Ngày 6 Tháng 5, 2015 | 04:21 PM

GiadinhNet - Trước “cơn bão” tẩy chay bất thường đối với sản phẩm đồ uống của Cty Tân Hiệp Phát (THP), trao đổi với phóng viên GĐ&XH, Luật sư Lê Văn Thiệp- Trưởng văn phòng Luật sư Toàn Cầu, Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng đã có người đứng sau giật dây các fanpage này để thực hiện ý đồ xấu.
Có thể xử lý theo Điều 258

PV: Hiện nay, lợi dụng vụ việc vi phạm pháp luật của Võ Văn Minh, trên mạng xã hội lập các fanpage, bôi xấu, kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của THP, dưới góc nhìn của luật sư, có việc các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh đứng sau giật dây không? Và nếu có thì sẽ bị xử phạt như thế nào?

LS Lê Văn Thiệp: Về cơ bản, nếu như việc thành lập diễn đàn trên mạng xã hội để thực hiện các hành vi như là kêu gọi tẩy chay hay thực hiện các việc khác khi chưa có quyết định của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, chưa có bản án quyết định có hiệu lực của tòa án về việc đúng sai thì hành vi ấy đương nhiên là pháp luật cấm.

Hành vi lập fanpage kêu gọi tẩy chay đấy nếu như gây hậu quả nghiêm trọng và THP có thể tố cáo ra cơ quan công an thì đây là lợi dụng quyền tự do dân chủ quy định tại điều 258 Bộ luật Hình sự vì nó đã làm tổn hại đến lợi ích, danh dự, nhân phẩm của người khác chứ không thể có chuyện anh thích làm gì thì làm.


Luật sư Lê Văn Thiệp- Trưởng văn phòng luật sư Tòan Cầu - Đoàn luật sư Hà Nội

Anh không có bằng chứng gì chứng mình rằng sản phẩm đó xấu hay tốt thì không thể đem cảm tính cá nhân vào làm việc, bức xúc hay việc này việc kia, hành vi nào nó cũng được tách biệt chứ không phải cảm tính.

Không thể có chuyện anh lập ra xong kêu gọi tẩy chay người ta, nhưng ngày mai không có kết luận nào rằng sản phẩm của họ có vấn đề thì đương nhiên anh phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Cơ quản bảo vệ pháp luật có thể căn cứ trên doanh số, các thuế đầu vào đầu ra mà doanh nghiệp đã nộp ở các tháng trước để chứng minh rằng việc đó là do anh làm thiệt hại. Ngoài việc phải bồi thường về vật chất thì còn có thể bị khởi tố hình sự, anh có quyền tự do nhưng quyền tự do của người này chính là nghĩa vụ đối với người khác.

Trong trường hợp này thì khẳng định việc doanh nghiệp có đứng đằng sau hay không là do THP có thể tố cáo tới các cơ quan có thẩm quyền như cơ quan an ninh điều tra, vv… để truy tìm ra cái nguồn gốc đó và yêu cầu khởi kiện để yêu cầu đòi bồi thường nếu như không có dấu hiệu hình sự. Nhưng về cơ bản nếu có dấu hiệu giật dây để làm các việc này việc khác thì chắc chắn có dấu hiệu hình sự thì cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan cảnh sát điều tra hoặc an ninh điều tra sẽ khởi tố vụ án. Trên cơ sở kết quả điều tra được xác định đúng bị can sau đó khởi tố bị can, điều tra rồi xét xử bình thường.

Hành vi đặc biệt nghiêm trọng

Nếu có hiện tượng đó (tổ chức, cá nhân đứng sau giật dây fanpage kêu gọi tẩy chay) ở đây, nạn nhân cần phải làm gì? Cơ quan, tổ chức nào của Nhà nước chịu trách nhiệm đứng ra xử lý trước tiên nếu nạn nhân là nhà sản xuất kêu cứu?


Dây chuyền hiện đại, khép kín của nhà sản xuất THP

Về cơ bản thì trong trường hợp này là một hiện tượng tương đối mới. Hơn nữa nhu cầu điều chỉnh pháp luật đối với các quan hệ xã hội này không phải lúc nào cũng thường trực. Cụ thể trong trường hợp này thì nạn nhân bị bêu xấu, bị kêu gọi tẩy chay là THP có thể yêu cầu các cơ quan quản lí về truyền thông, Bộ Thông tin truyền thông hoặc là Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch, hay là tất cả các cơ quan liên quan để yêu cầu ngăn chặn.

Nhà sản xuất cũng có quyền tố cáo ra cơ quan công an để yêu cầu khởi tố vụ án, khởi tố bị can nếu như xác định rõ các hành vi phạm tội của tổ chức, cá nhân điều hành fanpage. Nếu như phát hiện các doanh nghiệp khác mà có cạnh tranh thì cá nhân đứng đầu doanh nghiệp hoặc ai là người chủ mưu thực hiện hành vi này có thể bị xử lý hình sự, còn doanh nghiệp đó có thể bị xử lý về việc cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của Luật Cạnh tranh.

Tới đây, nếu khi vụ án Võ Văn Minh được đưa ra xét xử, giả sử nhà sản xuất là THP có đề nghị hoặc có đơn yêu cầu xin giảm án cho Minh thì có được coi là tình tiết giảm nhẹ cho Minh không?

Cơ bản các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại khoản 1 điều 46 Bộ luật Hình sự. Nếu trong trường hợp này không phải khởi tố theo yêu cầu người bị hại quy định ở Điều 105 của Bộ luật Tố tụng hình sự, tức là chỉ có một số nhóm tội nhất định như là tội hiếp dâm, hay là tội hủy hoại tài sản, hay tội làm nhục người khác vv…., nó chỉ có một vài tội nhất định chứ không phải tội danh nào cũng được làm đơn xin giảm nhẹ tội, cái này chỉ là một tình tiết để xem xét nhưng không được quy định trong Bộ luật Hình sự ở Khoản 1 điều 46, nếu có thì được quy định ở Khoản 2, điều 46 Bộ luật Hình sự. Tức là toà án cân nhắc để tự thực hiện việc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị Võ Văn Minh.

Khoản 4, điều 135 Bộ luật Hình sự quy định là từ 500 triệu đồng trở lên là đặc biệt nghiêm trọng. Một chai nước với mấy ngàn đồng nhưng để gây tác động tâm lý, anh yêu cầu người ta trả cho anh 500 triệu, anh nhận thức thế nào về hành vi của mình, nếu như anh chỉ cần thông báo thôi mà anh không đòi cái gì cả, nhà sản xuất nói cho anh 500 triệu thì đó lại là quan hệ ngược lại, đằng này anh ép người ta số tiền quá lớn và vô cùng phi lý là hành vi không thể chấp nhận được.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Liên quan đến hành vi phạm pháp quả tang của anh Võ Văn Minh, nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là một vụ việc dân sự. Tuy nhiên, theo luật sư Lê Văn Thiệp thì vụ việc trên có yếu tố hình sự rõ ràng. “Trừ khi người ta thông báo trên báo chí rằng đã đưa ra lời đề nghị giao kết hợp đồng về việc giao dịch dân sự là bất kể ai nhìn thấy một chai nước của chúng tôi bị cái a cái b thì chúng tôi sẽ trả bằng này tiền thì hoàn toàn bình thường, đó mới gọi là dân sự. Tự nguyện ở đây phải là chủ sở hữu tài sản người ta có đồng ý hay không chứ” - luật sư Thiệp khẳng định.
Vũ Trà Giang/Báo Gia đình & Xã hội