Chủ Nhật, ngày 08 tháng 11 năm 2015

"... Trần Nhật Phong» Đối với các anh em tranh đấu xã hội dân chủ trong nước, tôi không biết các anh em cảm nhận về tổ chức này như thế nào, nhưng ngay trong cộng đồng tôi sinh sống, thì họ không ảnh hưởng lớn gì về chính trị dòng chính ở Hoa Kỳ, hiện nay trên dưới 20 dân cử gốc Việt ở khắp Hoa Kỳ, kể cả những người có chức vị cao nhất cho đến thấp nhất, đều không phải là người của Việt Tân, thậm chí họ hoàn toàn tránh né không muốn có liên hệ gì đến Việt Tân..."


Tôi có nhiều bạn bè trong Việt Tân, trước đó thời còn làm cho đài Little Sài Gòn Radio, tôi vẫn thường xuyên phụ trách chương trình mỗi tuần một lần với 2 nhân vật của VT, là Đỗ Hoàng Điềm và bác sĩ Nguyễn Trọng Việt. Sau đó một thời gian, khi xảy ra vụ Trần Trường, tôi lại có dịp quen biết thêm Xuyến Đông, lúc đó nằm trong nhóm "Tuổi Trẻ Việt Nam" chưa là thành viên chính thức của VT, và cuối cùng sau này là cô bé Trinity Hồng Thuận. Tóm lại với những gì tôi quen biết các nhân vật này họ đều sinh hoạt dưới chiếc dù là Việt Tân, còn trước đó thuộc Mặt Trận của ông Hoàng Cơ Minh thì tôi không nắm rõ về những hoạt động của họ, vì tôi còn đi học thời điểm từ giữa thập niên 80.

Tuy nhiên kể từ khi bước chân vào sinh hoạt truyền thông từ đầu thập niên 90, tôi đã bắt đầu tìm hiểu về những gì xảy ra trước đó, nhất là sau cái chết của anh Lê Triết, tôi tự hỏi rằng " tại sao người ta có thể nhẫn tâm bắn chết một người chỉ vì nêu những ý kiến khác biệt" và khi tôi tìm hiểu những anh em tiền bối trong làng truyền thông, có một điều luật bất thành văn là họ ngại khi nhắc đến "Mặt Trận", một số khác kể cho tôi nghe về những cái "ác" mà họ cho là do "Mặt Trận" làm, nhưng khi tôi nói rằng sẽ ghi nhận chính thức bằng âm thanh hoặc hình chụp thì họ từ chối ngay. Cho đến nay sự thật vẫn chưa được phanh phui một cách rõ ràng, tuy không có bằng chứng rõ rệt về mặt pháp lý, nhưng tôi tin rằng, những vụ đe dọa, giết người thời điểm đó, ít nhiều đều có liên can đến "Mặt Trận".

Một nhân vật hiện đang sinh sống tại Oregon, tự nhận với tôi là thành viên của "Mặt Trận", ông bây giờ đã gần 70 tuổi, kể cho tôi nghe về những sinh hoạt của "Mặt Trận", điều mà ông ân hận nhất là người chiến hữu có tên thật là "Chiến", sau chuyến đi đến biên giới Lào - Thái Lan thì được "Mặt Trận" thông báo rằng, đã "anh dũng hy sinh", nhưng trước khi qua bên đó nhân vật tên "Chiến" đã tâm sự rất nhiều với ông về những khuất tất đằng sau những cái gọi là "kháng chiến" và nói rằng sau chuyến đi sẽ có quyết định khác, ông ân hận vì đã không cản người bạn của ông, và đó là chuyến đi cuối cùng.

THỜI "CỞI TRUỒNG CHẠY KHẮP PHỐ"

Tôi gọi là "cởi truồng chạy khắp phố", là vì thời điểm 70,80 có nhiều tổ chức chống cộng ra đời, do đó muốn nổi bật nhất thì phải có những "chiêu thức" khiến người ta tò mò và tạo huyền thoại, mục đích sau cùng là muốn người khác tin tưởng ở tổ chức của họ, và kết quả những huyền thoại, đồn thổi là :

1 - Sử dụng thành phần băng đảng để khủng bố những cơ sở thương mại nào không đóng góp tiền kháng chiến.

2 - Đe dọa, "bắt bí", thậm chí là blackmail những ai hoài nghi về tổ chức của họ, đặt biệt là cánh nhà báo, nhà văn.

3 - Sử dụng những tờ báo để đăng tin phóng đại về cuộc kháng chiến, nào là có 10,000 quân ở biên giới, nào là đã chiếm được cứ điểm này, vị trí nọ ở Việt Nam.

4 - Tạo huyền thoại cho nhân vật lãnh đạo, rằng ông thế này, ông thế kia, đang điều khiển trận địa.

5 - Gặp gỡ vài ông bà dân biểu thổ tả, rồi tạo ra huyền thoại một cách mập mờ rằng tổ chức này được chính phủ Mỹ yểm trợ.

6 - Mở vài tiệm phở từ tiền quyên góp của công chúng, rồi tri hô lên rằng cơ sở kinh tài của tổ chức có bạc triệu ( bạc triệu thời 70,80 nó trị giá bây giờ khoảng vài chục triệu)

Với những chiêu thức trên mà tôi gọi là chiêu thức "cởi truồng chạy khắp phố" để cho mọi người chú ý, và nó đã thành công, cho đến nay không ai biết được tổ chức này có bao nhiêu tài khoản ngân hàng, có bao nhiêu tài chánh. Nó vẫn là những lời đồn thổi, dư luận và không ai có bằng chứng ngoại trừ người trong gia đình họ Hoàng.

THỜI THẮT CÀ VẠT NÓI CHUYỆN LOBBY

Khi chính phủ Hoa kỳ xoay chiều về đối thoại nhiều hơn là sử dụng vũ lực, "Mặt Trận" cũng vội vã đổi thành "Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng", hay còn gọi tắt là Việt Tân, và gọi là "chủ trương tranh đấu bất bạo động". Bắt đầu từ thời thập niên 90, họ bỏ qua những ông già, hay những người thuộc thế hệ cũ, chiêu mộ người mới trẻ trung hơn, bằng cấp hơn và nói chuyện "trí thức" hơn. Họ bắt đầu đưa người vào nhiều tổ chức khác trong cộng đồng, dù chỉ là hội đồng hương, hay thuần túy là những tổ chức xã hội, rồi thậm chí cả những văn phòng của dân biểu (mặc dù kẻ làm việc lúc đó không bao giờ thừa nhận là VT) tạo ra hình ảnh thế lực của Việt Tân bao trùm cả cộng đồng. Nhưng rồi khi họ có mặt torng các tổ chức nói trên, thì sự phân hóa của tổ chức đó cũng bắt đầu theo tỷ lệ thuận, một hội đồng hương bị chẻ làm hai, làm ba, một tổ chức tôn giáo cũng phân hóa thành 2,3 nhóm, thậm chí nay cái gọi là ban đại diện cộng đồng thì cũng bị phân hóa thành 2,3 ban đại diện.

Tổ chức tổng hội sinh viên từ thập niên 80 được xem là trong sáng, sinh hoạt lành mạnh, nhưng kể từ đầu thập niên 2,000 trở về sau này, tổng hội sinh viên đã không còn là tổ chức được nhiều người yêu mến, các đời chủ tịch tổng hội đều bác bỏ họ là thành viên của Việt Tân, nhưng khi rời khỏi Tổng Hội sinh viên một thời gian thì người ta lại thấy họ chính thức là thành viên của Việt Tân, từ Nguyễn Văn Phú cho đến Lý Vĩnh Phong. Và tiêu cực cũng xảy ra, tiền bạc lem nhem, thậm chí có những cô cậu đã bị bắt về các tội biển thủ công quỹ, hay lem nhem tình ái với nhiều người và bị kiện về tội xâm phạm tình dục, một điều mà kể từ thập niên 80 chưa bao giờ xảy ra.

Bắt đầu từ 2003, khi phong trào dân chủ trong nước trở nên mạnh mẽ hơn, thì VT cũng bắt đầu mon men đến những nhân vật trong nước, phỏng vấn, tài trợ, tất cả đều với danh nghĩa " đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền". Mạnh bạo hơn, họ biết rõ những lắc léo của luật về ngoại giao, nên lâu lâu lại có chiêu thức gọi là "bị bắt tại phi trường' khi nhập cảnh Việt Nam, theo luật họ sẽ bị giam tối đa là 4 tháng, tuy nhiên nếu là công dân Hoa Kỳ, họ sẽ được đối xữ khác hơn với những người là công dân Việt Nam ở Việt Nam. Tuy luật là như vậy nhưng thông thường chỉ vài ngày, hoặc vài tuần là họ được thả ra như trường hợp của Mai Hữu Bảo, Nguyễn Quốc Quân. Thế là những nhân vật này lại trở thành "anh hùng" trong mắt của cộng đồng, trò này dường như đã bị phía Hoa Kỳ và Việt Nam biết rõ, nên hầu như vài năm trở lại đây họ không còn sử dụng nữa.

Bên cạnh đó là mở cái gọi là " lớp huấn luyện đào tạo" ở Thái Lan - Cam Bốt - Singapore, để chiêu mộ những người trong Việt Nam. Rồi đem hình ảnh của những dân biểu Hoa kỳ như Loretta Sanchez, hay John McCain để cho thấy "tầm ảnh hưởng" của họ với chính trường Hoa kỳ, thế là nhiều người trong VN tin ngay, tất cả đều có niềm tin rằng lỡ có bị bắt độ vài năm sẽ được thả ra, và sẽ có cơ hội lớn hơn bên ngoài nước Việt Nam.

Tôi gọi là thời "thắt cà vạt nói chuyện lobby" là vì họ không còn dám bạo động, hay có những trò như thập niên 70,80. Mà chỉ tạo ra một thứ huyền thoại khác, rằng họ đang có sự "ủng hộ ngầm" của chính phủ Hoa kỳ, dùng họ như một thứ đòn bẩy để thương thuyết với chính quyền CSVN. Kể từ thời chiến tranh VN kết thúc đến nay, nhiều người Việt Nam vẫn còn tâm lý ông Hoa kỳ luôn dùng chiêu thức gọi là cây gậy và cũ cà rốt, do đó việc dùng họ làm cây gậy đối với CSVN vẫn còn rất nhiều người tin.

KẾT LUẬN.

Cuốn phim Terror In Little Sai Gon dường như muốn ám chỉ tất cả những hành động tàn ác là do "Mặt Trận" làm, nhưng không có bằng chứng nào rõ rệt, tuy nhiên cuốn phim đã gây phản ứng ngược trong cộng đồng, vì người làm phim đã quá chú trọng vào sự kiện, mà bỏ qua những yếu tố khác về bối cảnh, thời gian, tâm tình của những người Việt sinh sống ở Hoa kỳ, khiến cho nhiều người cũng giống như tôi, cảm nhận cuốn phim đang mang một hình ảnh tiêu cực cho cộng đồng.

Bên cạnh đó là tổ chức chính trị Việt Tân, vẫn còn nhiều vấn đề trong quá khứ, với những gian dối (vụ ông Hoàng Cơ Minh chết), cách ứng xữ với chính những chiến hữu của họ, vấn đề quyên góp tiền bạc, không được giải quyết một cách rốt ráo hay thuyết phục, đã trở thành lực cản cho hoạt động của tổ chức này trong hiện tại và kể cả tương lai.

Đối với các anh em tranh đấu xã hội dân chủ trong nước, tôi không biết các anh em cảm nhận về tổ chức này như thế nào, nhưng ngay trong cộng đồng tôi sinh sống, thì họ không ảnh hưởng lớn gì về chính trị dòng chính ở Hoa Kỳ, hiện nay trên dưới 20 dân cử gốc Việt ở khắp Hoa Kỳ, kể cả những người có chức vị cao nhất cho đến thấp nhất, đều không phải là người của Việt Tân, thậm chí họ hoàn toàn tránh né không muốn có liên hệ gì đến Việt Tân.

Tuy nhiên dù không ưa, không thích Việt Tân, nhưng họ vẫn là một tổ chức hiện hữu trong cộng đồng và với một số tổ chức dân sự xã hội trong nước, do đó với tôi cũng không thích có thành kiến gì với Việt Tân, họ có hướng đi của họ, còn họ chinh phục được quần chúng hay có uy tín hay không, lại là một việc khác. Với tôi riêng trong cộng đồng Việt Nam, Việt Tân có làm nhiều việc tốt nhưng cũng có nhiều điều gây hại cho cộng đồng, và điều mà tôi cảm nhận được từ Việt Tân, điểm cuối cùng của họ cũng chỉ muốn được trở thành một đảng đối lập ở Việt Nam, để dành quyền quản lý đất nước, chứ không phải là một tổ chức tranh đấu cho bất công xã hội, tất cả những gì họ đang tranh đấu hiện nay, chỉ là phương tiện cho cái đích cuối cùng mà họ mong muốn, hơn nữa cái kiểu "gia đình trị họ Hoàng" cũng không thích hợp với cá nhân tôi và bạn bè, chấm hết.