Đăng ngày 15-03-2016 Sửa đổi ngày 15-03-2016 14:23


Tổng thống Nga Vladimir Putin (T) trao đổi với bộ trưởng Quốc Phòng Sergei Shoigu, điện Kremlin, Matxcơva, ngày 14/03/2016
REUTERS

Ngày 15/03/2016, vào lúc cuộc chiến bước vào năm thứ sáu, Washington và Matxcơva nắm trọn số phận của Syria và bắt buộc các phe xung khắc trong nước lẫn các đồng minh khu vực phải tuân theo luật chơi và quyền lợi của hai đại cường như thời chiến tranh lạnh.

Sau gần 6 tháng tham chiến, quân đội Nga bắt đầu triệt thoái khỏi Syria. Quyết định rút quân của tổng thống Vladimir Putin loan báo gây bất ngờ cho tất cả mọi thủ đô Tây phương lẫn Damas và Teheran.

Tổng thống Bachar al Assad chỉ được thông báo bằng điện thoại vào giờ chót theo như phát ngôn viên điện Kremly Dmitri Peskov. Trong cuộc điện đàm, tổng thống Nga giải thích với lãnh đạo Syria là không quân Nga đã chu toàn nhiệm vụ lật ngược tình thế trong cuộc chiến chống khủng bố và gây thiệt hại nặng cho đối lập võ trang.

Lãnh đạo quốc tế duy nhất mà chủ nhân điện Kremlin thảo luận về lý do rút quân là tổng thống Mỹ Barack Obama trong đêm Chủ nhật trước khi ra lệnh cho bộ Quốc Phòng Nga, vào sáng thứ Hai 14/03 triệt thoái phần lớn lực lượng viễn chinh.

Chuyên gia tình hình Trung Đông của viện nghiên cứu Mỹ Carnegie ở Washington, Joseph Bahout, nhận định : Mỹ và Nga đã nắm thế chủ động và độc tôn về hồ sơ Syria.

Thật ra thì từ ngày đầu khủng hoảng, cả Nga lẫn Mỹ đều không muốn can dự trực tiếp vào xung đột tại Syria. Tổng thống Barack Obama đã từng tuyên bố “cho rằng Mỹ đủ sức làm thay đổi cục diện là một quan điểm sai lầm”. Trong khi Hoa Kỳ do dự thì các lực lựợng nổi dậy được các nước dầu hỏa Trung Đông cung cấp vũ khí. Lần lượt xuất hiện các tổ chức thánh chiến như Mặt Trận Al Nostra, tức Al Qaida Syria và tổ chức Daech .

Tuy nhiên, chính hành động độc ác của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech chặt đầu công dân Mỹ và Tây Âu cũng như đánh chiếm phần lớn lãnh thổ Syria và Irak đã buộc Hoa Kỳ thành lập liên quân oanh kích.

Về phần Nga, trong 4 năm đầu chỉ bảo vệ chế độ Bachar al Assad về chính trị và ngoại giao. Cho đến khi Iran báo động với Nga là quân đội Syria, tuy được vệ binh Hồi Giáo Iran và Hezbollah-Liban hết lòng trợ giúp, sắp tan vỡ đến nơi, thì tổng thống Putin mới can thiệp quân sự vào cuối tháng 9/2015.

Từ khi Mỹ, Nga trực tiếp “nắm lấy ” hồ sơ Syria thì hai đại cường thảo luận riêng với nhau, rồi sau đó mới thông báo quyết định cho đại diện Liên Hiệp Quốc và các phe đồng minh của mỗi bên ở Syria. Theo nhà đối lập dân chủ Syria Haytaham Manna được AFP trích dẫn thì Mỹ và Nga ấn định một “làn ranh đỏ” và buộc các cường quốc cấp vùng phải tôn trọng .

Cụ thể, Mỹ yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ không được can thiệp vào phía bắc Syria và yêu cầu Ả Rập Xê Út không cung cấp vũ khí cho đối lập Syria. Còn Nga thì kiềm hãm Iran không được manh động.

Thật ra thì không phải Nga Mỹ muốn bắt tay nhau để chia sẻ quyền lợi bất chấp đồng minh khu vực. Theo chuyên gia địa chính trị Nga Fyodor Lukiakov, tổng biên tập tạp chí “Nga trong chính sách toàn cầu” và cũng là chủ tịch “ Ủy ban chính sách ngoại giao và quốc phòng” thì 30 năm sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, Nga và Mỹ đều nhận thấy chỉ có họ mới hợp tác được với nhau như thời còn Liên xô cũ. Đây là “trật tự mới" của thế giới hiện nay. Các nước khác, hoặc không muốn hoặc không đủ sức làm.

Lệnh ngưng bắn và hoà đàm Syria được tôn trọng và duy trì là một bằng chứng cụ thể. Tuy nhiên, chuyên gia Nga Fyodor Lukiakov cũng tỏ ra thận trọng: không phải Nga Mỹ muốn gì là được nấy, nhưng ít ra thúc đẩy các phe xung khắc chọn con đường hoà bình.

Hồi tháng 2, khi tổng thống Syria đòi “giải phóng toàn bộ lãnh thổ”, ông đã bị đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vitali Tchurkin cảnh báo: ông Bachar al Assad phải nhớ là Nga đã đầu tư một cách nghiêm túc từ chính trị, ngoại giao cho đến quân sự.

Cũng trong chiều hướng này, Joshua Landis, chuyên gia Trung Đông của đại học Oklahoma nhận định: tuy bất đồng về ý thức hệ tôn giáo và lãnh thổ giữa các phe tranh chấp rất sâu rộng, nhưng tất cả phải tuân thủ quyết định của những nhà cung cấp vũ khí cho họ tức Nga và Mỹ.