoài sự mong đợi, do sự cố gắng của mỗi thành viên và sự đóng góp không hề nhỏ của cộng đồng bà con hải ngoại trong đó có phần quan trọng của Việt Tân.

Tôi chỉ nói những điều liên quan trực tiếp đến việc anh Phạm Thành nêu ra.

1- Anh đặt câu hỏi: “Điều trần cái gì, khi mỗi người chỉ có 1 phút…...?......

Cách mà những vị dân biểu, những nhà chính trị chuyên nghiệp ở Mỹ tổ chức vận động cho những chính sách mà họ muốn đưa ra cho chính phủ Hoa Kỳ cũng rất

chuyên nghiệp và minh bạch, tôi không nói về điều này mà nói về những điều anh Phạm Thành thắc mắc.

Chúng tôi có hơn 20 phút dành cho cuộc điều trần, thay vì để một người đọc bài phát biểu chung, chúng tôi quyết định sẽ dành thời gian riêng cho mỗi người để có thể phát biểu chính kiến của mình trong lĩnh vực mà mình hiểu biết nhất.Đó cũng là đa nguyên và dân chủ phải không ạ ? Ngoài mỗi tham luận dài chừng 2000 chữ mà chúng tôi viết để lưu trữ trong Ngân khố của Quốc hội Mỹ ( để ai cần sẽ đọc) chúng tôi có mỗi người một bài phát biểu ngắn đọc trước buổi điều trần. Thậm chí chúng tôi còn được thêm thời gian khi ông chủ tịch tổ chức bảo vệ các nhà báo nói: “Tôi có bài phát biểu dài 15 phút, nhưng tôi sẽ rút ngắn lại để dành thêm thời gian cho các bạn Việt Nam”.

2- Căn cứ vào một bức ảnh, anh Phạm Thành “móc mé” tư thế của ông dân biểu Ed Royce (chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ nghị viện) và ông Đỗ Hoàng Điềm (chủ tịch đảng Việt Tân), anh Thành miêu tả tư thế “tội nghiệp” của các bloger và gọi đây là buổi “điều trần”.

Xin thưa anh Thành, đây là buổi gặp riêng tại văn phòng của ông Dân biểu (kéo dài 40 phút), chỗ ông Điềm ngồi ban đầu là của tôi, nhưng tôi nhường ông Điềm để thuận lợi hơn cho vai trò làm phiên dịch.Một sự trọng thị mà ông chủ tịch đảng dành cho anh em blogger.

Anh Phạm Thành có thể không bằng lòng với tố chức mà anh từng tham gia, anh có thể có những ý kiến về họ, đó là quyền của anh. Nhưng anh không thể lôi chúng tôi vào một việc như vậy, nó xúc phạm chúng tôi và cho chúng tôi cái cảm giác anh đang lợi dụng chúng tôi vào mục đích riêng của mình.

Khi chia tay anh an ninh cũng nói với tôi:

- Tôi thông cảm vì anh được một chuyến đi du lịch Mỹ không mất tiền, nhưng anh đã ngây thơ để Việt Tân lợi dụng cho uy tín của họ.

Tôi không cãi lại anh ta, vì Việt Tân đâu cần có chúng tôi để tăng uy tín. Hơn nữa anh ta làm tôi chợt bừng tỉnh: Thì ra mình được một chuyến du lịch tận Mỹ mà không tốn tiền.Lãi thế còn gì.

PS: Tôi có gặp một số người ở trong các đảng phái chính trị không phải Việt Tân và một số “không đảng phái”. Thú vị là phần lớn họ lại ở trong nhóm “Những người bạn của Việt Tân”.