Thứ Tư, 09/09/2015 03:13PM

Cơn ác mộng đầy ruồi bọ và mùi hôi cách đây hơn 5 năm trên vùng đất Đa Phước, đến nỗi người dân ăn cơm phải mắc màn, sống trong nhà mà không dám mở cửa do bãi rác Đa Phước gây ra khiến người dân không thể quên.

Không ít doanh nghiệp nhân danh Việt kiều mang công nghệ hiện đại, có yếu tố nước ngoài về đầu tư, để được hưởng những chế độ đãi ngộ, hỗ trợ kinh doanh theo chính sách của nhà nước. Nhưng mặt khác chúng ta lại để rất nhiều sơ hở, ký những hợp đồng không được chặt chẽ, những yêu sách đặc biệt mà chất lượng dịch vụ thì không thực sự như mong đợi.

Có thể nói, trường hợp nhà đầu tư bãi rác Đa Phước là một điển hình.


Nhiều doanh nghiệp nhân danh Việt kiều về nước đầu tư để tranh thủ tối đa sự ủng hộ, bảo vệ của nhiều đơn vị, cơ quan chính quyền về đầu tư xây dựng. (Ảnh minh họa)

Từ một Việt kiều chuyên thu mua ve chai, phế liệu không nhiều vốn liếng tại Mỹ trở về Việt Nam, David Dương gặp may mắn khi được sự giúp đỡ của nhiều nhân vật trong giới làm ăn, cộng với "chất xám" của riêng mình để cuối cùng một khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước tại huyện Bình Chánh do Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) do David Dương làm chủ được hình thành với diện tích 128ha ngay trên mảnh đất Sài Gòn chật chội, đắt đỏ.

Nói không nhiều vốn liếng bởi khi hình thành dự án khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, TP.HCM đã chi số tiền trong ngân sách nhà nước cho việc đền bù, giải tỏa, xây dựng cơ sở hạ tầng khu xử lý rác.

Ngoài ra, thành phố còn cho công ty của David Dương mượn 9 triệu USD gọi là tiền ứng trước giúp công ty đi vào hoạt động. Việc này kiểm toán thành phố đã thanh tra, kiểm tra và có kết luận số tiền ấy là sai phạm.

Một số tiền khá lớn mà có khi không cần phải bỏ vào thêm vốn nữa cũng có thể bắt đầu dự án.

Từ những ngày mới thành lập, Công ty VWS đã không thực hiện đúng Giấy phép đầu tư. Cụ thể công ty không xây dựng và điều hành nhà máy phân loại, thu gom nguyên liệu tái chế và tái sử dụng chất thải công suất 2.500-3.000 tấn/ngày theo quy định của Giấy phép đầu tư số 2535/GP ngày 28/12/2005.

Thay vào đó, Công ty VWS đang vận hành một bãi chôn lấp rác với công suất 2.500-3.000 tấn/ngày. Không hề có “công nghệ xử lý rác theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ” mà chỉ là một bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Đến ngày 13/1/2014 UBND thành phố đã cấp Giấy chứng nhận điều chỉnh Giấy phép đầu tư số 2535/GCNĐC1/41/1 cho đúng với thực tế chôn lấp rác của Khu xử lý rác Đa Phước.

Đến nay thì lượng rác đổ về bãi rác Đa Phước đã tăng lên gấp đôi và thành phố phải chi trả cho VWS hơn 21 USD/tấn. Hơn thế nữa, nhà nước phải thanh toán tăng hằng năm 3% giá xử lý rác trong khi các doanh nghiệp khác hoạt động cùng lĩnh vực không được tăng theo từng năm. Bất ngờ hơn nữa là lợi nhuận hằng năm của VWS rất cao, từ 25-40%. Đây là con số đáng mơ ước của không ít công ty xử lý rác thải.

Trong một bài phỏng vấn về vấn đề kinh doanh, xử lý rác thải, tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng có đề cập đến việc kinh doanh rác là siêu lợi nhuận khi đưa ra giả thuyết đơn vị xử lý rác tăng 10% khối lượng xử lý rác mỗi ngày thì lợi nhuận thu về cho doanh nghiệp cũng là con số mà Nhà nước bị thâm hụt ngân sách là khủng khiếp. Trong khi đó, quản lý khối lượng chủ yếu dựa vào sự trung thực của doanh nghiệp.

Được biết, ông David Dương luôn tự hào vì khu liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước được cho là hiện đại và quy mô nhất Việt Nam theo tiêu chuẩn và công nghệ Hoa Kỳ.

Nhưng hẳn nhiều độc giả và hơn hết là những người dân ở gần khu vực bãi rác Đa Phước vẫn chưa thể quên được cơn ác mộng đầy ruồi bọ và mùi hôi cách đây hơn 5 năm trên vùng đất Đa Phước, đến nỗi người dân ăn cơm phải mắc màn, sống trong nhà mà không dám mở cửa.

Rồi vụ cháy nổ tại bãi rác mà ai cũng biết là nổ khí mê tan do không được xử lý tốt. Đã có lúc người ta hồ nghi về tính hiệu quả môi trường mà bãi rác Đa Phước mang lại.

Mới đây, nhiều hộ dân ở khu vực huyện Nhà Bè và quận 7 liên tục gửi đơn thư phản ánh về mùi hôi thối lan tỏa khắp khu vực và đặt nhiều nghi vấn mùi hôi xuất phát từ Đa Phước.

Trước tình hình đó, UBND TP.HCM đã có công văn yêu cầu các quận huyện, các sở, ngành trực thuộc UBND thành phố thực hiện rà soát trong công tác kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân trong việc xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của những đơn vị gây ô nhiễm.

Vấn đề ô nhiễm môi trường được phản ánh bởi bãi rác Đa Phước là câu chuyện dài tập với nhiều tình huống, dích dắc khó mà lý giải. Cuối cùng, người dân vẫn phải gánh chịu mọi hậu quả, từ việc ô nhiễm môi trường đến việc phải trả từng đồng tiền thuế vào tay ai thì không thể biết được.