QUỐC TOẢN (THỰC HIỆN)
09/03/16 07:16

(GDVN) - PGS.TS Hoàng Ngọc Giao: "Nếu công tác bầu cử thật sự bình đẳng, tôi tin những người tự ứng cử nếu không trúng cử, thì họ cũng tâm phục, khẩu phục".

LTS: Xu hướng tự ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Vấn đề đặt ra là phải tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữ những người được đề cử và những người tự ứng cử.

Để làm rõ vấn đề này, hôm 8/3, phóng viên Báo điện tử Giáo đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng viện nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển (trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam).

Minh bạch trong bầu cử

PV: Ông nhận định như thế nào về xu hướng tự ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV?

PGS.TS Hoàng Ngọc Giao: Cá nhân tôi cảm thấy phấn khởi, bởi bầu không khí chính trị của chúng ta đã cởi mở hơn trước rất nhiều.


Ông Lê Văn Cuông: Dân biểu bây giờ thiếu nhất là...bản lĩnh!

Đây cũng là điều đáng mừng cho đất nước bởi trong bối cảnh chính trị hiện nay, người dân có vẻ nhìn nhận tích cực hơn về môi trường dân chủ đặc biệt trong bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Điều này cũng tạo nên sự tin tưởng nhất định trong lòng nhân dân, bởi lẽ từ đây họ có thể tham gia sâu hơn vào những công việc của đất nước bằng việc đứng ra tự ứng cử.

Tiếp đó là sự trưởng thành về mặt nhận thức chính trị của người dân. Họ ý thức được trách nhiệm công dân, và mong muốn đóng góp vào công cuộc phát triển chung của đất nước.

Do đó, Đảng, Nhà nước cần tạo điều kiện hết mức, ủng hộ những người tự ứng cử, để họ được tham gia vào một cuộc bầu cử minh bạch, bình đẳng như các ứng viên được đề cử.

Ông có thể nói rõ hơn vấn đề bình đẳng, minh bạch trong bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa tới?

PGS.TS Hoàng Ngọc Giao: Vấn đề minh bạch, bình đẳng trong bầu cử Đại biểu Quốc hội cũng là điều làm tôi hết sức băn khoăn.

Liệu những người tự ứng cử có được đối xử bình đẳng như những người được đề cử không?


Bình minh im tiếng, hoàng hôn lắm mồm

Do đó, trong cuộc bầu cử sắp tới, có lẽ cơ quan thực hiện công tác bầu cử cần làm hết sức mình, thể hiện rõ cho người dân thấy cuộc bầu cử này hoàn toàn công khai, bình đẳng, minh bạch trong tất cả các vấn đề, từ câu chuyện tiếp xúc cử tri đến chuyện tạo điều kiện cho các ứng viên đưa ra thuyết trình tranh cử, rồi việc sắp xếp khu vực bầu cử…

Những khóa bầu cử Đại biểu Quốc hội trước đó không phải không có những chuyện những người tự ứng cử không được ủng hộ nhiều vì họ được bố trí vào những khu vực bỏ phiếu có thể không có lợi.

Trong khi đó, một bộ phận người dân vẫn còn quan niệm rằng, nên bỏ phiếu cho những người có chức to (người được đề cử) mà chưa chú ý nhiều tới các hoạt động xã hội của những người tự ứng cử trước đó.

Do đó, cần có sự bình đẳng từ khâu tiếp xúc cử tri, tạo điều kiện cho các ứng viên tự ứng cử được thuyết trình để thể hiện quan điểm của mình khi ứng cử Đại biểu Quốc hội...


PGS.TS Hoàng Ngọc Giao (ảnh: Hoàng Lực/giaoduc.net.vn).

Do vậy yếu tố bình đẳng giữa các ứng viên tự ứng cử và các ứng viên do Đảng cử là yếu tố quan trọng.

Nếu làm tốt khâu này, sẽ khích lệ được người dân tham gia vào công tác quản lý Nhà nước, tạo nên một khí thế dân chủ hơn trong xã hội của chúng ta. Điều này chỉ có tốt chứ không xấu.

Mặt khác, nếu thật sự bình đẳng trong công tác bầu cử, tôi tin rằng những người tự ứng cử nếu không trúng cử trong khóa tới, thì họ cũng tâm phục, khẩu phục. Và cử tri cũng cảm thấy họ chưa đủ điều kiện để gánh vác công việc của đất nước. Chuyện đó là bình thường.

Tiếp đó, cần có thiết chế giám sát chặt chẽ việc bỏ phiếu, kiểm phiếu. Từ trước đến nay việc giám sát đôi khi còn mang tính hình thức. Cũng là các tổ chức xã hội, quần chúng tham gia giám sát, tuy nhiên, việc thực hiện quyền giám sát đặc biệt là vai trò của báo chí trong vấn đề này chưa thật sự rõ nét...

Cơ cấu là cần thiết nhưng...

Theo ông vấn đề cơ cấu ảnh hưởng như thế nào tới chất lượng Đại biểu Quốc hội?

PGS.TS Hoàng Ngọc Giao: Cơ chế Đảng cử dân bầu hiện hữu trong hệ thống bầu cử của chúng ta nhiều năm nay.

Do đó, nhiều khi người dân cũng không quan tâm lắm đến chuyện bầu cử. Điều này dẫn đến tình trạng trong một gia đình, người ta sẽ đưa phiếu cho một người, đại diện đi bỏ phiếu. Đó là thể hiện sự không quan tâm về chính trị của người dân.

Trong khi đó, ngay cả người được đề cử (nằm trong cơ cấu) có khi họ cũng chưa thể hiện được sự gắn, bó trách nhiệm của mình với cử tri.

"Có thể thấy một bất cập rất rõ, có Đại biểu đi họp cả nhiệm kỳ nhưng không có tiếng nói nào, vẫn hưởng sự đãi ngộ như nhau… Đại biểu như vậy chỉ tốn tiền của dân", ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó đoàn Đại biểu Quốc hội Thanh Hóa nói.

Do đó, trên thực tế việc Đảng cử dân bầu đôi khi có phần hạn chế tính chủ động, tích cực của người dân trong các hoạt động bầu cử.

Từ chuyện này phát sinh hiệu quả rất đáng buồn. Những người trúng cử dường như họ không cảm thấy mình thực sự được dân bầu.

Bởi lẽ người ta sẽ nghĩ rằng, việc họ trúng cử không phải sau một cuộc tranh giành lá phiếu cử tri một cách vất vả và thuyết phục vì chuyện Đảng cử dân bầu ít khi không trúng cử.

Do đó, trong quá trình hoạt động của mình, trách nhiệm của Đại biểu Quốc hội đối với cử tri rất yếu.

Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc có nhiều Đại biểu Quốc hội cả nhiệm kỳ không hề phát biểu hoặc kiến nghị các vấn đề bức xúc của xã hội.

Điều này ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động của Quốc hội.

Có ý kiến cho rằng, để tạo điều kiện cho cử tri lựa chọn ứng cử viên xứng đáng để bầu vào Quốc hội, cần tổ chức tranh cử thật sự. Quan điểm của ông về nhận định trên như thế nào?

PGS.TS Hoàng Ngọc Giao: Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm này, bởi lẽ muốn có Đại biểu chất lượng bất kể là do Đảng cử hay do người ta tự ứng cử thì việc tranh cử thật sự cần được tổ chức một cách dân chủ, ở các khu vực bầu cử, với các cấp độ khác nhau.

Nếu làm được như vậy chúng ta mới hy vọng có thêm những Đại biểu chất lượng cao.

Mặt khác, cũng cần xem lại thiết chế bầu cử hiện nay. Thử hỏi, thành phần Đại biểu dân cử đã hợp lý hay chưa?

Tôi cho rằng, hiện nay, tính đại diện nhân dân ở Quốc hội chưa ổn. Trong khi đó chúng ta lại đặt nặng vấn đề cơ cấu.

Tôi nêu ví dụ, một cô giáo vùng cao làm trong ngành giáo dục, như vậy cô ấy đứng ra đại diện cho nhiều tiêu chí (giáo dục, nữ giới, dân tộc thiểu số, thanh niên...).

Giả sử có một dự thảo luật ảnh hưởng tới thanh niên hay miền núi... thì cô ấy sẽ bảo vệ lợi ích bên nào?

Việc Đại biểu gánh nhiều cơ cấu như vậy là không ổn, chất lượng chưa chắc đã đảm bảo.

Do đó, Đảng, Nhà nước cần thể hiện sự bình đẳng trong công tác đại biểu, bởi lẽ chất lượng Đại biểu còn quan trọng hơn vấn đề cơ cấu…
QUỐC TOẢN (THỰC HIỆN)