Đăng bởi Hai Hoang Van on Thứ Sáu, ngày 25 tháng 3 năm 2016 | 25.3.16

(VNTB) - Thủ tướng và Chủ tịch nước nếu không có “đơn xin từ chức” thì Quốc hội không thể miễn nhiệm, bãi nhiệm. Còn như nếu muốn cách chức Thủ tướng và Chủ tịch nước thì cần coi lại cả hai vị này có phải do Bộ Chính trị khóa trước đó giới thiệu hay không? Nói một cách khác, nếu phiên họp cuối cùng của Quốc hội sẽ diễn ra hôm 21-3 tới đây, vẫn kiên quyết “thay thế”, thì chỉ đúng luật khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có văn bản gửi Chủ tịch Quốc hội yêu cầu “cách chức” Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Trương Tấn Sang.

“Lãnh đạo nghỉ giữa chừng không cần viết đơn xin từ nhiệm” - Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã nói như vậy khi trả lời câu hỏi của phóng viên Tuổi Trẻ tại cuộc họp báo quốc tế (chiều 18-3) giới thiệu nội dung, chương trình kỳ họp thứ 11 của Quốc hội - kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII. Đây là một câu trả lời “không phù hợp với quy định của pháp luật”. Nôm na, đây là câu trả lời trật lất.


Hình minh họa

“Theo quy định tại điều 10 Luật tổ chức Quốc hội thì cá nhân những người giữ các chức danh đó có thể viết đơn xin từ chức, đồng thời điều 11 cũng có quy định với những người do cơ quan có thẩm quyền trình để thay thế thì không cần phải có đơn”. Ông Nguyễn Hạnh Phúc trả lời bằng viện dẫn luật như vậy.

Một lần nữa, ông Phúc đã cố tình làm sai luật. Tiếc là sau đó chưa thấy báo chí đi tìm xem vì lý do nào mà vị Tổng thư ký Quốc hội là buộc phải nói sai luật, nhằm để có thể “hợp thức hóa” chuyện chỉ định nhân sự trong bộ máy Chính phủ nhiệm kỳ mới, theo đúng chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Theo Luật, bộ máy chính phủ chỉ “giải thể” vào tháng 7-2016

“Nhiệm kỳ của Chính phủ theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chính phủ tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới thành lập Chính phủ”. Điều 3, Luật tổ chức Chính phủ đã quy định rõ như vậy.

Yêu cầu từ Bộ Chính trị về “cơ cấu nhân sự”, chỉ có thể là tham khảo. Không có bất kỳ điều luật nào buộc Chính phủ và Quốc hội phải răm rắp thực hiện. Ông Tổng bí thư phải thừa nhận thực tế ấy, vì Hiến pháp, Điều 4.3 có nhấn mạnh là “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Chắc chắn ông Tổng bí thư luôn hiểu mình cần làm gương trong việc thượng tôn pháp luật, như Điều 2, Hiến pháp: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”.

Quyền của Thủ tướng đến đâu?

Những yêu cầu của ông Tổng bí thư về “cơ cấu nhân sự” cho thấy những "mệnh lệnh" này là vi Hiến. Tiếc là Việt Nam chưa có Tòa Hiến pháp để xét xử những hành vi này. Ở đây, lỗi phần lớn đến từ người đứng đầu Chính phủ.

Quốc hội có chức năng làm luật, và Thủ tướng được trao quyền “chỉ đạo việc xây dựng các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội” (Điều 28.1.a, Luật Tổ chức Chính phủ). Đến nay, Thủ tướng đã không làm tròn trách nhiệm được giao là phải: “1. Xây dựng và trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước quyết định các biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước và xã hội, quyền con người, quyền công dân. 2. Quyết định những biện pháp cụ thể để bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước và xã hội, quyền con người, quyền công dân”. (Điều 21, Luật Tổ chức Chính phủ).

Các luật về quyền biểu tỉnh, quyền lập hội, quyền thành lập công đoàn độc lập… là những luật nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Đặc biệt, là Thủ tướng đã không tuân thủ Hiến pháp khi không xúc tiến xây dựng luật về đảng cộng sản Việt Nam. Chính sự chậm trễ này đã đưa tới việc vô hiệu hóa Điều 16, Hiến pháp: “1. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. 2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”. Đơn cử, Chỉ thị 15 của Bộ Chính trị mà tướng Phan Anh Minh của Công an TP.HCM nói đến khi muốn xử lý các đảng viên tham nhũng.

Luật Tổ chức Quốc hội có như lời ông Tổng thư ký?

Điều 10 và Điều 11 có nội dung liên quan đến Điều 8 và Điều 9.

Điều 8. Bầu các chức danh trong bộ máy nhà nước

1. Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội trong số các đại biểu Quốc hội theo danh sách đề cử chức vụ từng người của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa trước.
2. Quốc hội bầu Chủ tịch nước trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Quốc hội bầu Phó Chủ tịch nước trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Chủ tịch nước.
3. Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
4. Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Chủ tịch nước.
5. Quốc hội bầu Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo đề nghị của Chủ tịch nước.
6. Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán nhà nước, Tổng thư ký Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
7. Ngoài những người do cơ quan hoặc người có thẩm quyền quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này đề nghị, Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội quyết định danh sách những người ứng cử để bầu vào chức danh quy định tại Điều này trong trường hợp đại biểu Quốc hội ứng cử hoặc giới thiệu thêm người ứng cử.
8. Sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp”.

Điều 9. Phê chuẩn các chức danh trong bộ máy nhà nước

1. Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ theo danh sách đề cử chức vụ từng người.
2. Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
3. Quốc hội phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh theo đề nghị của Chủ tịch nước.
4. Quốc hội phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia”.

Điều 10. Việc từ chức của người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn

1. Người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn nếu vì lý do sức khoẻ hoặc vì lý do khác mà không thể thực hiện được nhiệm vụ thì có thể xin từ chức.
2. Đơn xin từ chức được gửi đến cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chức vụ đó quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 8 và Điều 9 của Luật này. Cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chức vụ đó trình Quốc hội miễn nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm tại kỳ họp Quốc hội gần nhất”.

Điều 11. Miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Quốc hội miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn quy định tại Điều 8 và Điều 9 của Luật này theo đề nghị của cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chức vụ đó”.

Như vậy, Thủ tướng và Chủ tịch nước nếu không có “đơn xin từ chức” thì Quốc hội không thể miễn nhiệm, bãi nhiệm. Còn như nếu muốn cách chức Thủ tướng và Chủ tịch nước thì cần coi lại cả hai vị này có phải do Bộ Chính trị khóa trước đó giới thiệu hay không? Nói một cách khác, nếu phiên họp cuối cùng của Quốc hội sẽ diễn ra hôm 21-3 tới đây, vẫn kiên quyết “thay thế”, thì chỉ đúng luật khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có văn bản gửi Chủ tịch Quốc hội yêu cầu “cách chức” Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Trương Tấn Sang.

Nhưng có cách chức thì cũng phải cho biết hai vị này phạm những lỗi gì chứ…
Trần Thành

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

(Việt Nam Thời Báo)