TRỌNG ÐẠT

THÁNG BA 16, 2016 VIETNAMDAILY.NEWS

Bầu cử Tổng thống Mỹ và bầu cử sơ bộ không theo lối phổ thông như nhiều nước trên thế giới mà theo cử tri đoàn nên phức tạp và khó hiểu hơn nhất là trong bầu sơ bộ. Bầu cử sơ bộ của hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa là cuộc bầu nội bộ mỗi đảng để chọn ứng cử viên Tổng thống. Thể thức bầu sơ bộ của Dân Chủ và Cộng Hòa có khác nhau, ngoài phiếu của cử tri, Dân Chủ có thêm phiếu của các siêu đại biểu (superdelegate), họ muốn bầu cho ai tùy ý.

Riêng về phía người Việt, họ có thể ảnh hưởng chút đỉnh trong cuộc bầu cử sơ bộ Tổng thống để chọn đại diện cho đảng này đảng kia nhưng trong cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra tháng 11 thì không có ảnh hưởng gì mấy. Bầu cử Tổng thống theo cử tri đoàn, người Việt đa số sinh sống tại tiểu bang Califonia và Texas, Cali (có 55 đại biểu) luôn thuộc về Dân Chủ, Texas (38 đb) luôn thuộc Cộng Hòa, dù người mình ở Cali, TX bầu cho CH hay DC thì kết quả vẫn thế.

Trước hết xin nói về Cộng Hòa. Năm nay cuộc bầu cử sơ bộ hai đảng sôi nổi hơn những kỳ bầu cử trước nhất là Cộng Hòa. Số ứng cử viên Cộng Hòa trong kỳ này rất dồi dào, tổng cộng 16 người. Coi trên đồ biểu ta thấy rất rõ bước thăng trầm của từng vị ứng cử viên (1). Đường biểu diễn qua thăm dò của các ông Pataki, Jindal, Santorum nằm bẹp dí ở dưới không ngóc đầu lên được và họ đã rút lui trong vòng từ tháng 1 tới tháng 2 vì không được ủng hộ.

Các ông Huekabee, Paul, Perry, Christie tỷ lệ thăm dò dưới 5%… đường biểu diễn không ngóc dậy được. Một số ứng cử viên nổi hơn tính từ 8-9-2015 như sau:

Tỷ phú Donald Trump 29%, Bác sĩ da đen Ben Carson 13%, Jeb Bush 9%, Ted Cruz 6%, bà Fiorina 5%

Một tháng sau vào ngày 9-10-2015 ông Trump dẫn đầu 23%, Carson thứ hai 17% Fiorina 10% Rubio 9, Cruz 6%…. trước ngày 8-11-2015 ông Ben Carson đứng nhì sau Trump, hai ông này dẫn đầu cuộc chạy đua. Ngày 6-11 Carson ngang bằng Trump người ta có cảm tưởng sẽ có thể có Tổng thống da đen thêm lần nữa nhưng sau 8-11 thì Carson tụt thang dần y như xe xuống dốc không phanh.

Tỷ phú Trump là người nổi tiếng từ lâu, thành công trong kinh doanh địa ốc, tại những cuộc bầu cử Tổng thống trước đây người ta khuyến khích ông ra tranh cử nhưng ông từ chối. Nay Trump tuyên bố vì hệ thống lãnh đạo Mỹ kém, nước Mỹ xuống dốc nên ông ra tranh cử Tổng thống để làm cho Hoa Kỳ vĩ đại trở lại, Make America Great Again. Donald Trump là người kiêu ngạo khi mang lý tưởng lớn cho rằng mình nhiều tiền, không cần danh lợi, mang tài năng ra giúp nước, cứu nước có thể vượt qua mọi thử thách để tới mục tiêu. Theo ý kiến riêng của tôi có lẽ ông ta là một người không tưởng nghĩ rằng mình là nhà tỷ phú thế lực có thể làm đổi thay nhiều cục diện chính trị, có thể lãnh đạo Hoa Kỳ theo ý mình ngoài khuôn khổ nhưng vấn đề sẽ không đơn giản như ông nghĩ.

Trump lên nhanh như diều, ông bắt đầu lên nhờ tuyên bố chống di dân lậu từ Mễ Tây Cơ, nói nước Mễ đã xuất cảng những thành phần bất hảo đầu trộm đuôi cướp sang Mỹ và sẽ xây tường ngăn chận. Lời tuyên bố nẩy lửa của nhà tỷ phú được giới trung lưu da trắng hưởng ứng ngay vì họ phải đóng thuế cho di dân lậu, nhiều người uất ức thực trạng này từ bao lâu nay không dám nói và Donald Trump đã đánh trúng tâm lý cử tri. Các chính khách không dám lên tiếng trước tệ trạng này vì sợ “mất phiếu”. Ông ta được chú ý nhờ nói thẳng, được nhiều cử tri CH tin tưởng nhưng là người khó điều khiển vì không chịu theo khuôn khổ cũ.

Nhà tỷ phú ngày càng lên cao, được coi là người dẫn đầu (frontrunner) trước hết nhờ nổ (bombastic), thứ hai cử tri tin tưởng ông là nhà kinh doanh thành công đã viết nhiều sách bán chạy nhất về doanh nghiệp họ hy vọng có thể ông sẽ đưa nền kinh tế Mỹ tới phồn thịnh, nay kinh tế Mỹ đang mất phương hướng, tăng trưởng chậm, nợ nần khủng khiếp (19 ngàn tỷ). Kế đó Trump có chính sách cứng rắn về nhiều phương diện, và sau nữa ông tự bỏ tiền tranh cử giữ được sự độc lập, không bị ảnh hưởng của những thế lực khác. Tháng 9-2015 theo thăm dò ông được 30%, tháng 10 xuống còn 25%, tháng 11 lên 35, tháng 2-2016 xuống 30 sau lên lại.

Giải thích về sự thăng tiến của nhà tỷ phú này một ký giả nói đa số các cử tri Nevada (23-2-2016) muốn một người ngoài luồng làm Tổng thống mới (they wanted an outsider to be President), người dân bất mãn với Chính phủ, với các chính khách chuyên nghiệp dối trá, nên muốn bầu một người ngoài luồng không phải là chính trị gia chuyên nghiệp. Giáo sư Chomsky (MIT) nói Trump thắng thế nhờ xã hội ngưng trệ (Breakdown of society) “người dân cảm thấy bị cô lập, bất lực, nạn nhân của những quyền lực mà họ không hiểu và không làm gì được” (people fell isolated, helpless, victim of powerful force that they do not understand and cannot influence)

Về các ứng cử viên khác thì bà Fiorina cuối tháng 9 lên được 11%, sau đó thụt lùi tới giữa tháng 2 thì không còn gì, tỷ lệ dưới 2%

Ông Jeb Bush, cựu Thống đốc tiểu bang Florida, mới đầu là ứng cử viên có vẻ sáng giá, được đảng ủng hộ, nhiều người chi tiến giúp, quĩ của ông lên rất cao, khoảng hơn trăm triệu vào tháng 2-2016. Xuất thân gia đình thế lực với cha và anh là cựu Tổng thống, Jeb Bush có nhiều điều kiện để thành công nhưng tiếc thay gió đã đổi chiều, thi đua nó cứ thua đi mãi, mặc dù chi tiền rất nhiều nhưng tỷ lệ ủng hộ ngày một giảm và sau cuộc bầu sơ bộ tại North Caronina (20-2-2016), Jeb Bush bỏ cuộc. Một ký giả nói những người đã bỏ tiền ủng hộ ông coi như mất toi hết. Một phần vì ông không có tài tranh cử, vả có lẽ người dân không muốn ông chủ tòa Bạch Ốc lại mang thêm tên Bush lần thứ ba, hai người đã là nhiều.

Ted Cruz Thượng nghị sĩ Texas, trước tháng 11 tỷ lệ thấp dưới 8% sau lên dần từ 10 tới 15 và 20 thua Trump khoảng 15 điễm trở thành người thứ hai, Rubio Thượng nghị sĩ Florida, cũng tiến dần lên từ 7, 8, 10 rồi lên 15, 20%…. Hai ông Cruz và Rubio tranh nhau chức thứ nhì (battle for second)

Trước cuộc bầu cử tại Iowa, New Hampshire tháng 2-2016 trên thực tế chỉ còn ba người Trump, Cruz và Rubio. Rubio trẻ tuổi đả phá Trump dữ dội cho biết Trump không được Đảng đề cử, chỉ có Rubio mới thắng được Dân chủ…nhưng thi đua nhưng nó cứ thua đi mãi, ngày càng xuống dốc

Về Dân chủ nói chung đơn giản hơn, số ứng cử viên chỉ có 5 người bà Hillary Clinton, các ông Sanders, Webb, O’Malley, Chafee (2). Phó Tổng thống Biden dự định ra tranh cử nhưng qua thăm dò ông đứng dưới bà Clinton và Sanders nên đã bỏ ý định, chỉ được 17% trong khi Clinton 42%, Sanders 25%.

Cuối tháng 10-2015 hai ông Webb (có vợ Việt Nam) và Chafee rút vì tỷ lệ quá thấp, đường biếu diễn cứ nằm bẹp dí, ông O’Malley rút đầu tháng 3-2016, cuối cùng chỉ còn lại bà Clinton và Sanders. Bà Clinton từ tháng 9-2015 tới tháng 3-2016 tỷ lệ trên dưới 50%, ông Sanders từ 25 tới 40%. Bà Clinton được ưu thế nhờ tỷ lệ cử tri ủng hộ cao và được đại đa số phiếu của siêu đại biểu nên thắng áp đảo Sanders.

Xin có vài hàng giới thiệu về bà Hillary Clinton, sự nghiệp chính trị của bà đi lên nhờ đức ông chồng là Tổng thống, trước hết phải thán phục tinh thần kiên trì trường kỳ kháng chiến của bà. Bà Clinton có kế hoạch y như chiến lược “Trường kỳ kháng chiến nhất định thành công” của đồng chí Đặng Xuân Khu người làng Hành Thiện. Nhưng đồng chí Khu chỉ mất 8 năm, bà Clinton đã trải qua 16 năm, gấp đôi thời gian của đồng chí Khu.

Thời kỳ còn trong tòa Bạch Ốc (1993-2001), TT Clinton đã chuẩn bị cho tương lai của bà vợ bằng cách giúp người da đen rất nhiều nhất là về cải thiện oeo phe (especially welfare reform). Bà văn sĩ da đen Toni Morrison, người đoạt giải Nobel văn chương 1993 đã ca ngợi TT Clinton “Ông là Tổng thống da đen đầu tiên của chúng tôi” (The first black President) để nhớ ơn ông. Nhiều người da đen nói “chúng tôi nhớ ơn ông mãi mãi “ we are forever grateful”, sự thực Clinton cũng chỉ lấy của chùa cho miễu chứ chẳng phải bỏ xu nào.

Năm 2001 gia đình Clinton rời tòa Bạch Ốc, Phó TT Al Gore tranh cử với Bush con thất bại, năm 2004 John Kerry tranh cử tiếp và thua Bush. Tám năm sau (2008) thời cơ đã tới, người ta quá chán Cộng Hòa, bà Clinton ra tranh cử tràn trề hy vọng thỏa niềm mơ ước thành Nữ Tổng thống đầu tiên của Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ. Thế nhưng Đảng lại không muốn gia đình Clinton trở lại tòa Bạch ốc thêm một lần nữa, họ bèn đưa một ứng cử viên da đen chính cống (Obama). Ông này vô danh không ai biết tới nhưng hốt sạch phiếu của da đen trong kỳ tranh cử sơ bộ, Hillary Clinton dù đã lấy lòng người da đen hết mình nhưng không thể nào địch nổi một ứng cử viên da đen chính hiệu con nai vàng. Thế là bà cựu đệ nhất phu nhân thất vọng tuyên bố con đường tranh cử TT coi như hết, thật là khôn tới mấy cũng không ai khôn hơn được ông Trời.

Bà Hillary Clinton nhận làm ngoại trưởng cho Obama năm 2009 và nay 8 năm nữa lại trôi qua, 8 năm trường kỳ kháng chiến. Mười sáu năm trôi qua kể từ ngày rời tòa Bạch Ốc, nay năm 2016 bà lại tiếp tục cái giấc mơ Nữ Tổng Thống đầu tiên của Mỹ Quốc, bà lại tái tranh cử và hơn phiếu ông Sanders khoảng 30% nhưng các siêu đại biểu (superdelegate) dồn 95% phiếu của họ cho Clinton nên bà đè bẹp ông Sanders với tỷ lệ gấp hai lần rưỡi (sẽ nói chi tiết sau)

Xin chúc cho bà trường kỳ kháng chiến nhất định thành công.

Trong tháng 2-2016 đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đã tổ chức bầu sơ bộ tại 4 tiểu bang: Iowa, New Hamshire, South Carolina và Nevada

Sơ lược kết quả các đợt tranh vừa qua tại các tiểu bang kể trên:

Iowa ngày 2-2-2016, phía Cộng Hòa, Cruz 27.6%, Trump 24.3%, Rubio 23.1%, Carson 9%.. Jeb Bush 2.8%

Phía Dân Chủ bà Clinton 49.9%, Sanders 49.6%

New Hampshire ngày 9-2, phía Cộng Hòa,Trump 35.3%, Kasich 15.8%, Cruz 11.7%, Bush 11%, Rubio 10%

Phía Dân Chủ Sanders 60.4%, Clinton 38%

South Carolina ngày 20-2 Cộng Hòa, Trump 32.5%, Rubio 22.5%, Cruz 22.3%, Bush 7.8%…

Phía Dân Chủ (ngày 27-2) Clinton 73.5%, Sanders 26%

Bầu cử Nevada ngày 23-2 phía Cộng Hòa, Trump 45.9%, Rubio 23.9%, Cruz 21.4%

Phía Dân Chủ ngày 20-2, Clinton 52.7%, Sanders 47.3%

Cuối tháng 2-2016 TNS Rubio công kích và kêu gọi ngăn chận Donald Trump, tuyên bố đánh bại ông ta nhưng cả hai Cruz và Rubio vẫn chỉ tranh nhau cái chức thứ nhì, vẫn bị Trump đẻ bẹp. Đảng Cộng Hòa không muốn đề cử Trump vì ông thuộc ngoài luồng (outsider) sợ khi thành Tổng thống sẽ có thể ông làm đảo lộn đường lối chính sách của Đảng.

Trump tuyên bố sẽ đem công việc từ Á châu về nhất là tại Trung Cộng, đảng Cộng Hòa trước ủng hộ Jeb Bush, khi ông này rút lui, đảng nâng đỡ Rubio nhưng ông này vẫn thảm bại. Khoảng đầu tháng 2-2016 Đảng CH ngầm ủng hộ Rubio để gạt Trump, ông này bèn cảnh cáo CH nếu họ không công bằng với ông có thể ông sẽ lập đảng thứ ba ra ứng cử độc lập.

Mặc dù bị truyền thông bôi nhọ, bị các cựu đảng viên Cộng Hòa chống đối Trump vẫn nổi bật. Khoảng 90 vị chức sắc trong đảng nguyên là Thống đốc, dân biểu…kiến nghị lên Ban tổ chức ngăn chận Trump vì ông sẽ là một mối nguy (disater) cho Đảng và cho nước Mỹ. Các ứng cử viên Cộng Hòa cũng hô hào ngăn chận Donald Trump. Sự chống đối Trump phần vì trâu buộc ghét trâu ăn, phần vì Trump tự bỏ tiền tranh cử giữ được độc lập sau này sẽ khó bảo. Mặc dù ông ta chỉ bỏ một số tiền khiêm tốn 25 triệu nhưng ngày càng được truyền thông, báo chí, TV tập trung loan truyền, Trump vẫn lên mạnh chưa có dấu hiệu gì bị sa sút. Tuy nhiên với bản tính bốc đồng có thể ông ta sẽ tự ý bỏ cuộc nếu phải đối phó những chỉ trích chống đối từ các đối thủ, từ đảng Cộng Hòa. Người ta sợ nếu thành Tổng thống, ông ta giữ được độc lập sẽ không chịu bị chi phối bởi tập thể đảng, bởi những quyền lực khác.

Năm nay 2016 hai đảng tổ chức bầu sơ bộ Siêu thứ ba (supertuesday) trên 13 tiểu bang vào ngày 1-3-2016, trong số 13 tiểu bang này có một số cả hai cùng tổ chức, có một số đảng này có, đảng kia không, hai đảng chỉ tổ chức mỗi đảng 11 tiểu bang kết quả sơ lược như sau:

Cộng Hòa:

Trump thắng 7 tiểu bang: Alabama 43%, Arkansas 33%, Georgia 39%, Massachusettes 49%, Tennessee 39%, Vermont 35%, Virginia 35%

Cruz thắng 3 tiểu bang: Texas 44%, Oklahoma 34%, Alaska 36%

Rubio thắng Minnesotas 36%

Dân Chủ:

Clinton thắng 7 tiểu bang: 71%, Virginia 64%, Alabama 78%, Massachusettes 50%, Tennessee 66%, Alaska 65%, Arkansas 66%

Sanders thắng 4 tiểu bang: Vermont 86%, Oklahoma 51%, Minnesota 61%, Colorado 58%

Ngày 8-3 Cộng Hòa tổ chức bầu sơ bộ tại 4 tiểu bang Hawaii, Idaho, Michigan, Mississippi, Dân Chủ tổ chức tại Michigan và Mississippi, sẽ tổ chức tại Idaho ngày 23-3 và Hawaii ngày 26-3.

Cộng Hòa: Trump thắng Hawaii 43%, Michigan 37%, Mississippi 47% tổng cộng nay được 460 phiếu (địa biểu)

Cộng Hòa: Trump được 460 phiếu đại biểu, Cruz 370, Rubio 160, CH cần có 1,237 phiếu để được đề cử

Dân Chủ: Clinton 766 phiếu, Sanders 551, Clinton được 465 phiếu của siêu đại biểu (superdelegate), Sanders chỉ được 25 phiếu, Tổng Cộng Clinton hiện được 1,231, Sanders được 576, cần phải có 2,383 phiếu để được đề cử

Hiện nay Trump và Clinton đẫn đầu Cộng Hòa và Dân Chủ.

Hôm 10-3 ông Chủ tịch đại diện đảng Cộng Hòa cho biét sẽ đề cử bất cứ ai thắng cử và đủ điểm trong cuộc bầu sơ bộ, ngụ ý ông Trump có thể được Đảng chấp nhận một khi ông đủ số phiếu.

Obama nói trong buổi họp báo với Thủ tướng Canada ngày 10-3, ông bác bỏ ý kiến cho rằng vì ông mà Trump lên như diều, thống đốc Lousiana Bobby Jindal nói Trump lên vì người dân cần một người có lập trường cứng rắn, chính phủ Obama yếu đuối trong bẩy năm qua, cử tri muốn một người làm cho Mỹ mạnh trở lại.

Nay Cộng Hòa tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch ngăn chận Donald Trump bằng mọi giá, không phải vì người ta sợ ông sẽ thua phiếu bà Clinton, cũng không phải vì ông sẽ là một thảm họa của nước Mỹ nhưng vì nhà tỷ phú sẽ là một người độc lập, kiêu ngạo mà Đảng sẽ khó cầm cương lèo lái. Tuy nhiên mặc dù bị các ứng cử viên Cộng Hòa, các vị chức sắc trong đảng chống đối, bị truyền thông bôi nhọ từ nhiều tháng qua, chưa thấy dấu hiệu Trump bị sa sút mà ông ta vẫn có khuynh hướng đi lên, vẫn thắng ở nhiều tiểu bang then chốt.

Ngày 15-3 tổ chức bầu cử sơ bộ năm tiểu bang lớn của Cộng Hòa và Dân Chủ, nó rất quan trọng mà người Mỹ gọi là dicisive primary day, nó y như trận đánh quyết định (decisive battle) thay đổi khúc quành của một cuộc chiến. Bầu sơ bộ sẽ diễn ra tại 5 tiểu bang lớn và nhiều phiếu:

Cộng Hòa: Ohio 55 đại biểu, Illinois 69 đb, Florida 99 đb, North Carolina 72 đb, Missouri 52 đb, theo thăm dò Trump chỉ thua Kasich vài điểm tại Ohio và dẫn đầu 4 tiểu bang còn lại. Florida và Ohio quan trọng nhất vì nếu ai thắng sẽ lấy được hết phiếu tiểu bang, winner- take -all, ba tiểu bang còn lại North Carolina, Illinois, Missouri chỉ được phiếu theo tỷ lệ. Tuần trước theo thăm dò Trump hơn Kasich 5, 6 điểm tại Ohio, những ngày gần đây Cộng Hòa nỗ lực giúp Kasich lật ngược thế cờ, tuy thế Trump vẫn còn giữ nhiều ưu thế, riêng Florida ông ta chắc ăn được 99 phiếu đại biểu.

Dân Chủ: Ohio 143 đai biểu, Illinois 156 đại biểu, Florida 214 đại biểu, North Carolina 107 đại biểu, Missouri 71 đại biểu. Bà Clinton coi như chắc ăn qua thăm dò và lại được các siêu đại biểu dồn hết phiếu.

Kết quả ngày 15-3 của Cộng Hòa như sau: Trump thắng tại Florida 46%, Illinois 39%, Missouri 40.8%, North Carolina 40%, thua Kasich tại Ohio: Trump 36%, Kasich 47%.

Nay Tổng cộng Trump được 646, Cruz về nhì 396, Rubio 169, Kasich 142.

Trước ngày15-3 Trump hơn Cruz 90 điểm nay hơn Cruz 250, khoảng cách xa hơn, Rubio bại trận bỏ cuộc, Kasich tuy thắng Ohio nhưng cầm đèn đỏ trong số 4 người.

Dân Chủ: Clinton thắng cả năm tiểu bang Florida 64%, Illinois 51%, Missouri 49.6%, North Carolina 55%, Ohio 57% Tổng cộng (chưa kể phiếu siêu đại biểu) là 1,132. Kể cả 467 phiều siêu đại biểu là 1559

Sanders Tổng cộng (chưa kể phiếu siêu đại biểu) 818. Kể cả 26 phiếu siêu đại biểu là 844.

Cộng Hòa ra sức ngăn chận đánh phá để Trump không hội đủ số phiếu cần thiết 1,237, sau đó Đảng có quyền đề cử một người mà họ muốn. Tuy nhiên chiến dịch này có thể là con dao hai lưỡi, Trump không được ăn sẽ đạp đổ như ông ta đã cảnh cáo Cộng Hòa khoảng hơn tháng trước, nếu ông ra ứng cử riêng thì CH sẽ bị chia phiếu và dọn cỗ sẵn cho Dân Chủ xơi. Trên thực tế Trump vẫn tiếp tục lên mặc dù bị ngăn chận.

Nay các bình luận chung cho thấy ông Donald Trump đảng Cộng Hòa và bà Hillary đảng Dân Chủ sẽ được đề cử làm đại diện cho hai đảng, chưa biết nhà tỷ phú hay bà cựu ngoại trưởng sẽ là Tổng thống Hoa Kỳ trong năm tới.

Thường thì cử tri, người dân hy vọng vào vị tân Tổng thống, vào những lời hứa hẹn to đùng của họ như Trump với khẩu hiệu Make America Great Again nhưng ông có làm được hay không thì thời gian sẽ trả lời.

Tám năm trước đây cử tri nô nức đi bầu cho ứng cử viên Obama, nhất là giới trẻ với hy vọng ông sẽ làm cuộc cách mạng thay đổi nước Mỹ thế mà bây giờ thì “mười voi cũng không được một bát nước xáo” !. Theo thăm dò gần đây của CNN (3), Real Clear Politics (tổng hợp) thì ông Obama vẫn còn được coi là Tổng thống tồi tệ nhất Hoa Kỳ từ sau Thế chiến tuy có đỡ hơn các ông Bush con, Nixon, Carter, người ta tiếc nếu năm 2012 bầu cho Mitt Romney thì có thể khá hơn. Về kinh tế nợ nần khủng khiếp nhất trong lịch sử (19 ngàn tỷ Mỹ kim), về hướng đi (direction of the country) thì 65% cho là trật đường rầy (wrong track) chỉ có 28% cho là đúng đường, về ngoại giao, y tế, đối ngoại, kinh tế… có khoảng 40% cho là tốt, 49% cho là tệ.

Tuy nhiên hy vọng vào tương lai thì cũng vẫn hơn.
Trọng Đạt

Cước Chú:

(1) Real Clear Politics, 2016 Republic Presidential Nomination http://www.realclearpolitics.com/epo...tion-3823.html

(2) Real Clear Politics, 2016 Democratic Presidential Nomination http://www.realclearpolitics.com/epo...tion-3824.html

(3) http://politicalticker.blogs.cnn.com...nt-since-wwii/


Tham Khảo:

Tổng hợp các trên mạng của CNN, Washington Post, New York Times, CBS….