LĐO NHÓM PHÓNG VIÊN 7:7 PM, 27/04/2016



Sau khi trễ hẹn gần 1 giờ, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đã đến dự họp báo với sự chứng kiến của 200 phóng viên. Tuy nhiên, tất cả đã thất vọng bởi họp báo chỉ diễn ra chưa đầy 10 phút. Thứ trưởng Nhân tới đọc báo cáo đã viết sẵn và bỏ ra về mặc dù còn rất nhiều băn khoăn chưa được giải đáp. Thứ trưởng Nhân nói Formosa vô can.

Khoảng 20h10, sau phần phát biểu của Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, cuộc họp báo kết thúc.

20h00: Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cùng các lãnh đạo bộ TN&MT cùng các nhà khoa học bước vào hội trường. Buổi họp báo chính thức bắt đầu.



Theo Thứ trưởng Nhân cá chết hàng loạt trên diện rộng khiến cho dư luận quan tâm, khiến bất an về an ninh, đề nghị báo chí bình tĩnh, khách quan khoa học, đồng hành với cơ quan quản lý để tìm ra nguyên nhân. Bộ TNMT chủ trì phối hợp với các bộ ngành và 4 tỉnh từ hà tĩnh đến Huế. Bộ tn thành lập nhiều đoàn công tác nhiều tỉnh. Bộ Nông nghiệp cũng làm ở nhiều tỉnh.



Theo ông Nhân, đây là vấn đề phức tạp đã xảy ra nhiều nơi trên thế giới, có nước phải mất nhiều năm, mặc dù dư luận quan tâm nhưng cơ quan quản lý nhà nước phải xác định nguyên nhân. Xác định nguyên nhân phải nghiên cứu hệ thống, có phương pháp luận, phương pháp khoa học để xác định vấn đề. Hôm nay bộ TN&MTphối hợp với các bộ liên quan, có giáo sư nước ngoài từ đại học Tokyo, đã thảo luận những nghiên cứu. các cơ quan nhà khoa học đã báo cáo kết quả bước đầu và rất xác đáng. Qua ý kiến các nhà khoa học, các địa phương, đã loại trừ các nguyên nhân, thống nhất nhận định có hai nhóm nguyên nhân chính có thể gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt. Thứ nhất, do tác động của các độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và dưới biển. Thứ hai, do hiện tượng dị thường tự nhiên kết hợp với tác động con người tạo nên hiện tượng tảo dị thường.

Theo đó, nguyên nhân chính có thể gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt là do tác động của các độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và trên biển và do hiện tượng dị thường tự nhiên kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng tảo nở hoa của nước mà trên thế giới gọi là hiện tượng thủy triều đỏ.



19h52, lãnh đạo bộ TN&MT bắt đầu vào phòng họp.

19h30 họp báo vẫn chưa bắt đầu, hàng trăm phóng viên vẫn chen chân chờ đợi trong khi lãnh đạo của liên bộ chưa mở màn họp báo.

19h, hàng trăm phóng viên sau nhiều tiếng chờ đợi đã ùa vào phòng họp báo. Đây là cuộc họp báo chính thức đầu tiên của nhà chức trách Việt Nam kể từ khi xảy ra tình trạng cá chết vào đầu tháng 4.

Lúc 18h 40, sau khi cuộc họp liên Bộ kết thúc, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà thông báo lãnh đạo Bộ nghỉ giải lao 20 phút, sau thời gian giải lao sẽ tiến hành họp báo để thông báo một số nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt tại ven biển miền Trung. Lãnh đạo Bộ TNMT cũng thông báo, trong cuộc họp báo này ngoài lãnh đạo Bộ TN&MT còn có một số nhà khoa học.



Trước đó, cuộc họp kín kéo dài gần 5 tiếng với sự tham gia của liên bộ cùng nhiều nhà khoa học. Sau khi cuộc họp kín của lãnh đạo 7 bộ, kết thúc, nhiều đại biểu bắt đầu ra về.

Từ 14h chiều 27.4, tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường (Cầu Giấy, Hà Nội), đại diện của 7 bộ gồm: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Y tế, Công an, Quốc phòng cùng Viện hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam đã có cuộc họp kín về nguyên nhân cá chết.

Đầu tháng 4, cá nuôi lồng bè của người dân gần khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đồng loạt chết. Hiện tượng này sau đó lan dọc hơn 200 km bờ biển từ Kỳ Anh (Hà Tĩnh) tới Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế). Thống kê đến ngày 25.4, Hà Tĩnh có 10 tấn, Quảng Bình 25 tấn, Quảng trị 30 tấn cá biển tự nhiên chết dạt bờ.

Xác định cá chết hàng loạt tại nhiều tỉnh chưa từng xảy ra, là sự việc rất nghiêm trọng ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hai Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Trương Hòa Bình đều có chỉ đạo tập trung truy tìm nguyên nhân, thống kê số lượng cá chết để có chính sách hỗ trợ ngư dân.



Các bộ Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đều có đoàn vào khảo sát thực địa, lấy mẫu cá, mẫu nước và mẫu đất để truy tìm nguyên nhân. Ngày 25.4, những nguyên nhân bệnh dịch, động đất, tràn dầu đều bị loại trừ.

Lãnh đạo hai bộ Tài nguyên và Nông nghiệp đều khẳng định có độc tố rất mạnh từ môi trường tự nhiên là nguyên nhân gây họa. Tuy nhiên, độc tố đó là gì đến nay vẫn chưa được xác định.
Báo Lao Động liên tục cập nhật thông tin.