() - Số 205 LỆ HÀ - MAI PHƯƠNG - THÙY TRANG - 8:35 AM, 07/09/2015


Nỗi lo của các bậc phụ huynh khi phải đóng các loại phí đầu năm học (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: T.L
Năm học mới 2015-2016 mới chỉ bắt đầu, nhưng nhiều phụ huynh học sinh - đặc biệt là công nhân lao động nghèo đã phải kêu trời khi mức đóng BHYT của con mình không chỉ tăng từ 3% mức lương cơ sở lên 4,5%, mà còn phải đóng tới 15 tháng.

Nhiều phụ huynh, học sinh tại TPHCM không khỏi giật mình bức xúc với khoản thu BHYT học sinh năm nay tăng cao hơn mọi năm đến gấp đôi. Còn giáo viên thì cũng khổ sở không kém với việc thu BHYT, do gặp phải sự phản ứng từ phía phụ huynh, dù rằng giáo viên chỉ là người đi thu hộ.

Anh Nguyễn Văn Trọn có hai con đang học ở trường THCS tại quận 3, bức xúc: “Năm học nào tôi cũng mua BHYT và Bảo hiểm thân thể cho con, nhưng năm nay giá tiền bảo hiểm nhảy quá cao khiến tài chính gia đình khó khăn hơn. Chỉ riêng tiền đóng BHYT đầu năm học cho hai con đã mất hơn 1 triệu đồng, trong khi thu nhập của tôi không ổn định, làm nghề tự do ai thuê gì làm nấy. Tính ra BHYT mua ở trường do quy định 15 tháng khiến phụ huynh không có sự lựa chọn, trong khi cả năm các cháu thậm chí không dùng tới thẻ BHYT một lần”.

Cùng nỗi niềm với nhiều phụ huynh khác, chị T.T.T - phụ huynh học sinh lớp 5 quận Gò Vấp, TPHCM - vừa đưa tờ biên lai thu tiền đóng BHYT cho con ra trước mặt, vừa ngậm ngùi nói: “Thu nhập không tăng thêm, mà tiền đóng BHYT cho hai đứa con tăng chóng mặt. Năm trước, mức thu BHYT 289.800 đồng nhưng năm nay tăng lên 543.375 đồng, gấp đôi mà chưa kể đầu năm học còn đủ loại học phí. Đồng ý mua BHYT là tốt cho các cháu nhưng chất lượng dịch vụ khi cầm thẻ BHYT vào bệnh viện không tương xứng, bảo hiểm mua về để không, khi con đau ốm tôi dùng thẻ dịch vụ cho nhanh”.

Một số phụ huynh, học sinh khi bắt buộc đóng BHYT cho con, dù thấy mức đóng cao hơn mọi năm nhưng cũng mù mờ thông tin vì không được nhà trường giải thích gì. Chị Nguyễn Thị Hà (Bình Thạnh, có con học ở một trường THPT tại quận 3) cho biết, về khoản thu BHYT, các thầy cô không có buổi nói chuyện chính thức nào với phụ huynh. Cuộc họp đầu năm chỉ nhắc đến các khoản thu nội bộ của lớp, còn học phí và BHYT thì đã thu trước đó và chỉ thông báo qua học sinh mà không có sự giải thích rõ ràng.

Nhà trường kêu chỉ thu hộ

Với mức tăng như trên, cô Phạm Thúy Hà - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, quận 4, TPHCM - cho biết: Năm nay thu khó hơn mọi năm. Hiện trường mới chỉ thu được khoảng 70%. Cô Hà cũng than phiền: “BHYT là nhà trường với giáo viên thu hộ cho ngành BHXH nhưng nhiều phụ huynh không biết, có thái độ phản ứng mạnh với giáo viên. Thực sự, tôi thấy sợ mùa đầu năm học với các khoản thu-chi như thế này. Ngoài vận động trực tiếp, nhà trường còn dán thông báo, gửi giấy về nhà, nhưng nhiều phụ huynh nói đóng xong thấy BHYT là không muốn khám rồi”. Một cán bộ công tác tuyên truyền Phòng Giáo dục quận 4 (TPHCM) lắc đầu ngao ngán: “Thu bảo hiểm đầu năm nay khó khăn vô cùng, tốc độ chậm”. Lãnh đạo một trường tiểu học ở Hà Nội chia sẻ: Đóng BHYT là cần thiết. Tuy nhiên cũng cần xem lại bởi mức đóng quá cao, với một gia đình có 2 con đi học đầu năm thu nhiều khoản là một vấn đề. Nhiều phụ huynh phàn nàn mức đóng cao nhưng chất lượng chưa tương xứng như áp đặt nơi đăng ký BHYT ban đầu, vượt tuyến phức tạp…

Cũng theo vị lãnh đạo này, trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương dãn các khoản thu thì Bộ Y tế lại ép các khoản thu. Nghĩa là, tháng 9 thẻ BHYT hết giá trị buộc các em phải mua thẻ mới cho cả năm. Trong khi đầu năm học quá nhiều khoản phí phải đóng. Đây là gánh nặng cho nhiều gia đình.

Bộ Y tế nói gì?

Bà Tống Thị Song Hương - Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) - cho biết, năm học này mức đóng BHYT của học sinh, sinh viên tăng từ 3% mức lương cơ sở lên 4,5%. Các thay đổi này là theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế. Thay vì 12 tháng, năm nay các em sẽ phải mua 15 tháng. Mức đóng này có thể giảm dần tùy theo sự hỗ trợ của địa phương. Như vậy, từ năm học này, mỗi năm một học sinh phải đóng 434.700 đồng. Khi đi khám-chữa bệnh BHYT được hưởng 80% chi phí khám-chữa bệnh, đồng chi trả 20% - trừ nhóm thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo.

Cũng theo bà Hương, một điểm mới nữa là thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT học sinh, sinh viên sẽ theo năm tài chính, từ ngày 1.1 đến ngày 31.12 của năm. Trước đó, thẻ học sinh có giá trị sử dụng từ đầu năm (tháng 10) và hết hạn sau 12 tháng. Do đó, riêng trong năm nay nhóm học sinh vào lớp 1 và sinh viên năm thứ 1 sẽ phải đóng 15 tháng. Thời hạn sử dụng thẻ từ ngày nhập học hoặc ngày hết hạn của thẻ được cấp lần trước đến 31.12 của năm sau. Đối với học sinh lớp 12 và sinh viên năm cuối thời hạn sử dụng ghi trên thẻ từ ngày 1.1 đến ngày cuối của tháng kết thúc năm học đó.

Theo giải thích của bà Tống Thị Song Hương, học sinh, sinh viên có thể đóng BHYT 3 tháng (tương ứng với 108.675 đồng), sau đó đến tháng 12 mua tiếp hoặc trả luôn 15 tháng. Việc thực hiện tùy theo lựa chọn linh hoạt của các trường, các địa phương. Thứ nhất là đóng từ nay đến hết năm 2015 (3 tháng), sau đó lại đóng tiếp cho năm sau. Thứ hai là có thể năm nay đóng 3 tháng, năm sau chia làm hai đợt, mỗi đợt đóng 6 tháng. Điều này tạo điều kiện cho các gia đình rất nhiều. Thứ ba là nếu gia đình nào điều kiện thì có thể đóng luôn 15 tháng.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến nay có khoảng 85% số học sinh, sinh viên tham gia BHYT. Trong đó, có khoảng 94% số học sinh tham gia và sinh viên là 76%.

Ý kiến của người lao động về BHYT năm học mới

Anh Nguyễn Văn Nam - CN khu CN Tân Thới Hiệp, quận 12: Mức tăng quá “sốc”. Năm ngoái, Trường Tiểu học Tân Thới Hiệp (quận 12) nơi con gái tôi học đưa ra mức thu BHYT học sinh cho cả năm là 289.800 đồng/người. Nhưng năm nay, không hiểu sao trường yêu cầu tăng lên đến 543.375 đồng, mức này quá “sốc” với gia đình CN nghèo như tôi. Tôi có 2 con đi học, vậy thì ngay từ đầu năm chỉ riêng khoản BHYT học sinh chúng tôi đã phải đóng hơn 1 triệu đồng. So với mức lương của tôi hiện tại, nó đã chiếm mất 1/3 là chi phí quá cao.

Chị Nguyễn Mỹ Lan - CN Cty CP Tư vấn đầu tư SVN, quận Tân Phú: Đóng “một cục” chịu không nổi. Gia đình em được nhà trường thông báo đầu năm nay phải đóng tổng số tiền là 543.375 đồng cho cháu. Năm ngoái trường thu BHYT học sinh trong 12 tháng học, nhưng năm nay họ thu liên tục đến 15 tháng và yêu cầu phải đóng luôn “một cục”. Em hỏi ngành bảo hiểm thì được giải thích là do những năm trước thu theo năm học, còn năm nay thu theo năm tài chính, vì vậy phải cộng thêm 3 tháng cuối năm nữa cho chẵn năm? Vì thế các phụ huynh phải đóng trước tổng cộng 15 tháng để nhà trường đóng cho cơ quan bảo hiểm. Đầu năm phụ huynh với hàng chục khoản phải đóng góp, thêm khoản bảo hiểm thúc tới như vậy nữa thật chịu không nổi.

Có con đang theo học lớp 12 tại Trường THPT Phổ Yên (Thái Nguyên), chị Lê Thị Huyền (CN Cty TNHH Yamaha Motor VN, Trung Giã, Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết, đối với các gia đình là CBCNV, NLĐ có việc làm ổn định thì họ sẽ đồng tình đóng một lần; còn đối với các gia đình ở khu vực nông thôn, khả năng tài chính phải phụ thuộc nhiều vào việc đồng áng, mùa vụ do đó các trường nên căn cứ vào hoàn cảnh gia đình để điều chỉnh thu thành nhiều đợt, để giảm bớt gánh nặng tài chính vào dịp đầu năm cho các gia đình nông dân.

Chị Đặng Thị Thủy (Gia Trung, Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội) có cậu con trai năm nay học lớp 4 trường làng cho biết, ngay từ đầu năm gia đình đã đóng các khoản phí cho cả năm học là gần 4 triệu đồng. Trong buổi họp phụ huynh học sinh đầu năm, nhà trường có thông báo, do gia đình thuộc diện hộ nghèo nên không phải đóng BHYT cho cháu. Mặc dù số tiền 543.700 đồng không nhiều, nhưng cũng đã một phần hỗ trợ “gánh nặng chi tiêu” cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn như chúng tôi. Có thẻ BHYT, con trai tôi sẽ được chăm sóc khi ốm đau, gia đình sẽ bớt đi chi phí thuốc men cho cháu.
Lê Tuyết - X.T. - H.A. (ghi)