Thứ Ba, 22/03/2016 - 06:00


Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, mạng xã hội hoạt động trong môi trường ảo, thường không có người chịu trách nhiệm, đồng thời người viết và tham gia bình luận thường cũng chỉ sử dụng biệt danh.

Ngày 21/3, GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã thay mặt Thường vụ Quốc hội đọc báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Báo chí sửa đổi.

Ông Đào Trọng Thi cho biết, qua ý kiến đề nghị xem xét đưa một số sản phẩm thông tin có tính chất báo chí như trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội vào điều chỉnh tại luật này. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị nên tiếp tục điều chỉnh các sản phẩm thông tin trên tại các văn bản dưới luật hiện hành.

Về vấn đề trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nước ta, báo chí là sản phẩm thông tin do cơ quan báo chí thực hiện. Tuy nhiên, bên cạnh báo chí còn có một số sản phẩm thông tin có tính chất báo chí do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện như đặc san, bản tin, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội.


Giáo sư Đào Trọng Thi trình bày giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Luật Báo chí sửa đổi

Các sản phẩm trên có phương thức tổ chức và quản lý hoạt động khác nhau. Cụ thể như đặc san, bản tin, trang thông tin điện tử tổng hợp là những sản phẩm thông tin do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp xuất bản, có đội ngũ biên tập, có người chịu trách nhiệm về nội dung thông tin và phải được cơ quan quản lý nhà nước về thông tin cấp giấy phép. Dự thảo Luật đã có quy định về đặc san, bản tin trong các khoản 18, 19 Điều 3; các Điều 34 và 35.

Khác với những sản phẩm trên, mạng xã hội là hệ thống thông tin cung cấp cho người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin. Mạng xã hội hoạt động trong môi trường ảo, thường không có người chịu trách nhiệm, đồng thời người viết và tham gia bình luận thường cũng chỉ sử dụng biệt danh. Hiện nay, hoạt động của mạng xã hội đang được điều chỉnh ở Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 174/2013/NĐ-CP.

Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép giữ nguyên quy định như dự thảo Luật đối với đặc san, bản tin; đồng thời bổ sung một số quy định phù hợp với đặc điểm của trang thông tin điện tử tổng hợp thể hiện tại các khoản 17 và 20 Điều 3, khoản 13 Điều 9 và Điều 36 dự thảo Luật, còn mạng xã hội để văn bản pháp luật khác điều chỉnh.

Việc bảo vệ người cung cấp thông tin cho báo chí, một số ý kiến đề nghị không nên yêu cầu tiết lộ người cung cấp thông tin cho việc điều tra xét xử tội phạm nghiêm trọng vì loại tội phạm này rất phổ biến. Quy định như dự thảo Luật sẽ gây khó khăn cho người làm báo trong việc bảo vệ nguồn tin.

Có ý kiến đề nghị bổ sung trách nhiệm của cơ quan điều tra trong việc bảo vệ người cung cấp thông tin mà báo chí, nhà báo đã cung cấp. Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật bổ sung quy định: “Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên có trách nhiệm tổ chức bảo vệ người cung cấp thông tin sau khi tên của họ được tiết lộ. Các cơ quan bảo vệ pháp luật có trách nhiệm phối hợp với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương bảo vệ người cung cấp thông tin”.

Chế độ cung cấp thông tin cho báo chí, có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể về chế độ cung cấp thông tin cho báo chí ngay tại Luật, không để Chính phủ quy định. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, vấn đề cung cấp thông tin cho báo chí gồm nhiều nội dung như người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, quyền và trách nhiệm của người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn, hoạt động phát ngôn và cung cấp thông tin định kỳ, trong trường hợp đột xuất, bất thường.

Về tuổi đảm nhiệm chức danh người đứng đầu cơ quan báo chí, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, có ý kiến cho rằng tuổi đảm nhiệm chức danh người đứng đầu cơ quan báo chí thuộc các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp nên tuân thủ quy định của pháp luật về lao động. Tuy nhiên, có ý kiến lại cho rằng có thể kéo dài độ tuổi đảm nhiệm chức danh trên tùy thuộc vào nhu cầu.

Về vấn đề trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, thực tế hiện nay có không ít người đứng đầu cơ quan báo chí sau khi về nghỉ hưu theo quy định của pháp luật về lao động vẫn có đủ sức khỏe, trí tuệ, khả năng, uy tín và được cơ quan báo chí thuộc các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp đề nghị đảm nhiệm chức danh người đứng đầu cơ quan báo chí.

“Do vậy, không nhất thiết phải quy định tuổi đảm nhiệm chức danh người đứng đầu cơ quan báo chí đối với trường hợp trên. Dự thảo Luật đã bỏ quy định này”, ông Đào Trọng Thi đại diện cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói.
Quang Phong