Chủ Nhật, ngày 03 tháng 4 năm 2016

Luật sư Lê Văn Luân, người tự ứng cử duy nhất tại Bắc Ninh.

TRẢ LỜI BÁO CHÍ VỀ VIỆC ỨNG CỬ

Luật sư Lê Luân - Tôi nghĩ Quốc hội như nhà đầu bếp soạn ra và thông qua các đạo luật chứ không nên như vị khách được mời đến thưởng thức một bữa ăn soạn sẵn, dù đó là tiệc cưới!

Sau khi hết hạn tiếp nhận hồ sơ, toàn quốc có trên 100 người tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV. Điều đáng mừng là những người tự ứng cử bao gồm rất nhiều thành phần, lứa tuổi. Dưới đây là bài phỏng vấn của phóng viên báo Người Hà Nội với luật sư Lê Văn Luân (Lê Luân) – người tự ứng cử duy nhất tại tỉnh Bắc Ninh.

PV: Luật sư có thể giới thiệu đôi nét về mình?

LÊ LUÂN: Tôi sinh năm 1985 tại thôn Thị Thôn, xã Hán Quả, huyện Quế Võ, Bắc Ninh. Tôi từng học tại Đại học Bách Khoa, Đại học Mỏ và Khoa luật Đại học Quốc gia Hà Nội (2006-2010). Tôi được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư năm 2014. Hiện tại, tôi làm việc tại Văn phòng luật sư Hưng Đạo Thăng Long do luật sư Nguyễn Hà Luân làm trưởng văn phòng.

Anh đã có dấu ấn gì trong hoạt động nghề luật sư?

Một số bài luận khoa học về pháp lý trong lĩnh vực dân sự, hình sự đặc biệt là lỗ hổng, mâu thuẫn bất cập trong các bộ luật của tôi gây được sự chú ý của dư luận. Tôi có sáng kiến pháp lý như Hợp đồng điều đình. Khi hành nghề, tôi bảo vệ thành công vụ án theo thủ tục tái thẩm tại Hải Phòng cho hộ gia đình nghèo 13 người; hoãn án tử tù cho Lê Văn Mạnh,...

Anh có ý định tự ứng cử khi nào?

Vào dịp Tết Bính Thân 2016.

Với mục đích nghiêm túc hay là một phép thử?

Việc tự ứng cử là thực hiện quyền của công dân nên tôi xác định với một thái độ nghiêm túc. Tuy nhiên, tôi cũng xin bổ sung thêm “Nghiêm túc là từ định tính chứ không định lượng”. Theo tôi, nếu ai đó gán cho người tự ứng cử nào đó là “không nghiêm túc” và “chỉ để thử” có thể coi là hành vi cản trở. Đối với người nghiêm túc hay không nghiêm túc (nếu có) và “chỉ để thử” thì cũng đều phải tuân thủ đúng quy trình pháp luật. Tôi cho rằng kể cả khi có người tự ứng cử coi đó là một phép thử thì cũng có thể giúp mọi người nhận ra những bất cập trong quy định để sửa đổi.

Tôi hỏi lại: Anh xác định tự ứng cử một cách nghiêm túc?

Tôi nghiêm túc.

Ngoài tham gia Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, anh có tham gia hoặc nhận được tài trợ của một tổ chức chính trị xã hội nào khác?

Không.

Anh có gặp trở ngại gì khi tự ứng cử?

Không, mọi việc đều thuận lợi.

Điều gì khiến anh tự ứng cử?

Vì Quốc hội là cơ quan lập pháp. Tuy nhiên, số lượng luật sư tham gia Quốc hội hiện nay quá ít. Trong khoảng gần 500 đại biểu Quốc Hội khóa 13 có lẽ chỉ ông Trương Trọng Nghĩa (Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) – Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh là luật sư.

Khi dự thảo luật, các Bộ, ngành đã có các chuyên gia, luật sư tham gia rồi?.

Tôi nghĩ, các Bộ, ngành là các cơ quan hành pháp của Chính phủ. Như vậy, có thể khi dự thảo, một số Bộ ngành sẽ đưa vào dự thảo những điều khoản luật có lợi cho ngành mình, ảnh hưởng đến ngành khác.

Nhưng dự thảo bất cập đó sẽ không được Quốc hội thông qua?.

Nói hơi ví von và hình ảnh thế này: Tôi nghĩ Quốc hội như nhà đầu bếp soạn ra và thông qua các đạo luật chứ không nên như vị khách được mời đến thưởng thức một bữa ăn soạn sẵn, dù đó là tiệc cưới.

Anh nghĩ sao về tỷ lệ cơ cấu?

Người tự ứng cử không có tỷ lệ nào dành cho họ là một hạn chế. Đành rằng thực tế có người tự ứng cử đã trúng cử.

Anh có dự định gì nếu trúng cử?

Nếu là đại biểu Quốc hội, tôi sẽ có thể đóng góp được vào quá trình xây dựng pháp luật một cách khoa học. Một đất nước pháp quyền cần có những đạo luật công bằng, văn minh.

Xin cảm ơn anh về cuộc phỏng vấn này.
Từ Khôi (thực hiện)