Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Chế Độ Chính Trị

Điều 1 Hiến pháp khẳng định nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, thống nhất có chủ quyền đầy đủ đối với toàn bộ vùng lãnh thổ.

Ai Làm Chủ Nhà Nước?

Hiến pháp cũng khẳng định nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân (điều 2). Nhân dân là toàn thể các dân tộc cùng sinh sống hòa bình trên lãnh thổ Việt Nam (điều 5). Nhân dân làm chủ nhà nước bằng cách sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân (điều 6).

Ngoài ra, Điều 8 cũng quy định rằng "Các cơ quan Nhà nước, cán bộ, viên chức Nhà nước có nghĩa vụ phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng"

Lực Lượng Lãnh Đạo Nhà Nước

Tuy nhiên, một nhà nước luôn cần một tổ chức chính trị để lãnh đạo. Xuất phát từ điều kiện lịch sử của nước Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm tư tưởng chủ đạo để lãnh đạo nhà nước và xã hội. Nói như thế không có nghĩa là Đảng là tổ chức đứng trên tất cả vì mọi hoạt động của các tổ chức Đảng đều phải tuyệt đối tuân theo pháp luật. Đây là một trong những nguyên tắc căn bản của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Đảng thể hiện vai trò lãnh đạo trực tiếp và toàn diện bằng cách bổ nhiệm, bố trí Đảng viên giữ các chức vụ chủ chốt, lãnh đạo trong Chính phủ, trong lực lượng an ninh và quân đội, trong Mặt trận Tổ quốc, trong Quốc hội, trong Tòa án và trong Viện kiểm sát. Trong cơ quan lập pháp là Quốc hội, số lượng đại biểu ngoài Đảng là 49 (chiếm 10% tổng số 493 đại biểu Quốc hội năm 2008). Tỷ lệ 10% xuất phát từ thỏa thuận nhân sự "cơ cấu đại biểu QH" bởi Đảng trong vai trò lãnh đạo.

Bên cạnh đó Mặt trận tổ quốc và công đoàn cũng là những tổ chức chính trị xã hội trong hệ thống tổ chức chính trị của Việt Nam. Các lãnh đạo Mặt trận phải là Đảng viên.

Quốc Hội

Điều 6 quy định "nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân.

Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các cơ quan khác của Nhà nước đều tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ."

Điều 7 nói "Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

Đại biểu Quốc hội bị cử tri hoặc Quốc hội bãi nhiệm và đại biểu Hội đồng nhân dân bị cử tri hoặc Hội đồng nhân dân bãi nhiệm khi đại biểu đó không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân." Ðiều 83 Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp. Quốc hội quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân. Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.[1]