Thứ Năm, ngày 05 tháng 5 năm 2016

Trường hợp 1, nếu cá chết do Formosa thải nước đúng giấy phép, thì đó là lỗi hành lang pháp lý Việt Nam. Nếu họ buộc phải khắc phục, Việt Nam rất có thể phải bồi thường, nếu theo đúng tập quán quốc tế. Trường hợp 2, nếu phát hiện lỗi ở Formosa áp dụng sai giấy phép thì luật pháp Việt Nam phải chế tài được họ phải bồi thường, hoặc họ phải phá sản.


Thảm hoạ môi trường Vũng Áng: Một tháng khủng hoảng (TS Nguyễn Sỹ Phương, CHLB Đức)

Ngư dân sẽ sống ra sao?

Khủng hoảng khởi đầu tại Vũng Áng, Hà Tĩnh. Ngày 6.4, xã Kỳ Lợi, Kỳ Anh phát hiện cá nuôi lồng bè trên biển chết hàng loạt, cá ngoài biển chết đống dạt vào bờ. Sau đó bùng phát như dịch bệnh. Cả nước chấn động tin tức, hình ảnh video dồn dập, cá chết hàng loạt khủng khiếp dọc mấy trăm cây số duyên hải từ Hà tĩnh, Quảng bình, Quảng trị, Thừa Thiên-Huế, đến ngày 29.4 tới Đà Nẵng. Tỉnh Quảng Bình nặng nhất, tới ngày 29.4, thu gom được trên 100 tấn cá chết. Mới nhất, chiều 03.05, Chi cục Thú y Thừa Thiên – Huế còn thu gom được 1,1 tấn cá nuôi chết của 23 hộ dân thôn Hải Tiến, Thuận An, Phú Vang đưa tiêu hủy.

Hàng chục ngàn ngư dân không dám ra biển, riêng Quảng Bình có 18 xã với hơn 14.000 hộ và 24.000 lao động nghề biển. Ngư dân đánh bắt vùng biển xa, cập bến, các đầu mối tiêu thụ quen từ chối mua, vì sợ rủi ro nhiễm độc. Cũng ngày 03.05, trả lời báo Giao Thông, ngư dân Vĩnh Thái, Vĩnh Linh, Quảng Trị khẳng định, gần bờ không còn cá, biển vẫn bốc mùi thối, bà con thu lưới, lừ, bẫy lên bờ phơi nắng.

Nhiễm độc người: Ở huyện Phúc Trạch, Quảng Bình, có ít nhất hơn 20 trường hợp phải tới bệnh viện tỉnh cấp cứu, vì ăn các loại hải sản nghi bị nhiễm độc. Tại Quảng Trạch khoảng 200 thực khách dự tiệc khai trương một nhà hàng bị trúng độc sau khi ăn hải sản.

Dân hoảng loạn: Đổ xô mua nước mắm, đồ khô dự trữ. Sợ ăn phải cá biển nhiễm độc, người dân chuyển sang các thực khác đẩy giá thịt heo tăng 10%. Mặt hàng nước mắm, muối, đồ khô, sức mua tăng gấp 5 lần.

Formosa và khu kinh tế Vũng Áng

Khu kinh tế này được thành lập vào tháng 4.2006 theo Quyết định số 72/2006/QĐ-TTg ngày 3.4.2006, có diện tích 22.781 ha, trên cơ sở khu công nghiệp – cảng biển Vũng Áng đã được thành lập từ năm 1997. Tập đoàn Formosa đầu tư vào đây, được thành lập năm 1954 bởi hai anh em Vương Vĩnh Khánh và Vương Vĩnh Tại có trụ sở tại Đài Loan. Theo Forbes xếp hạng, 4 công ty con đều đứng trong Top 1000 công ty đại chúng lớn nhất thế giới năm 2015. Tổng doanh thu 4 tập đoàn này đạt hơn 60 tỷ USD. Tại Việt Nam, dự án lớn nhất do Formasa nắm 95% cổ phần là khu liên hợp gang – thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án vào khoảng 10 tỷ USD, bao gồm khu liên hợp sản xuất thép, nhiệt điện và cảng nước sâu tại khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh. Tiền sử Foamasa vào 1999, họ mua chuộc quan chức Campuchia và xả 3000 tấn chất thải chứa thủy ngân ở thành phố Sihanouville. Năm 2004 và 2005 đã xảy ra hai vụ nổ của tập đoàn này (ở Mỹ) khiến 5 người chết và nhiều người bị thương. Từ 2003 đến 2013, Formosa vi phạm nhiều quy định bảo vệ môi trường bị phạt tại Mỹ với số tiền lên đến 5 triệu USD.

Formosa và ngân sách tỉnh Hà Tĩnh. 9 tháng đầu năm 2013, thuế, phí bảo vệ môi trường Formosa nộp cho Hà Tĩnh 1.299 tỷ đồng, 9 tháng đầu năm 2014 nộp cho Hà Tĩnh 492 tỷ đồng. Vậy trung bình một tháng Formosa nộp 99,5 tỷ, một năm khoảng 1200 tỷ VNĐ (khoảng 54 triệu đô la đô la một năm). Dự án có tổng diện tích hơn 3.300 ha, bao gồm cả diện tích mặt đất và mặt biển (cảng Sơn Dương), tổng số tiền cho thuê đất, mặt nước trong thời gian 70 năm là khoảng hơn 96 tỉ đồng. Một năm khoảng 1,37 tỷ đồng, (khoảng 60 nghìn đô la). Vậy Formosa nộp cho Hà Tĩnh khoảng 1/5 tổng ngân sách khoảng 6065 tỷ. Trong khi đó, với thảm hoạ môi trường, trước mắt cả tỉnh mất khoảng vài chục tỷ đô la một năm do thất thu du lịch, đánh cá vận tải, chăn nuôi thủy sản, tức gấp khoảng vài chục lần số tiền thu được.

Formasa lên tiếng trước khủng hoảng môi trường: Ngày 25.4, báo Tuổi trẻ phỏng vấn ông Chu Xuân Phàm, Trưởng văn phòng Formosa tại Hà nội, Ông Phàm trả lời thách thức: ”Hôm nay nhà nước mình muốn cho ngư dân đánh bắt ở đây hay là chọn cái nhà máy thép ở đây. Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi. Nếu chọn cả hai thì làm thủ tướng cũng không giải quyết được…”.

Nguyên nhân

Nguồn độc có khả năng lan xuống tận Phú Quốc. KS Doãn Mạnh Dũng, phó Chủ tịch – Tổng thư ký Hội Khoa học kỹ thuật và kinh tế Biển TP.HCM, giải thích (theo Người Đô Thị): Trong đặc điểm tự nhiên của bờ biển Việt Nam, do chênh lệnh nhiệt độ giữa Bắc Cực và Xích đạo, trái đất quay từ Tây sang Đông, bờ biển Trung Quốc khi xuống phía Nam thì lệch về hướng Tây nên trong 365 ngày/năm luôn luôn có dòng hải lưu tầng đáy chạy dọc bờ biển Việt Nam từ Bắc xuống Nam, nhưng mạnh nhất từ Vũng Áng – Sơn Dương, Hà Tĩnh đến mũi Cà Mau. Tốc độ dòng tầng đáy tính toán được khỏang 0.38 m/s. Về mùa đông, ảnh hưởng gió đông bắc nên có dòng chảy mặt theo hướng từ Bắc xuống Nam với tốc độ bình quân 0.757 m/s. Theo tính toán dòng chảy như trên, thì chất độc không chỉ ở 5 tỉnh miền Trung mà còn có nguy cơ lan chảy từ Hà Tĩnh xuống Phú Quốc.

Độc tố nguy hại lâu dài. Theo giáo sư Lê Huy Bá, độc tố thứ nhất phải mạnh, nhiều, tải lượng cao, nồng độ lớn thì mới có thể gây chết cá hàng loạt như thế. Những chất đó thường là chất hóa học hoặc kim loại nặng, có thể dưới dạng ion hoặc dạng axit mạnh hoặc những kim loại nặng gây chết hàng loạt như crom, niken, thủy ngân hoặc đồng, chắc chắn từ công nghiệp. Tác hại nhiễm độc rất lâu dài, bởi phụ thuộc hoàn toàn vào sự tự làm sạch của biển (detoxification). Lịch sử Nhật đã chứng minh, 30 năm sau vẫn còn bị mặc dù họ đã có biện pháp tức thời để tẩy rửa nhưng không ăn thua. Nó nằm ở trầm tích biển thì làm sao vớt lên được mà loại trừ. Cái nguy hiểm nhất là nó đi vào dây chuyền thực phẩm. Khi thực vật trôi nổi (phytoplankton) nhiễm arsen, hay crom thì trong những sinh vật phù du (plankton) sẽ ăn và tích lũy hơn rất nhiều lần. Lần lượt chim cá ăn, rồi người ăn chim cá tích lũy cao nhiều lần nữa. Hậu quả cuối cùng, con người là sinh vật tiêu thụ cao dễ bị ung thư hơn cả, nguy cơ tiềm tàng cho cả mọi thế hệ.

Thực nghiệm: Chiều 26-4, tại Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, trước sự chứng kiến của đại diện Trung tâm Quan trắc môi trường – Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh, phóng viên VTC đổ nước vàng đục lấy từ vùng biển Vũng Áng – nơi Formosa xả thải khỏi nhà máy luyện thép, bị nghi là nguyên nhân gây ra tình trạng cá chết hàng loạt – ra thau nhựa rồi cho 2 con cá đang sống khỏe vào. Sau 2 phút tung tăng, 2 con cá đuối dần rồi chết ngay đơ.

Những phát hiện

Đường ống thải. Ngày 4.6.2016, ngư dân Nguyễn Xuân Thành, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh tìm thấy một đường ống khổng lồ dài khoảng 1.5 cây số, đường kính khoảng 1.1 mét, chạy từ Formosa Vũng Áng ra biển. Đặt trên bề mặt đáy biển và được che đậy bằng các bao cát và đá hộc. Chất lỏng bơm rất mạnh từ trong lòng ống vào lòng biển có màu vàng đục, sền sệt, nặng mùi. Ông Thành báo cho Đồn Biên Phòng Đèo Ngang, thuộc Bộ Chỉ Huy Biên Phòng Hà Tĩnh. Sau khi đưa tin trên, ngư dân Nguyễn Xuân Thành đã đột nhiên rời khỏi địa phương không thể liên lạc.

Sử dụng chất độc hại. Theo báo Giao Thông, từ đầu năm 2016, Formosa đã nhập 297 tấn hoá chất độc hại để phục vụ thi công và súc rửa đường ống để chuẩn bị cho giai đoạn vận hành, không hề thông báo cho cơ quan quản lý tại địa phương theo luật định. Formosa thừa nhận nhưng giải thích do không biết quy định đó.

Thừa nhận. Người phát ngôn Formosa thừa nhận họ đã thải khoảng 12 nghìn m3 nước thải ra biển mỗi ngày thời gian qua, và khẳng định mọi mẫu nước thải do họ tự kiểm nghiệm đều đạt chuẩn. Theo một ước tính khác, với quy mô của đường ống xả thải chôn ngầm 1,5 km dưới đáy biển, có khả năng thải ra môi trường tối đa 300 nghìn m3 nước thải mỗi ngày. Nếu chứa độc chất, thì tuỳ từng loại nhưng dễ dàng gây thảm hoạ huỷ diệt một vùng biển rộng nếu độc tính cao.

Diễn biến cá chết đúng với điểm xuất phát. Diễn ra theo một lộ trình xác định bắt đầu từ Vũng Áng – Hà Tĩnh, cá bắt đầu chết lan dần ra các vùng ven biển của Quảng Bình, Quảng Trị rồi tới Huế, đúng với dòng chảy hải lưu theo bản đồ của Viện Khoa học thuỷ lợi. Vào mùa đông, dòng hải lưu ven biển Việt Nam chảy theo hướng Bắc Nam, tức là nếu từ Hà Tĩnh, nó sẽ chảy vào Quảng Bình, Quảng Trị rồi tới Huế. Thời điểm cá bắt đầu chết là đầu tháng 04/2016, lan đúng theo dòng hải lưu. Vào khoảng tháng 8, mùa hè, dòng hải lưu sẽ đổi chiều và chảy từ Nam lên phía Bắc. Rõ ràng một tỉnh nằm kề Hà Tĩnh là Nghệ An nhưng ở phía Bắc ngược hướng dòng hải lưu không hề có cá chết.

Kiểm tra nồng độ kim loại nặng. Theo VTV.vn, ngày 27/4, Sở Tài nguyên Môi trường Thừa Thiên Huế cho biết, kim loại nặng Crom có trong mẫu nước lấy từ khu vực đầm Lập An và cửa biển Lăng Cô, huyện Phú Lộc, cao gấp 9 lần mức cho phép theo quy chuẩn quốc gia.

Cơ sở pháp lý xả thải của Fomosa

Theo FB Phạm Hồng Phong, giấy phép xả thải cấp cho Formosa được áp dụng Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về nước thải công nghiệp sản xuất thép: QCVN 52: 2013/BTNMT. Formosa có công suât xả thải lên tới 45.000m3/ngày đêm. Treo quy chuẩn trên, với mức này được áp dụng ngưỡng xả thải trên 5000m3/ngày dù ở mức gấp 9 lần.

Áp dụng quy chuẩn trên, Formosa được cấp giấy phép xả thải có ngưỡng thông số: Nhiệt độ nước xả thải < 40 độ C; độ pH trong khoảng 5,5-9; Chất rắn lơ lửng: 117mg/l; Tổng dầu mỡ khoảng 11,7mg/l; Tổng phenol: 0,585mg/l; Tổng xyanua: 0,585mg/l; Ni tơ: 70,2mg/l; Thủy ngân: 0,0117mg/l. Công suất xả thải tối đa: 45,000m3/ngày đêm. Như vậy, sau khi xử lý, nước có hàm lượng dưới các ngưỡng trên được phép xả thẳng ra biển.

Trong khi đó, nếu áp dụng Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước biển QCVN 10-MT: 2015/BTNMT quy định giá trị giới hạn các thông số chất lượng nước biển, phục vụ mục đích thể thao, giải trí dưới nước, nuôi trồng thủy sản, bảo vệ môi trường biển và các mục đích khác, thì với giấy phép xả thải được cấp theo Quy chuẩn QCVN 52: 2013/BTNMT, Formosa đã xả thải ra vịnh Sơn Dương, nồng độ Xyanua cao gấp 58,5 lần, Cadimi, Crom 6+ được phép vượt quá 11,7 lần, Thủy ngân 2,34 lần, Tổng Phenol 19,5 lần, Tổng dầu mỡ khoáng 23,4 lần.

Như vậy, dù Formosa xả ra biển đúng quy định trong giấy phép, vẫn có thể gây chết hầu hết các loài thủy sinh xung quanh luồng nước thải đi qua, do vẫn vượt quá quy chuẩn QCVN 10-MT:

2015/BTNMT. Vì lưu lượng 10-40.000m3/ngày đêm là rất lớn, xả thải liên tục, cục bộ, nước biển sẽ không kịp trung hòa hết được các chất gây ô nhiễm. Đó chính là lý do tại sao Formosa khẳng định họ làm theo tất cả các quy định Việt Nam. Không phải cứ nước đã qua xử lý, đúng quy chuẩn thì đồng nghĩa với nước sạch không thể chết tôm cá được.

Trong khi đó, Fornosa hiện đang ở giai đoạn khởi động, xúc rửa đường ống, chỉ xả thải chưa đến 1/4 công suất tối đa được phép (45.000m3/ngày đêm). Nếu Formosa đi vào sản xuất thực sự và xả thải tới công suất được phép, có thể khẳng định thảm họa môi trường hiện nay sẽ kéo dài đến Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tàu thậm chí đến Cà Mau. Dù họ hoàn toàn theo đúng các quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam như trong giấy phép. Nếu dòng hải lưu biển Đông đổi chiều vào mùa hè thì vịnh Bắc bộ cũng sẽ bị ảnh hưởng cá chết sẽ lan ra khắp 3.000 km bờ biển Việt Nam. Đó thực sự sẽ là một thảm họa kinh hoàng.

Giải pháp nào cho Việt Nam và Formosa: Trường hợp 1, nếu cá chết do Formosa thải nước đúng giấy phép, thì đó là lỗi hành lang pháp lý Việt Nam. Nếu họ buộc phải khắc phục, Việt Nam rất có thể phải bồi thường, nếu theo đúng tập quán quốc tế. Trường hợp 2, nếu phát hiện lỗi ở Formosa áp dụng sai giấy phép thì luật pháp Việt Nam phải chế tài được họ phải bồi thường, hoặc họ phải phá sản. Với trường hợp 1, phía Bộ Tài nguyên Môi trường phải xem xét lại QCVN 52: 2013/BTNMT. Một Quy chuẩn của con người đưa ra không thể coi là chuẩn nếu nó giết chết môi trường sống. Nếu xảy ra trường hợp 2, cần sửa luật đủ để chế tài tự động người ký cấp giấy phép những dự án công nghệ lạc hậu, có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Để khẳng định 1 trong 2 trường hợp trên, cũng theo FB Phạm Hồng Phong không khó, chỉ cần mở van xả thải như bình thường theo giấy phép Bộ Tài nguyên môi trường đã cấp là biết ngay.

Hoạt động của các cấp lãnh đạo

Hiện khủng khoảng tỵ nạn đang diễn ra ở châu Âu cho thấy đầy đủ bản chất khủng hoảng. Nhiều luật, hiệp định liên quan, các cơ quan hành chính không thể áp dụng như bình thường, vì vậy cấp lãnh đạo cao nhất đảng và nhà nước luôn lên tiếng ứng phó suốt diễn tiến cuả nó, nhằm sửa đổi, ban hành luật thích hợp để giải quyết khủng hoảng và loại bỏ nguồn gốc phát sinh. Đòi hỏi đó cũng không ngoại lệ đối với nước ta.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng. Tại cuộc họp với các bộ, ngành và tỉnh Hà Tĩnh, ông yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngay đường dây nóng để phối hợp với địa phương thu mua toàn bộ hải sản đánh bắt xa bờ của ngư dân. Không để bất cứ một tàu thuyền nào của ngư dân có hải sản mà không tiêu thụ được.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình. Yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ thông tin về nghi vấn ống xả thải khổng lồ dưới biển Vũng Áng của Formosa.

Bộ trưởng Tài nguyên – môi trường Trần Hồng Hà. Sau chuyến kiểm tra trực tiếp Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa, ông phát biểu nhận trách nhiệm của một người đứng đầu lĩnh vực mình quản lý, khi chưa trả lời được vấn đề này trước dân, và đưa các đề xuất, như đòi “tới đây Formosa phải đưa đường ống ngầm lên“. Đề xuất đó chính nhằm đạt đích cuối cùng trong giải quyết khủng hoảng. Tuy nhiên mọi thứ đều có giá, nhất là doanh nghiệp từ những nước pháp trị, chỉ thực hiện được bằng hành lang và tranh cãi pháp lý. Tin gần nhất, liên quan tới khủng hoảng, ngày 2.5 Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc đã tiếp và làm việc Các nhà khoa học đến từ các quốc gia Đức, Mỹ, Israel.

Trấn an. Theo Zing.vn (1.5.16), ông Võ Tá Đinh – Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường cho biết sau khi có kết quả quan trắc môi trường, muốn du khách trong và ngoài tỉnh yên tâm, nên đã “xung phong“ đưa gia đình cùng nhiều cán bộ khác của Hà Tĩnh đi tắm biển, ăn hải sản ở Thiên Cầm, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Trong khi đó, theo VietTimes, đến 10h sáng 2/5, hải sản sạch chưa đến được các điểm bán trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vì còn chờ kết quả kiểm nghiệm, nhưng tại căng tin Trung tâm hành chính thành phố đã sử dụng hải sản để nấu ăn phục vụ hơn 1.000 công chức, viên chức ăn trưa. Cách xử lý tình huống này đã không hội nhập thế giới về nguyên tắc ứng phó với khủng hoảng là phòng tránh tối đa khả năng xấu nhất có thể xảy ra cho dân chúng, bởi tính mạng người dân là trên hết. Cướp nhà băng, tiệm vàng bạc, có lẽ là tình huống khủng hoảng cục bộ nguy hiểm nhất, nhưng ở Đức người dân được khuyến cáo hãy tuân thủ yêu cầu của bọn tội phạm. Chống chúng thuộc trách nhiệm nhà chức, họ chịu trách nhiệm và có phương tiện, chứ không phải người dân.

Truyền thông trong bối cảnh khủng hoảng

Ở ta đã không hội nhập quốc tế. Họ rất cần thông tin đầy đủ và nhiều chiều làm căn cứ tính toán mọi mặt cho các quyết sách đưa ra, trong đó thăm dò dư luận cực kỳ quan trọng bởi đó là ý kiến dân chúng đồng chủ nhân đất nước.

Báo Tuổi Trẻ. Chiều 28/4, báo có cuộc phỏng vấn facebook live với Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Lê Huy Bá – chuyên gia độc học môi trường & và bà Cao Thu Thủy – Viện công nghệ sinh học thực phẩm Đại học Công nghệ Tp HCM, diễn ra gần 1 giờ đồng hồ. Tuy nhiên sau 1 tiếng lên mạng thì biến mất.

Báo Dân trí. Sau khi đăng bài, loại trừ nguyên nhân “thủy triều đỏ”, làm cá chết ở miền Trung, của Hà Nguyễn lúc 19h06 ngày 28-4-2016, cũng gỡ bỏ.

Báo Giao thông. Gần nhất, bài Ngư dân Vĩnh Thái (Quảng Trị): Biển vẫn bốc mùi thối, đăng ngày 3.5.16, đã gỡ xuống.

Họp báo. Ngày 27.4, nghe tin có cuộc họp báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường lúc 19 giờ, phóng viên các báo đổ về. Tới 20 giờ Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân mới xuất hiện đọc thông cáo báo chí, và phát biểu “tôi xin khẳng định, về mặt pháp luật, Formosa vẫn hoạt động đúng theo pháp luật nước ta. Về mặt xả ra môi trường, liên quan đến hiện tượng cá chết hàng loạt ở các tỉnh ven biển miền Trung, đến nay chưa đủ căn cứ để kết luận. Tới một nữ nhà báo đặt câu hỏi: “… Chỗ có một loạt các bè cá chết, thì họ có nói trong nước kiểm nghiệm ra có kim loại nặng… vì mùa du lịch sắp tới rồi, mà cá thì…”. Ông khoát tay ra hiệu dừng lại và nói: “Tắt máy. Tắt máy nghe. Xin lỗi… Đừng hỏi câu đó. Hỏi câu đó tổn hại cho đất nước của mình. Nhá…”. Trong khi đó câu hỏi là bản năng con người tìm hiểu thế giới không thể gây hại, chỉ câu trả lời mới có thể đem lại hậu họa khôn lường, ngay cả công trình khoa học thế giới, thậm chí chống lại nhân loại như thuyết phân biệt chủng tộc của Hittler trong tác phẩm “ Mein Kampf“.

Phản ứng của người dân

Biểu tình tự phát. Tại nhiều xã huyện Quảng Trạch Quảng Bình xảy ra nhiều cuộc biểu tình phản đối Formosa từ ngày 28.4, qua cả đêm 29.4 diễn ra trên trục đường quốc lộ 1A, dựng lều bạt ngủ. Ngư dân đánh bắt cá về không bán được đổ hết ra đường quốc lộ. Từ thị xã Ba Đồn cách đầu cầu Room khoảng 20km bị ùn tắc giao thông hoàn toàn. Tại Quảng Xuân, biểu tình nổ ra tại giáo xứ Xuân Hòa, xã Quảng Xuân.

Bản tuyên bố về tội ác đầu độc biển miền Trung (trích): Trước đại nạn biển miền Trung nhiễm độc và những hệ lụy của nó, chúng tôi, những người tha thiết với vận mệnh đất nước, yêu cầu nhà cầm quyền: 1/ Thi hành mọi biện pháp hỗ trợ người dân ven biển. Tạm đình chỉ ngay việc sử dụng đường ống xả thải. 2/ Nhanh chóng đưa thủ phạm vụ đầu độc biển miền Trung ra trước pháp luật; bồi thường mọi thiệt hại. 3/ Gấp rút điều tra để trả lời câu hỏi: Vì sao Formosa, một công ty sản xuất thép với công nghệ lạc hậu lại được hưởng những ưu đãi chưa từng có? 4/ Có biện pháp kiểm soát chặt chẽ, không để Formosa thi hành việc xả thải gây ô nhiễm từ từ thay vì gây độc cấp tính như vừa qua. 5/ Sẵn sàng xoá bỏ dự án Formosa, nếu những nguy hiểm tiềm tàng mà dự án gây ra không thể triệt tiêu được. 6/ Kỷ luật các quan chức trung ương và địa phương vô trách nhiệm và có thể có tham nhũng, tiêu cực trong việc xử lý vụ đầu độc biển miền Trung. Xin mời quý ông/bà/anh/chị/em ký tên vào Tuyên bố này với tên họ, nghề nghiệp/ chức danh (nếu có), nơi cư trú, và gửi về địa chỉ: tuyenboformosa@gmail.com. (Khởi đầu 114 sỹ trí thức, cán bộ lão thành ký tên).

Biểu tình ngày 1.5.16: Nhóm vì môi trường Việt Nam đã kêu gọi trên mạng cả nước xuống đường biểu tình vào ngày 1/5/2016 với chủ đề vì môi trường trong sạch. Tại các thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quảng Bình, Nghệ An.., người dân tham gia biểu tình từ hàng chục tới hàng nghìn người. Điều đó cho thấy, biểu tình là quyền cơ bản, tức “mọi người sinh ra đều có“ dù có luật hay không. Về mặt chính trị là biểu thị quan điểm tình cảm thái độ của một bộ phận chủ nhân đất nước. Mọi nhà nước muốn hoàn thành chức năng công bộc đều rất cần nó, nên để phát huy và ngăn ngừa “vượt ngưỡng“ gây hại họ luôn tạo đủ hành lang pháp lý cho nó.

(Tính đến ngày 4.5.16)