Thứ Hai, ngày 21 tháng 3 năm 2016


Chân dung chính thức của tôi dùng cho việc ra ứng cử quốc hội

HỒ SƠ VỀ VỤ TÔI RA ỨNG CỬ HỤT QUỐC HỘI

Nguyễn Đăng Hưng

Blog Nguyễn Đăng Hưng

LỜI DẪN

Một tuần sau thời hạn tự ứng cử đại biểu quốc hội chấm dứt, tôi quyết định công bố hồ sơ này. Tôi đã ngần ngại không muốn đăng tải quá sớm, tôi không muốn làm nãn lòng những công dân Việt Nam, ý thức được quyền công dân của mình và sẳn lòng dấng thân cho việc nước. Trong thâm tâm, tôi rất ủng hộ phong trào tự ứng cử vì tôi cho rằng đây là một cuộc tập dợt thực thi dân chủ của xã hội dân sự, qui mô càng lớn thì càng tốt cho nền dân chủ Việt Nam, cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Nay danh sách chính thức của các thành viên ứng cử quốc hội đã được công bố, tôi thấy đây là thời đểm hợp lý nhất cho việc đăng tải hồ sơ này.

Phải chăng đây là một kinh nghiệm ít có, lần đầu tiên năm 2007 một Việt Kiều mới hồi hương quyết đi tự ứng cũ quốc hội.

Tôi mong hồ sơ này sẽ cung cấp thông tin hữu ích cho bạn đọc, nhất là các thành vị mới tự ứng cử Quốc hội khóa XIV, 2016.

Hồ sơ hôi dài, xin đúc kết ở đây cảm nghỉ chính về tính dân chủ trong tổ chức bầu cử quốc hội Việt Nam cho đến năm 2016 vẫn giữ y như cũ:

“Đợt bầu cử quốc hội khóa XII năm 2007 tôi đã tham gia lần đầu tiên như trên đã nói với tư cách một ứng viên, nhưng cũng với tư cách là một cử tri. Tháng 5/2007 đi bầu cử tại quận 3 TP. HCM, điều làm tôi rất đỗi nhạc nhiên là tại trạm bầu cử, ban kiểm soát không hề đòi tôi xuất trình chứng minh nhân dân (CMNN). Tôi chỉ cần xuất trình thẻ cử tri được gởi đến địa chỉ hộ khẩu của tôi, (tôi gắn bó với gia đình một người học trò cho tôi tá túc hộ khẩu). Tôi ngạc nhiên vì tại Việt Nam, ai cũng biết việc xuất trình giấy này là bắt buộc trong bất cứ tình huống nào, trong bất cứ giao dịch dân sự nào. Thế mà trong tình huống trọng đại nhất: chọn lựa người đại biểu trong cơ quan quyền lực tối cao là quốc hội, người ta lại không đòi hỏi cái giấy ấy. Tại Bỉ, ngược lại, trong giao dịch dân sự, việc xuất trình thẻ căn cước (carte d’identité, tương đương với CMNN) là rất hiếm hoi. Nhưng ngày bầu quốc hội (tôi đã đi bầu cho đến nay trên mười lần), việc này là điều tiên quyết. Tại Bỉ, tên và hình trên thẻ căn cước phải trùng hợp với trên thẻ cử tri nếu không, công dân không được bước vào phòng bỏ phiếu. Ngoài ra tôi cũng thấy tại quận 3, TP HCM, ngày bầu cử, nhiều người mang một chồng thẻ cử tri đi bầu giùm cho thân nhân vắng mặt. Việc này không nhỏ. Nó nói lên tính thiếu nghiêm túc trong việc tổ chức bầu cử và ảnh hưởng của sự lơ đễnh khó hiểu này là kết quả bầu cử sẽ có thể rất tùy tiện.

Hội nghị hiệp thương 3 để chốt lại danh sách bầu cử thực chất là một sự can thiệp tùy tiện khác, vi phạm quyền tự do ứng cử của công dân mà hiến pháp đã thừa nhận.

Ngay chữ hiệp thương cũng thiếu chính xác vì đây không phải là sự bàn bạc giữa các đối tác để đi đến thỏa thuận mà là một quyết định đơn phương và đối tượng chính, người tự ra ứng cử, không hề được tham khảo ý kiến, thực thi quyền được bảo vệ hồ sơ cá nhân. Ngày nào còn tồn tại kiểu hiệp thương này thì ngày ấy câu nói thường được nghe từ dư luận “đảng cử dân bầu” còn thể hiện phần lớn sự thật.

Việc phân bổ ứng viên về các địa bàn điện phương lại là một biện pháp tùy tiện khác. Quyền ra ứng cử của công dân cần gắn liền với quyền tự do chọn lựa địa bàn ra ứng cử.

Việc tổ dân phố bình chọn một người có được ứng cử hay không cũng là một biện pháp đi ngược lại với quyền tự do ứng cử của công dân. Ông Nguyễn Xuân Huy một cử tri năm 2007 có lý khi cho rằng “tổ dân phố không phải là một đơn vị hành chính, chỉ là một tổ chức nhân dân, thử hỏi lấy quyền gì mà cho hay không cho một người ứng cử?”. Tại Bỉ, luật bầu cử cũng có những biện pháp ngăn ngừa những ứng viên quậy phá nhiễu nhương, nhưng họ làm cách khác. Ứng viên phải có danh sách chữ ký ủng hộ hoặc của ít nhất 200 công dân lương thiện, hoặc của ít nhất ba dân biểu quốc hội khóa cũ”.

TÔI RA ỨNG CỬ HỤT ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XII NHƯ THẾ NÀO?

Phải nói là phản ứng của trên 800 đại biểu và của các phóng viên nhà báo tại đại hội Mặt Trận Tổ Quốc lần thứ VI tháng 9/2004 đã để lại cho tôi một kỷ niệm ngọt ngào khó quên. Tuy tôi không quan tâm đến quyền lực, tuy là nhà giáo, nhà khoa học thuần túy, không được chuẩn bị cho những hoạt động chính trị, những dư chấn, những phản ứng sau đó sẽ là nguồn cảm hứng, là động cơ tinh thần cho quyết định ra ứng cử quốc hội của tôi gần ba năm sau, tháng 3/2007.

Thắm thoát đã gần năm năm qua. Cũng những giờ phút này, ngày thứ sáu cuối cùng của đợt đăng ký ứng cử quốc hội (16/3/2007), tôi đã là người rất bận rộn. Tôi mới vừa từ Sài Gòn ra Hà Nội ngồi vào ghế Chủ nhiệm Hội đồng giám khảo buổi bảo vệ luận văn thạc sỹ lớp Cao học Bỉ&Việt tại ĐH Bách khoa Hà Nội mà tôi là người điều phối và tổ chức.

Tôi liên tục nhận được những cú điện thoại từ Sài Gòn, khi thì từ ban Việt kiều thành phố, khi thì từ sở nội vụ, khi thì của bạn bè đang cư ngụ tại đây. Chung qui, những cú điện thoại đều khuyến khích, hối thúc tôi hoàn thành và ký tên vào hồ sơ đăng ký để nhanh chóng gởi về Sài Gòn. Tôi đã nhắc đến việc này trong bài tôi đề cập đến chuyến đi thỉnh giảng đại học tại Tunis, thủ đô xứ Tunisie.

Không hiểu vì sao ai cũng biết tôi đang giữ trong tay một bộ hồ sơ đăng ký ứng cử quốc hội mới nhận được từ sở nội vụ TP Hồ Chí Minh hôm qua, trước khi lên máy bay ra Hà Nội. Trong bài “Phỏng vấn GS.TS Nguyễn Đăng Hưng về việc ứng cử quốc hội” do báo Vietnamnet (Người Viễn Xứ) thực hiện và đăng tải ngày 23/4/2007, xuất bản lại dưới đây, tôi đã đề cập đến những diễn tiến trước ngày tôi đăng ký ra ứng cử. Không có sự ủng hộ của đông đảo Việt kiều cư ngụ tại Sài Gòn, sự khích lệ đặc biệt của ban Việt kiều thành phố, nhất là sự ưu ái của sở nội vụ ủy ban nhân dân TP HCM thì sẽ không có quyết định ra ứng cử của tôi, nhất là tôi không thể hoàn tất thủ tục đăng ký. Trên thực tế mọi việc đã quá trễ. Tuy nhiên họ bảo, tôi chỉ cần gởi hồ sơ qua đường fax về Sài Gòn là tên tôi có trong danh sách các ứng viên chính thức.


Hình trang nhất của báo Tuổi Trè ngày tôi đến tham khảo hồ sơ ứng cử

Ngày hôm sau thứ bảy sáng thức dậy đọc báo Tuổi Trẻ tôi đã thấy hình tôi khổ lớn chụp tại sở nội vụ thành phố trong bài “Tìm những đại biểu sáng giá dại diện cho nhân dân”. Từ chỗ đứng của một nhà giáo đại học, một nhà khoa học, tôi đã tự dưng bước ra sân khấu chính trị với ánh đèn chiếu sáng từ nhiều phía! Vào văn phòng chương trình MCMC tại trường Bách khoa Hà Nội chưa kịp ngồi vào ghế là có điện thoại báo Tiền Phong tìm cách liên lạc để phóng vấn tôi, người Việt kiều đầu tiên và duy nhất ra ứng cử quốc hội. Thứ hai 19/3 tôi về Sài Gòn, ra ủy ban nhân dân quận 3, nơi tôi có hộ khẩu, trực tiếp đặt chữ ký để hoàn thành và chính thức hóa bộ hồ sơ ra ứng cử.

Nhưng việc có tên trong danh sách ra ứng cử với việc có tên trên danh sách chính thức được chính quyền chấp nhận là một chuyện khác gay go hơn nhiều. Tôi bị đặt trước những thử thách hoàn toàn mới đối với tôi, luật ứng cử quốc hội tại Việt Nam nó thế, rất phức tạp.

Trước hết tôi phải được cơ sở công tác tín nhiệm. Trường Đại học Bách khoa ư? Không được, vì tôi chỉ là giáo sư thỉnh giảng, không có biên chế. Cũng may tôi có thành lập một công ty công nghệ thông tin về thiết kế cơ khí mà tôi là giám đốc. Công ty đang có 30 nhân viên mà theo luật chỉ cần 20 người là hợp lệ. Tôi đã phải tổ một buổi bỏ phiếu tín nhiệm có mặt đại diện của Mặt Trận Tổ Quốc thành phố (MTTQ TP) tại doanh nghiệp tư nhân Hưng Việt. Mọi đã xảy ra êm thắm.


Hội nghị cử tri do công ty Hưng Việt tổ chức có đại diện của Mặt Trận TỔ Quốc TP HCM chính thức tham dự

Căng nhất và đáng ngại nhất là phải đạt được sự tín nhiệm tại tổ dân phố. Tôi mới hồi hương cư trú tại Quận 9 TP HCM chỉ có một năm nay, chưa có dịp giao lưu quen biết với ai cả, trừ người trồng cây cảnh sân vườn nhà tôi. Nhà tôi mới xây lại chơi vơi tọa lạc trong khuôn viên dành cho các giảng viên trường đại học Bách khoa TP HCM, chỉ có hai nhà mới xây trong số hàng trăm thửa đất còn hoang vắng. Tôi thử điện thoại cho người làm vườn cây cảnh mới quen và nhờ người này giúp đỡ. Rất may là ông ta rất nhiệt tình, ủng hộ tôi hết mình và hứa sẽ vận động giúp tôi. Tôi cũng chưa tự tin lắm vì sự can thiệp đơn độc này không có gì là vững chắc.

Nhưng cuối cùng tôi rất ngạc nhiên là trong buổi họp cử tri tổ dân phố, có đông đảo các cựu học trò chương trình EMMC tham dự (mà không có quyền biểu quyết), các đại diện nhân dân địa phương, các nhân sỹ hưu trí, các cán bộ lão thành có lẽ đã biết đến tôi qua tôi đâu đó, đã nhất tề phát biểu theo hướng tích cực… Và kết quả rất bất ngờ: tôi được ủng hộ 100% và ngay ngày hôm sau tin này được chính thức xác định trên báo Sài Gòn Giải Phóng.

Tôi cũng không ngờ việc ra ứng cử quốc hội của tôi đã có một tiếng vang tích cực và rộng rãi trong giới trí thức Việt kiều. Tôi nhận đươc hàng trăm thư điện tử của Việt kiều khắp nơi trên thế giới ủng hộ và khích lệ tôi. Có người (mà tôi vội vàng can ngăn) tuyên bố sẵn sàng gửi tài chính về giúp tôi trong chiến dịch tranh cử. Cũng có người, nhưng rất ít thôi, bảo tôi không nên trở thành ông nghị gật.

Tôi bắt đầu thấy hãi! Nhỡ tôi được vào danh sách chính thức sau ngày hiệp thương đợt ba và sau đó được đắt cử thì việc gì sẽ xảy ra? Tôi không thể là nghị gật và chỉ là cá nhân nhỏ bé, một đại biểu riêng rẽ, tiếng nói của tôi sẽ không có ảnh hưởng gì cho việc đổi mới cơ chế và pháp luật. Và là người đã gần tuổi 70, tình trạng trên sẽ không tốt cho sức khỏe cá nhân. Tôi quyết định thảo một chương trình hành động và liên lạc ngay với một nhà báo thân quen để thực hiện một cuộc phỏng vấn và nhân tiện công bố chương trình này. Có lẽ tôi là ứng viên duy nhất công bố chương trình hành động trước ngày danh sách ứng cử được chấp nhận. Tôi tự bảo nếu đảng cộng sản Việt Nam thấy chương trình này không có gì là nguy hiểm, khi đắt cử tôi sẽ hết mình vận động thực hiện những điều đã hứa trước với cử tri mà không phật lòng ai. Còn nếu họ thấy không hay, họ không ủng hộ, điều tôi phải chờ đợi là tên tôi sẽ không có trong danh sách cuối cùng…

Sau khi bài phỏng vấn (xem phần 2) đuợc đăng tải ngày hôm sau trên Vietnamnet-Người Viễn Xứ, tôi như trút được niềm lo âu, ung dung lên đường trở qua Bỉ, gặp lại vợ con trong dịp 15 ngày nghĩ lễ Phục sinh tại Châu Âu. Tôi dự tính qua tháng 5 sẽ trở lại Việt Nam cho kịp ngày bầu cử 20/5/2007. Nhân tiện ở Châu Âu, tôi cùng gia đình sang Bắc Phi, thực hiện chuyến đi thỉnh giảng tại Đại học kỹ thuật Tunis (Tunisie), một dự tính đã hai năm nay còn bỏ dở. Tôi dùng giờ rỗi của thời gian này để soạn thảo chương trình hành động mà tôi sẽ công khai trước công luận sau hội nghị hiệp thương III. Tôi xin công bố dưới đây tài liệu này, một tài liệu chưa bao giờ được đăng tải chính thức mà lý do nay ai cũng biết.

Khoảng trung tuần tháng tư đúng vào một ngày thứ bảy, trở về Bỉ, vào Internet gởi bài bút ký về Tunisie đăng trên Vietnamnet-Người Viễn Xứ thì cùng một lúc trên Thanh niên online, tôi đọc được tin: GS Nguyễn Đăng Hưng không có tên trên danh sách các ứng viên chính thức sau quyết định của Mặt Trận Tổ Quốc, lần hiệp thương đợt ba. Tin này cho biết thêm, theo lời bà Võ Thị Dung -Phó Chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc thành phố, đại diện ban tổ chức bầu cử tại TP HCM trả lời cho phóng viên, lý do là vì tôi là Việt kiều có hai quốc tịch.

Tôi bỏ ra nguyên ngày chủ nhật tham khảo “luật bầu cử quốc hội”, “hiến pháp Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” rồi quyết định viết ngay một đơn khiếu nại (đăng lại dưới đây trong phần phụ lục) gởi về các cơ quan chức năng thành phố và trung ương qua Internet. Tôi còn nhờ bạn bè ở Sài Gòn và Hà Nội in ra rồi đem giao đơn này cho các cơ quan chúc năng liên quan đến việc tổ chức bầu cử.

Tôi lại nhận được hàng trăm thư điện tử của bạn bè thất vọng trước việc hồ sơ ứng cử của tôi bị khước từ vào giờ phút cuối cùng, một quyết định khó hiểu. Một giáo sư Việt kiều tại Úc cho tôi hay nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt trong một bài phỏng vấn đặc biệt dành cho đài BBC đã “hoan nghênh việc người Việt ở nước ngoài có hai quốc tịch và được tham gia ứng cử ở Việt Nam”.

Ngày thứ ba tuần sau về Việt Nam tôi mới được thư trả lời chính thức của sở nội vụ thành phố, một bức thư sẽ được đăng tải sau đây.

Cho đến hôm nay, tôi vẫn chưa tiêu hóa được nội dung.

Tôi sẽ đề cập đến những dư hương sau ngày tôi ra ứng cử hụt trong phần 5 của hồ sơ này. Ở đây tôi cũng sẽ có những bình phẩm đã sâu lắng, những đúc kết đã cô đọng của hôm nay, năm năm sau sự kiện một Việt kiều ra ứng cử quốc hội Việt Nam khóa XII.
Sài Gòn ngày 18/3/2011