Kate Lamb

28.04.2015


Thân nhân của tù nhân người Úc Myuran Sukumaran phản ứng khi họ đến cảng Wijayapura để đến nhà tù trên đảo Nusa Kambangan ở Cilacap, miền Trung Java, Indonesia, ngày 28/4/2015.

JAKARTA— Giới hữu trách Indonesia đang chuẩn bị để hành quyết 9 người, trong đó có 8 người nước ngoài, bị tuyên án tử hình về tội buôn lậu ma tuý vào tảng sáng thứ Tư giờ địa phương. Theo tường thuật của thông tín viên Kate Lamb của đài VOA tại Jakarta, cộng đồng quốc tế đã bày tỏ sự chống đối đối với sự trừng phạt mà nhiều người cho là quá hà khắc.

Indonesia đã giam 9 người buôn lậu ma tuý tại nhà tù Nusa Kambangan, một hòn đảo nhỏ ở ngoài khơi Java. Trong số các tử tội có hai người Australia trong nhóm buôn lậu heroin có tên Bali 9, Andrew Chan và Myuran Sukumaran; Mary Jane Veloso, người Philippines; Zaian Abidin, người Indonesia; và Rodrigo Gularte, người Brazil.

Tuy có sự khẩn cầu liên tục từ cộng đồng quốc tế, kể cả những ban nhạc rock nổi tiếng và các nhà lãnh đạo thế giới, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhất định không chịu ân xá cho những người bị kết án về những tội liên quan tới ma tuý.

Ông Widodo, thường được dân chúng gọi là ông Jokowi, mô tả những vụ hành quyết này là “liệu pháp shock” cần được thực hiện để ứng phó với tình trạng mà ông gọi là “tinh huống khẩn cấp vì ma tuý” ở Indonesia.

Ông nói rằng mỗi ngày ở nước ông có từ 40 đến 50 người chết vì ma tuý. Đây là những con số thống kê nhiều người trong giới học thuật và những người tranh đấu nhân quyền đã tỏ ý hoài nghi.

Ông Daniel Awigla, thuộc một liên minh chống án tử hình ở Indonesia, nói rằng Tổng thống Widodo ỷ lại quá nhiều vào con số dự báo của Cục bài trừ ma tuý quốc gia BNN mà làm ngơ những quan điểm khác biệt.

Ông Awigla cho biết: "Việc này rất nguy hiểm. Nhà nước dùng những dữ liệu đáng nghi ngờ này để biện minh và để bảo đảm cho việc áp dụng án tử hình. Những dữ liệu này rất nguy hiểm. Đây là một việc có tính hệ thống. Và tại sao ông Jokowi lại nhất định không chịu lắng nghe những tiếng nói khác?"

Trong vài tuần qua, những tố cáo nghiêm trọng về những khiếm khuyết trong tiến trình pháp lý đã xuất hiện.

Một luật sư của hai bị can trong nhóm Bali 9 cho biết các viên thẩm phán thoạt đầu đã đồng ý nhận hơn 100.000 đô la tiền hối lộ để tuyên những bản án nhẹ hơn.

Trong phiên toà xử bị cáo Zanial Abidin, người Indonesia, một trong các nhân chứng cho biết đã bị tra tấn. Trong khi đó, luật sư của Mary Jane Veloso, người Philippines nói rằng nữ bị cáo này là nạn nhân của bọn buôn người và đã ra toà mà không có được một người thông dịch hội đủ điều kiện.

Gia đình của Rodrigo Gularte, người Brazil, trong nhiều năm nay đã vận động cho bị cáo này được giảm án vì lý do mắc bệnh tâm thần. Theo chẩn đoán của các chuyên gia y khoa, bị cáo này mắc chứng tâm thần phân liệt hoang tưởng.


Chị họ của Rodrigo Gularte, người Brazil, trong nhiều năm nay đã vận động cho bị cáo này được giảm án vì lý do mắc bệnh tâm thần.

Những người khác lập luận rằng theo luật pháp quốc tế, án tử hình chỉ nên áp dụng cho “những tội nghiêm trọng nhất.”

Ông Andreas Harsono, thuộc tổ chức Human Rights Watch, cho biết Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã kết luận là án tử hình dành cho những tội phạm ma tuý không thỏa mãn điều kiện đó.

Ông Harsono nói: "Có rất nhiều cuộc nghiên cứu. Văn phòng bài trừ ma tuý và tội phạm Liên Hiệp Quốc đã nói là án tử hình không nên áp dụng đối với những kẻ buôn lậu ma tuý mà chỉ áp dụng cho những tội phạm nghiêm trọng trực tiếp gây ra tử vong mà thôi."

Hôm thứ Ba, sau nhiều tháng vận động ráo riết và thực hiện những thỉnh cầu pháp lý giờ chót, gia đình của các tử tội đã chào vĩnh biệt người thân.

Những buổi lễ đốt nến cầu nguyện đã được tổ chức tại nhiều nơi ở Australia. Công chúng và chính phủ nước này đã mạnh mẽ thúc giục Indonesia ngưng hành quyết hai người mà họ tin là có thể hoàn lương.

Nhưng tại Indonesia, nơi nhiều người ủng hộ việc áp dụng án tử hình, nhà phân tích chính trị Yohanes Sulaiman nói rằng những vụ hành quyết này có phần chắc sẽ làm tăng sự ủng hộ của người dân đối với Tổng thống Widodo.

Ông Sulaiman cho biết: "Sẽ có nhiều người trong nước vỗ tay tán thưởng ông ấy. Người dân sẽ nói ông ấy mạnh dạn chống lại tất cả những đòi hỏi quốc tế. Ông ấy không sợ bị hiếp đáp. Cho nên trên cơ bản ông ấy sẽ có hào quang trong ngắn hạn."

Indonesia là nước có những luật lệ chống ma tuý thuộc loại nghiêm khắc nhất thế giới. Chính phủ ở Jakarta năm 2013 đã chấm dứt chính sách tạm ngưng thi hành án tử hình mà họ áp dụng một cách không chính thức trong 4 năm trước đó.