Đăng bởi Eric hwang vào Thứ Sáu, ngày 03 tháng 10 năm 2014 | 3.10.14

WASHINGTON (NV) - Mỹ gỡ bỏ một phần lệnh cấm bán võ khí sát thương cho Việt Nam, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ loan báo hôm 2 tháng 10, 2014, một điều sẽ làm phật lòng Bắc Kinh không ít.


Ngoại Trưởng Hoa Kỳ John Kerry (trái) bắt tay Ngoại Trưởng CSVN Phạm Bình Minh trước cuộc họp trên bàn ăn trưa hôm Thứ Năm, 2 tháng 10, 2014, tại Bộ Ngoại Giao ở Hoa Thịnh Đốn. (Hình: Hình: Mandel Ngan/AFP)

Ngoại Trưởng John Kerry cho Ngoại Trưởng CSVN Phạm Bình Minh hay quyết định này của chính phủ khi hai người có cuộc hội đàm tại Hoa Thịnh Đốn sáng hôm Thứ Năm.

Trong chiều hướng đó, Hoa Kỳ điều chỉnh chính sách đối ngoại hiện nay ngõ hầu “cho phép chuyển giao trang bị quốc phòng, gồm cả võ khí sát thương, tuy nhiên chỉ cho mục đích an ninh biển mà thôi,” theo lời một viên chức cấp cao của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.
Lý do lệnh cấm bán võ khí sát thương cho Việt Nam được gỡ bỏ “vì các lợi ích chiến lược lớn hơn của chúng ta nhằm giúp các nước ở khu vực cải thiện khả năng biết được những gì đang diễn ra trên biển và khả năng hiện diện.” Viên chức không được nêu tên vừa kể cho biết thêm.
Lời nói này nhiều phần ám chỉ đến khả năng Hoa Kỳ bán cho Việt Nam một số máy bay tuần tra biển, săn tàu ngầm Orion P-3 từng được một số nguồn tin nhắc đến những tháng gần đây. Lệnh cấm bán võ khí sát thương cho Việt Nam có từ năm 1975 khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt.
Dù vậy, quyết định giải tỏa lệnh cấm bán võ khí sát thương cho Việt Nam không phải là gỡ bỏ lệnh cấm toàn diện mà nhiều loại trang bị an ninh quốc phòng có thể bán được nhưng vẫn còn nằm trong số võ khí còn bị cấm để thúc đẩy Hà Nội cải thiện thêm về nhân quyền.

Các viên chức Hoa Kỳ phủ nhận sự thay đổi chính sách với Việt Nam không phải là “chống Trung Quốc” mà cho các loại trang bị chấp thuận cho bán đó chỉ nằm trong các nhu cầu phòng vệ vì Việt Nam “thiếu khả năng trên biển” ở khu vực.

Tuy nhiên, quyết định gỡ bỏ một phần lệnh cấm bán võ khí sát thương cho Việt Nam được Hoa Kỳ đưa ra sau những biến chuyển dồn dập liên quan đến các hành động ngang ngược lấn tới của Bắc Kinh trên Biển Đông ở cả hai khu vực Hoàng Sa và Trường Sa, cho người ta suy nghĩ liên tưởng.

Hoa Kỳ từng nhiều lần tuyên bố không đứng về phe nào trong các cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ nhưng cũng từng cảnh cáo Bắc Kinh là không được gây bất ổn định ở khu vực, nhất là ở hai khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông.

Trên Biển Đông, tranh chấp quần đảo Hoàng Sa chỉ giữa Việt Nam với Trung Quốc, khu vực quần đảo Trường Sa còn có các nước khác như Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.

Tháng 5 vừa qua, Bắc Kinh cho giàn khoan khổng lồ HD-981 tới dò tìm dầu khí ở phía Nam quần đảo Hoàng Sa, trong vùng thềm lục địa đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hành động này dẫn đến sự đối đầu giữa hai lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư của Việt Nam với đoàn tàu hải giám, hải cảnh của Trung Quốc suốt hai tháng rưỡi cho đến khi giàn khoan được rút đi.

Người Việt Nam đã tức giận, biểu tình bạo động ở Bình Dương, Đồng Nai và Hà Tĩnh, đốt phá hàng trăm cơ sở đầu tư sản xuất của ngoại quốc, phần lớn là của Đài Loan và Hoa Lục. Lần đầu tiên người ta thấy xảy ra một cuộc bạo động nhắm vào các cơ sở đầu tư ngoại quốc tại Việt Nam như thế.

Những tấm hình không ảnh được tạp chí an ninh quốc phòng quốc tế Jane's Defense công bố những tháng gần đây cho thấy Trung Quốc cho tàu hút cát đá dưới lòng biển xây dựng 6 bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa thành những đảo nhân tạo. Một số hình ảnh mô hình các đảo nhân tạo được phổ biến trên báo chí Trung Quốc cho người ta thấy các đảo nhân tạo đó có cả cầu cảng, doanh trại của các căn cứ quân sự và có cả phi trường.

Một số viên chức Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho hay việc bán trang bị quốc phòng cho Việt Nam sẽ được cứu xét trên căn bản từng trường hợp một trong sự tham khảo với Quốc Hội và nay mới chỉ chú trọng vào việc trang bị cho cảnh sát biển Việt Nam.

Cho tới nay, người ta mới chỉ thấy Hoa Thịnh Đốn cho phép bán một số tàu tuần cỡ nhỏ không võ trang cho cảnh sát biển Việt Nam. Theo viên chức của Bộ Ngoại Giao, điều này từ bây giờ trở đi có thể thay đổi. Nhưng họ cũng xác nhận rằng các hệ thống quốc phòng trên không (ám chỉ máy bay) cũng được cân nhắc để bán nếu chúng bao gồm khả năng (phòng thủ) trên biển.

“Ngoại trưởng (Kerry) thông báo cho ông phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng CSVN Phạm Bình Minh rằng Bộ Ngoại Giao sẽ cho phép bán các loại trang bị quốc phòng liên quan đến an ninh biển cho Việt Nam.” Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Jen Psaki cho báo chí hay. “Chính sách này yểm trợ cho Việt Nam cải thiện các khả năng của lãnh vực cảnh giác và an ninh trên biển.”

Như những lời tiết lộ kể trên, người ta không biết đích xác các máy bay Orion P-3 mà Việt Nam muốn được Mỹ cung cấp sẽ gồm cả võ khí hay không. Những bản tin trước đây từng nói đến việc Mỹ có thể bán cho Việt Nam 6 máy bay vừa nói đã qua sử dụng và không trang bị võ khí.

Nếu được trang bị đầy đủ, ngoài các hệ thống điện tử, radar dò tìm chấn động âm thanh, hình ảnh, điện từ, nó còn có thể mang theo nhiều loại hỏa tiễn, bom, mìn để tấn công các mục tiêu trên biển và trên mặt đất.

Dù vậy, người ta không thấy có gì hé lộ về việc khi nào thì Hoa Kỳ sẽ cung cấp cho Việt Nam loại máy bay này, số lượng bao nhiêu, giá cả và kèm theo các điều kiện gì.
(TN)

Người Việt