Thứ Ba, ngày 26 tháng 8 năm 2014


Phạm Chí Dũng


(VNTB) - Liên Trì là một ngôi chùa nhỏ nằm trong khu vực Thủ Thiêm - nơi được con mắt sành sỏi giới đầu tư kinh doanh bất động sản xem là “vùng đất vàng”. Cũng bởi tố chất “vàng” như thế mà công cuộc bồi thường giải tỏa các hộ dân trong khu vực này đã kéo dài quá lâu, làm phát sinh quá nhiều cuộc khiếu kiện và còn dẫn đến những cái chết thương tâm của dân oan mất đất.

Thủ Thiêm cũng là tiêu điểm khiếu nại tố cáo và là một trong những “điểm nóng” nung chảy nhất ở Việt Nam về chủ đề này.

Là một trong số hiếm hoi cơ sở thờ tự còn sót lại nơi vùng đất “nhìn đâu cũng thấy tiền”, chùa Liên Trì đang lâm vào thế chơi vơi của không chỉ sự nghiệp tối đa hóa lợi nhuận cho các nhóm doanh nghiệp, mà còn bởi nhiệm vụ tối thiểu hóa hoạt động “chống phá” của một tu sĩ Phật giáo Thống nhất như Hòa thượng Thích Không Tánh.

Đất sạch và “sạch bóng tôn giáo”

Từ tháng 3/2014, chùa Liên Trì trở thành nơi sinh hoạt hàng tháng cho các nhóm xã hội dân sự độc lập, xuất phát từ tâm thế “không chốn dung thân” của các nhóm còn quá mỏng manh ấy. Sự việc đó đã không làm cho chính quyền trung ương và nhà cầm quyền TP. Hồ Chí Minh hài lòng. Vài cuộc sinh hoạt dân sự gần nhất đã phải đối mặt với hàng rào nhân viên an ninh vây bọc và những đống sỏi đá choán đổ gần hết con đường độc đạo dẫn vào chùa Liên Trì mà xe hơi không thể qua được. Không chỉ “nhân thân” ba lần bị tù đày của Hòa thượng Không Tánh, mà ngôi chùa này đã trở thành một cái gai trong mắt chính quyền khi chưa bao giờ nhà cầm quyền chấp nhận khái niệm “xã hội dân sự”.
Cho dù một trong 14 điều cam kết của Nhà nước Việt Nam trước Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc vào tháng 10/2013 là “mở rộng xã hội dân sự”.

Việc gì tới đã phải tới. Tháng 8/2014, chùa Liên Trì nhận được thư mời của Ủy ban nhân dân Phường An Khánh, Quận 2 về việc “hiệp thương bồi thường cơ sở thờ tự chùa Liên Trì”. Chính quyền địa phương dự kiến “khoán” cho giới tu sĩ chùa này số tiền 5,4 tỷ đồng để buộc họ phải cuốn gói ra đi vào tháng Chín tới, nếu không sẽ “thi hành biện pháp hành chính”.

“Có bồi thường đến cả trăm tỷ đồng, chúng tôi cũng không thể di dời, vì chùa Liên Trì đã có lịch sử đến nửa thế kỷ và đáng được xem là một di tích văn hóa - tôn giáo” - giọng Hòa thượng Thích Không Tánh như nghẹn lại.

Nhưng mọi kiến nghị tha thiết và thành tâm nhất của giới tu sĩ chùa Liên Trì về “chính quyền cần tôn trọng tự do tôn giáo, tín ngưỡng và nhân quyền mà đình chỉ việc giải tỏa chùa Liên Trì nhằm lấy đất đầu tư kinh doanh, đồng thời để cho chùa Liên Trì chúng tôi được trùng tu khang trang hầu bảo tồn duy trì truyền thống đạo đức văn hóa dân tộc” đã mặc nhiên bị chính quyền phủi tay.

Quốc tế hóa

Ngày 21/8/2014, lần đầu tiên các tu sĩ chùa Liên Trì phát thư gửi chính quyền Phường An Khánh với một thái độ quyết liệt chưa từng có. Phản ứng đặt ra là nếu chính quyền TP.HCMN quyết tâm giải tỏa chùa Liên Trì, Hòa thượng Thích Không Tánh và các tu sĩ trong chùa sẽ tuyệt thực đến chết để phản đối.

Hầu như hiển nhiên, vấn đề “xóa sổ” chùa Liên Trì đã vượt qua biên giới Việt Nam để trở thành một chủ đề tự do tôn giáo mang tính quốc tế hóa.

Trong chuyến giám sát 11 ngày về tự do tôn giáo ở Việt Nam vào cuối tháng 7, đầu tháng 8/2014, ông Heiner Bielefeldt - Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp Quốc, đã tận mắt chứng kiến ngay cả bản thân ông cũng bị giám sát chặt chẽ bởi cơ quan an ninh Việt Nam - một kết quả quá “minh bạch” mà đã khiến vị báo cáo viên đặc biệt này phải tổ chức một cuộc họp báo sau đó, công bố về “những sai phạm nghiêm trọng” của nhà cầm quyền Việt Nam đối với điều được nhà nước này gọi là “tự do tôn giáo” khi ngăn chặn rất lộ liễu và thô bạo nhiều chứng nhân mà ông muốn gặp, trong đó có Hòa thượng Thích Không Tánh của chùa Liên Trì.

Vói tư cách là người theo dõi tình trạng “Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm và bảo đảm quyền tự do tôn giáo”, ông Heiner Bielefeldt đã yêu cầu Hòa thượng Thích Không Tánh thông tin cho ông biết bất cứ biến cố nào xảy đến với chùa Liên Trì.

Phạm Chí Dũng
at 26.8.14