03 01 2015

Như Lai cũng là sự biểu hiện cụ thể của Chân như, dịch từ chữ Tathatā của tiếng Phạn, viết theo mẩu devanāgarī: तथाता. Chân Như được xem như là căn nguyên của vạn pháp hay là bản thể chân thật của vũ trụ, mà Đức Phật là một con người toàn hảo, một con người có khả năng vô hạn để chứng minh những giá trị của thể tánh thường hằng, không sanh không diệt của vạn pháp và Ngài cũng chính là sự đan kết giữa hiện tượng và bản thể.

तथाता, tathātā có nghĩa: bản tính thật tự nhiên của sự vật. Thực tại tự thân.

Bảng biến hóa thân từ của tathātā ở dạng nữ tính:

Theo Duy Thức Luận định nghĩa Chân Như: Chân là chân thật, hiển nhiên không phải hư vọng; Như là sự trường tồn, chỉ bày cái lý không thay đổi. Hai chữ Chân Như là nói lên cái nguyên lý chân thật của tất cả pháp và thể hiện cái tánh trường tồn của nó.

Trong Phật Địa Kinh Luận, quyển 7 có viết như sau: "Chân Như chính là thật tánh của tất cả hiện tượng. Cái tướng của tất cả hiện tượng tuy có các thứ sai biệt, nhưng thật tánh của chúng thì chỉ có một vị, so với tất cả pháp không phải một, không phải khác, lìa ngôn ngữ, lìa cả suy luận và khảo cứu. Thật tánh này xa lìa quan điểm lầm lỗi và hư ngụy".

Kinh Đại Bát Nhã, quyển 360 có giải thích về ý nghĩa của Chân Như, được trình bày như sau:

1) Chân Như: Chân là chân thật và Như là như thường, nghĩa là thể tánh chân thật của các pháp thì như thường nên gọi là Chân Như.
2) Pháp Giới: Giới là nghĩa sở y (chỗ nương tựa). Chân Như là chỗ nương tựa (sở y) của các pháp.
3) Pháp Tánh: nghĩa là thể tánh của các pháp thì Chân Như.
4) Bất Hư Vọng Tánh: nghĩa là Pháp Tánh Chân Thật đã lìa hẳn hư vọng nên gọi là Chân Như.
5) Bất Biến Dị Tánh: nghĩa là bản thể của các pháp thì không biến đổi nên gọi là Chân Như.
6) Bình Đẳng Tánh: nghĩa là Chân Như sau khi lìa hẳn các tướng sai biệt của các pháp đều duy nhất bình đẳng không có hai.
7) Ly Sanh Tánh: nghĩa là Chân Như đã lìa hẳn sự sanh diệt.
8) Pháp Định: nghĩa là pháp tánh thì an trụ và thường hằng nên gọi là Chân Như.
9) Pháp Trụ: nghĩa là ngôi vị của các pháp thì thường trụ nơi Chân Như.
10) Thật Tế: nghĩa là nguyên lý của Chân Như thì rất thật tế đến chỗ cùng cực.
11) Hư Không Giới: nghĩa là lý thể của Chân Như thì biến khắp pháp giới.
12)- Bất Tư Nghì Giới: nghĩa là lý thể của Chân Như thì không thể nghĩ bàn.

Như lai, Tathāgata तथागत, có nghĩa theo sự phân tích sau: तथा tathā + गत gata = đã đi như vậy, và तथा tathā + आगत āgata = đã đến như vậy. Hán Việt: Như khứ 如去.

तथा, tathā là chữ ghép từ hai chữ: tad và thā. Tathā là thán từ và cũng là từ tương liên của chữ yathā. Tathā có nhiều nghĩa được biết như sau: Như thế, như vậy, theo cách này, cũng thế, mặc dù, dù, cùng loại, cùng thứ, sự tán đồng, sự đồng ý, hoặc là, nghĩa là, tức là, được.

गत, gata là quá khứ phân từ của động từ căn √ गम् gam. गत, gata thuộc tĩnh từ và có ba dạng: nam tính, nữ tính, trung tính. Gatā là thân từ ở dạng nữ tính của gata và nó có những nghĩa được biết như sau: Đã đi, đã rời, đã qua, đã mất, phát xuất từ, thoát ra.