Luật sư Ngô Ngọc Trai
Gửi cho BBCVietnamese.com

Trong danh sách ứng viên Đại biểu Quốc hội khóa 14, Hà Nội có 48 người tự ứng cử trên tổng số 87 ứng viên, còn TP Chí Minh có 44 người tự ứng cử trong tổng số 90 người.


Một công dân, cô Mai Khôi tự ra ứng cử vào Quốc hội Việt Nam

Cơ hội thành công cho những người tự ứng cử ra sao điều này trên danh nghĩa sẽ phụ thuộc vào sự tín nhiệm của cử tri dành cho họ, song có thể hiểu khả năng thành công của ứng viên phụ thuộc vào sự chấp nhận của các cấp lãnh đạo hiện tại.

Sâu xa hơn, sự thành công của ứng viên độc lập phụ thuộc vào bước tiến mới trong nhận thức đánh giá về vai trò chính trị của họ trong tư cách là những người phản biện đối lập.

Hiện trạng đất nước

Mọi người dù là bất kỳ ai đều phải đồng ý với nhau một điều rằng xã hội Việt Nam hiện tại có quá nhiều vấn đề.

Các vấn đề như tội phạm, tham nhũng, lãng phí, chạy chọt, tai nạn, ô nhiễm, chậm phát triển, tụt hậu... khiến những người có lương tâm nhận thức không khỏi day dứt xót xa.

Không xót xa sao được trước những thông tin về số người Việt đi xuất khẩu lao động hàng năm xa gia đình hay số liệu về người Việt bán dâm ở nước ngoài.

Chúng ta cũng cay đắng trước những thông tin về chỉ số phát triển, chỉ số đáng sống, chỉ số đóng góp cho hành tinh nhân loại thỉnh thoảng xuất hiện trên báo chí mạng xã hội.

Tất cả những điều đó khiến những người có lương tri nhận thức đều rối bời không yên, thôi thúc chúng ta cần phải làm gì đó giúp thay đổi hiện trạng bi đát và tương lai u ám.

Nhiều người đã lên tiếng phản biện trên các diễn đàn chính sách hoặc báo chí mạng xã hội để rung những tiếng chuông báo động về thực trạng đất nước, nhiều người trong phạm vi công việc của mình đã làm tốt nhất những gì có thể những mong qua đó góp phần vào sự tiến bộ chung.

Và trong dịp bầu cử Quốc Hội khóa 14 này, nhiều người đã mạnh dạn ứng cử hòng đưa tiếng nói đóng góp xây dựng của mình đến được với cơ quan có quyền quyết sách tối cao, ngõ hầu tác động vào chương trình nghị sự giúp đất nước phát triển.
Nhưng rồi liệu sẽ đi đến đâu?

Quá nhiều quyền

Chúng ta đều phải đồng ý với nhau một điều rằng từ xưa đến nay Đảng Cộng sản Việt Nam và chính quyền hiện tại đã có toàn quyền trong việc sử dụng các nguồn lực quốc gia và đưa ra quyết sách phát triển mà hầu như không gặp một rào cản nào.




Vụ nổ do cưa bom tại Hà Nội hôm 19/03 làm nhiều người chết oan

Khi có toàn quyền và hầu như không gặp rào cản gì, vậy tại sao hiệu quả phát triển lại không cao? Hiệu quả phát triển không cao không thể nói là do thiếu quyền.

Vậy phải chăng hiệu quả phát triển không cao có nguyên nhân từ chính sự nhiều quyền? Nhiều quyền quá không bị kiểm soát, không bị chế ước, đó phải chăng chính là nguyên nhân khiến hiện trạng đất nước như hiện nay?

Tôi cho rằng đúng là như vậy, chính vì sự nhiều quyền không bị kiểm soát đã dẫn đến những yếu kém, sai lầm trong các quyết sách.

Vì nhiều quyền quá nên làm sai mà chẳng làm sao, quyết sách làm ra không chịu áp lực giải trình, tức là không có động lực phải đưa ra những tính toán hợp lý khoa học cho mỗi quyết sách.

Khi đó chính sách sẽ sai lệch kém chất lượng, mức độ phát triển bấp bênh phụ thuộc vào may rủi, mà rồi trong nhiều trường hợp công sức nhọc nhằn của nhân dân đổ sông đổ bể.

Ví như chính sách cho các tập đoàn kinh tế nhà nước đầu tư kinh doanh đa ngành, đây là một chính sách không hề có độ sâu, sai lầm rất thô thiển.

Chỉ vì cho đầu tư kinh doanh đa ngành nên tập đoàn nhà nước đầu tư dàn trải dẫn đến thất thoát. Năng lực quản lý yếu kém từ chính bản thân tập đoàn và từ Chính phủ dẫn đến mất kiểm soát hoạt động và thua lỗ.

Cái năng lực yếu kém trong quản lý điều hành đã không được nhìn ra như là một điều kiện tiên quyết trong việc quyết định cho phép hay không đầu tư kinh doanh đa ngành.


Lý do dân phải đưa hối lộ

Tại sao một chính sách mà cái hệ quả có thể nhìn thấy trước như vậy lại có thể được ban hành ra mà không vấp phải sự phản đối? Đó chẳng phải do nhiều quyền nên cẩu thả thiếu trách nhiệm với quyền hạn của mình là gì?

Cho nên sự nhiều quyền, toàn quyền chính là gốc rễ nguồn cơn của các vấn đề xã hội hiện nay.

Lối đi nào?

Trước hiện trạng đất nước hiện nay, để tìm ra lối đi cho Đảng và cho dân tộc chúng ta cần thành tâm thành thực với nhau.

Hiện thực không dễ chấp nhận, nhưng ở những góc khuất nào đó chúng ta đã bị hiện thực khuất phục.

Mỗi chúng ta đều là những người duy lý hiểu được trong thâm tâm mình đúng sai ra sao, sự thể thế nào.

Cho nên cái mà đất nước cần hiện nay là chỉnh sửa vấn đề nhiều quyền.

Chúng ta cần những tiếng nói phản biện của những người nằm ngoài hệ thống (nước ngoài họ gọi là phe đối lập), có tác dụng như một phanh hãm bên cạnh chân ga, giúp cho cỗ máy hệ thống chính trị vận hành trơn tru hiệu quả, tránh được những tai nạn sai lầm.

Để đất nước phát triển Đảng Cộng sản Việt Nam phải cần đến những người khác mình.



Từ trước Đảng CS đã nhận ra rồi cho nên đã khuyến khích phản biện xã hội, dành ghế cho những người ngoài Đảng và để những ứng viên độc lập tham gia Quốc hội.

Đó chẳng phải do đã nhìn thấy bất ổn từ sự tập quyền, nhiều quyền hay sao?

Đấy là hướng đi đúng song nếu tốc độ quá chậm sẽ gây ra thất bại khủng hoảng chẳng khác nào đi hướng sai.

Thực tế cho thấy tiếng nói phản biện còn yếu ớt chưa tạo ra được hiệu quả cần có, bất cập sai trái chỉ ra nhưng chẳng được tiếp thu, làm sai mà chẳng làm sao.

Có nghĩa là hệ thống chưa có được một phanh hãm tương xứng với chân ga và mức độ tập trung quyền lực vẫn còn quá lớn, vấn đề quá nhiều quyền vẫn chưa được giải quyết.

Cho nên hiện nay tiếng nói phản biện độc lập cần không chỉ ghi nhận tạo dựng mà phải được gia tăng về mức độ.

Trong tương lai cần tiến tới chấp nhận vai trò của đối lập.

Đó chính là vì lợi ích của Đảng Cộng sản và lợi ích của đất nước.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của luật sư Ngô Ngọc Trai từ công ty luật TNHH Công chính, Hà Nội.