February 9 at 4:26am

Chuyện cười ra nước mắt về những đại biểu quốc hội Trần Tiến Cảnh, Nguyễn Bá Thuyền, Nguyễn Minh Hồng, Hoàng Hữu Phước, Đỗ Văn Đương… đặt ra câu hỏi: Tại sao những con người như thế, với tầm hiểu biết và tư duy như thế lại có thể lọt vào ngồi ghế quốc hội? Lỗ thủng này do cơ chế “đảng cử”, do quá trình hiệp thương “cơ cấu”, hay tại cử tri?

Đành rằng, xưa nay kết cuộc luôn diễn ra theo sự sắp đặt từ bàn tay của “một người hoặc một nhóm người tiến hành trong vòng bí mật” (lời ông Nguyễn Đình Hương, cựu Phó trưởng ban tổ chức trung ương). Tuy nhiên, cũng không thể không nói đến ý thức công dân, sự đại khái qua loa từ chính mỗi người dân khi tham gia chọn nhân vật đại diện cho mình.

Không ít người mãi sau này, khi thấy những Trần Tiến Cảnh, Nguyễn Bá Thuyền, Nguyễn Minh Hồng, Hoàng Hữu Phước, Đỗ Văn Đương... “xuất trận” vung tay múa lưỡi trên nghị trường mới tá hỏa, rồi tự vấn rằng: vì sao mình lại bỏ phiếu cho họ?

Sự dễ dãi, chiếu lệ đã tạo nên những cuộc bầu cử hình thức. Ít thấy ai chịu khó đọc tiểu sử ứng viên trước khi bầu. Tình trạng bầu đại, gạch đại cho xong, một người bầu hộ cả nhà vẫn khá phổ biến. Dân tình, khi cầm lá phiếu trên tay, đa phần vẫn chỉ coi việc bầu cử là nghĩa vụ, đi bầu cho xong trách nhiệm, chứ không phải đi bầu để chọn lựa ai? Thậm chí, có người còn không nhớ mình đã gạch ai chọn ai trong lá phiếu vừa bỏ vào thùng.

Nói vậy để thấy rằng, người Việt có lẽ còn chưa biết cách bầu cử.

Vì thế, nhiều khi cái “tội” trao quyền cho những kẻ dở hơi, hoang tưởng, dốt nát vào ngồi chễm chệ trong cái ghế hội đồng này đại biểu kia là lỗi ở chính người dân, ở ý thức dễ dãi, hời hợt của chính cử tri, chứ không hẳn ở phía “đảng cử”.

Nếu ý thức được, làm chủ được lá phiếu khi bầu, tôi tin sẽ hạn chế rất nhiều những loại nghị rau muống, hoang tưởng đầu đất sét này.
Chê bai, thậm chí khinh ghét những Nguyễn Minh Hồng, Hoàng Hữu Phước, Trần Tiến Cảnh, Nguyễn Bá Thuyền, Đỗ Văn Đương... Đúng. Thậm chí những bức xúc, phản ứng cực đoan, quá đà cũng là điều dễ cảm thông, dễ chia sẻ.

Nhưng tại sao không nghĩ cách chen vào ngồi thay họ? Vẫn còn đâu đó nhiều nơi nhiều lúc nhiều người nhiều cách nhìn thiếu thiện cảm với ứng viên tự do. Không ít người tự ứng cử bị xem là dở hơi, chập mạch, hãnh tiến, hoang tưởng.

Chính cách nhìn nhận này đã hạn chế, khiến không ít người tâm huyết tài năng tỏ ra e dè không sốt sắng mặn mà với việc tự ứng.

Muốn hạn chế, muốn loại đẩy dần những Nguyễn Minh Hồng, Hoàng Hữu Phước, Trần Tiến Cảnh, Nguyễn Bá Thuyền, Đỗ Văn Đương... khỏi quốc hội, phải tìm những ứng viên khác thay. Điều này không khó. Ứng viên không thiếu. Chỉ thiếu ở phương cách khích lệ, gạt bỏ được thái độ e dè, thổi bùng được thái độ dũng cảm dấn thân của những nhân vật tài năng, tâm huyết.

Sẽ có người lắc đầu ngay khi cho rằng “đảng cử dân bầu”. Ừ, cứ cho là vậy đi. Nhưng một người, hai người, mười người, một trăm người chẳng lẽ không «chen» vào được vài người sao?

Tự ứng cử (ứng cử tự do) là phương thức chính trị can dự tích cực. Thay vì đứng ngoài để nhìn xét, chỉ trích, hãy tìm cách nhảy vào can dự. Người Việt, tập tính Việt cho đến nay vẫn chưa quen với phương thức này.

Đã đến lúc phải làm một điều gì đó, tạo cú huých thay chuyển thật sự cho các cuộc dân bầu.

Tại sao không phát động nhằm thổi bùng lên một chiến dịch ứng cử tự do rầm rộ? Một người, hai người, mười người, một trăm người, vài trăm người… Tôi tin tình hình sẽ khác, rất khác!

Bài viết thể hiện quan điểm của nhà báo Trương Duy Nhất - Một góc nhìn khác cách đây 4 năm.