(15/08/2016)
16.08.2016

Lễ Quan thầy năm nay, Ban Tổ chức muốn tổ chức đơn giản nên chỉ đặc biệt mời sáu giáo hạt chung quanh Tòa Giám mục là Cầu Rầm, Cửa Lò, Xã Đoài, Nhân Hòa, Bảo Nham và Đông Tháp. Tuy nhiên, cuối cùng các anh chị em thuộc nhiều giáo hạt khác đã lũ lượt kéo nhau về Nhà thờ Chính Tòa để mừng Lễ Đức Mẹ. Thật rất cảm động và biết ơn anh chị em khi thấy khuôn viên và quảng trường Nhà thờ Chính Tòa chật ních những người con của Mẹ.

Một lần nữa chúng ta hiện diện ở đây để mừng Lễ Quan thầy Giáo phận và đồng thời để tuyên xưng một niềm tin truyền thống trong Giáo Hội về hồng ân cao cả mà Thiên Chúa đã ban cho Đức Mẹ. Thật vậy, Lễ Mẹ Lên Trời không phải chỉ để mừng sự kiện thân xác Đức Maria sau khi chết không bị hư nát, vì đã được Chúa đưa về trời cả hồn lẫn xác, mà còn kính nhớ việc Đức Mẹ đã chiến thắng tử thần và được tôn vinh trên thiên quốc giống như Đức Giêsu Kitô.

Bài Tin Mừng theo thánh Gioan mà chúng ta vừa nghe, tuy vỏn vẹn chỉ có ba câu, nhưng rất súc tích, phong phú, thâm thúy, cảm động, thấm đượm tình Chúa và đầy ắp tình người. Thánh Gioan cho thấy, mặc dù đã bị các thượng tế, kinh sư và luật sĩ kết án tử, dân chúng khai trừ và ngay cả các môn đệ thân tín nhất cũng bỏ rơi, nhưng Đức Kitô vẫn không hoàn toàn cô đơn. Đứng bên thập giá khổ đau của Ngài vẫn còn năm người thân yêu nhất: Đức Maria, thánh Gioan và ba người phụ nữ khác. Tất cả âm thầm và nhẫn nhục quây quần bên người tử tù nhục nhã, đang hấp hối trên thập giá khổ đau.

Giữa hoàn cảnh tuyệt đối thê lương và tuyệt vọng của một tử tù đang hấp hối, Đức Giêsu đã quên nỗi nhục và nỗi đau của bản thân để tiếp tục lo lắng về tương lai của Đức Mẹ và những người môn đệ thân yêu còn lại nơi dương thế. “Khi thấy thân mẫu và người môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con Bà”. Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh”. Thánh Gioan viết tiếp: “Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19, 26-27).

Một số nhà chú giải lưu ý chúng ta về một chi tiết quan trọng trong bản văn Hy Lạp: Đức Giêsu nói với người mẹ, chứ không phải nói với Mẹ của Người. Đây là một chi tiết biểu tượng chứa đựng nhiều ý nghĩa thần học: Đức Maria không chỉ là mẹ của Đức Giêsu, mà sẽ là mẹ của tất cả các tín hữu. Chính câu nói biểu tượng này đã vén mở cho chúng ta đôi chút về mầu nhiệm đời sống Kitô hữu: chúng ta là thành viên của một gia đình thiêng liêng có Thiên Chúa là Cha, có Đức Maria là Mẹ, với vô vàn anh chị em. Vì vậy, không ai có thể là môn đệ đích thực của Đức Kitô mà không đón rước Đức Mẹ về nhà mình, theo gương thánh Gioan.

Không ai ở trần gian này hiểu thấu đáo lời di chúc của Chúa hơn Mẹ Maria, do đó, trải qua hơn hai ngàn năm lịch sử, Đức Mẹ đã tận tình lo lắng, nâng đỡ và ủi an đàn con thân yêu của mình. Mẹ đã đứng giữa cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi trong biến cố Chúa Thánh Thần Hiện xuống và từ đó đến nay, Mẹ luôn đau đáu trước những hoạn nạn, khổ đau, oan khiên của biết bao Kitô hữu khắp năm châu, bốn bể. Không có nơi nào mà chưa ghi dấu chân Mẹ và cũng chưa thấy ai trên trần gian thành tâm kêu cầu Mẹ, mà Mẹ không trợ giúp. Trái lại, chính nhờ sự bầu cử của Mẹ mà Thiên Chúa đã giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng, hạ bệ những người quyền thế, nâng cao mọi kẻ khiêm nhường, ban của cải đầy dư cho người nghèo đói và đuổi người giàu có trở về tay không (Lc 1,51-53).

Phát xuất từ niềm tin và cảm nghiệm tâm linh đó, người Công giáo đã dành một chỗ đặc biệt cho Đức Mẹ trong tâm hồn, trong cuộc sống, trong suy tư và hành động của mình. Các thánh đường và trung tâm hành hương mang danh Mẹ mọc lên khắp nơi trên thế giới. Cũng chính từ niềm tin truyền thống đó, mà năm 1892, Đức Cha Pineau Trị đã long trọng dâng giáo phận Vinh cho Đức Mẹ.

Hạt giống Tin Mừng đầu tiên được gieo xuống mảnh đất Nghệ - Tĩnh- Bình vào cuối tháng 3 năm 1629. Bất chấp mọi nghịch cảnh, những khó khăn về xã hội-chính trị, cũng như những chia rẽ nội bộ giữa các nhóm thừa sai, cộng đoàn Công giáo Nghệ-Tĩnh-Bình trong hơn 200 năm đầu tiên vẫn không ngừng phát triển. Nhưng kể từ sắc chỉ cấm đạo của các vua triều Nguyễn và nhất là phong trào Văn Thân, người Công giáo đã phải gánh chịu nhiều tai ương, hoạn nạn và chết chóc. Trong giai đoạn đau thương đó, biết bao làng Công giáo đã bị phá hủy bình địa, bao nhiêu gia đình phải phân tháp, bị tịch thu tài sản, hàng vạn người bị chết đói và nhiều người con anh dũng đã đem chính cuộc sống để làm chứng cho đức tin!

Từ cuối năm 1886, phong trào Văn Thân hầu như tan rã. Trên lý thuyết, Công giáo không còn bị bách hại nữa, nhưng trong thực tế, người Công giáo vẫn gặp phải sự thù nghịch và muôn vàn khó khăn từ nguyên nhân xã hội và chính trị. Trong phúc trình năm 1892, Đức cha Pineau Trị viết: “Năm này đã cho chúng tôi con số tổng cộng 4.052 phép Rửa người lớn. Con số này đã có thể tăng gấp đôi nếu cuộc bách hại không xảy đến, ngăn cản đà người ngoại theo đạo thánh chúng ta. Trong nhiều huyện, sự tàn phá của loạn quân chưa dừng lại, và giữa tiếng binh khí, tiếng nói của thừa sai chỉ có thể đến tai người dân bất hạnh một cách khó khăn; họ bị dày xéo bởi một bên là cuộc nổi loạn và bên kia là các đội quân của chính phủ mà các cuộc hành quân không kém đáng sợ hơn quân nổi loạn”. Người Công giáo vẫn phải tiếp tực gánh chịu những bất công, phân biệt đối xử và muôn vàn khó khăn trong xã hội.

Để đối phó với hoàn cảnh khó khăn đó, Đức cha Pineau Trị đã có sáng kiến dâng Giáo phận cho Đức Mẹ, đặt Giáo phận dưới sự che chở của Mẹ từ nhân. Đây là một ý định mà ngài đã ấp ủ từ lâu, có lẽ từ những thời kỳ gian khổ nhất trong các biến cố Văn Thân 1874 và 1885. Trong Thư chung ngày 14-4-1892, ngài thổ lộ: “Từ khi Đức Chúa Trời đặt Thầy lên coi sóc Địa phận này, có một việc này Thầy ước ao làm đã lâu mà đến năm này mới liệu được, là phó lót Địa phận Nam này cho rất Thánh Đức Bà gìn giữ. Vậy Thầy đã định chọn ngày lễ rất Thánh Đức Bà linh hồn và xác lên thiên đàng mà nhớ đến sự ấy. Cho nên từ năm này mà đi, ngày lễ Đức Bà lên trời khắp cả Địa phận nầy đều phải làm một lễ trọng tại họ chính nhà xứ và chiều hôm ngày ấy thì đi kiệu trọng thể mà xin Đức Bà ghé mặt lại thương xem gìn giữ Địa phận ta cách riêng”.

Năm nay, giữa những ngổn ngang, khó khăn của đất nước, cũng như của miền đất thân yêu này, chúng ta lại quây quần bên Mẹ để tha thiết xin Người cầu bầu cho quốc thái dân an. Thật vậy, đất nước chúng ta đang trải qua giai đoạn “tranh tối tranh sáng”, với nhiều hy vọng và đầy âu lo. Bên cạnh một số tiến bộ nhờ tiến trình hội nhập vào dòng chảy chung của nhân loại, đất nước chúng ta đang phải đối diện với đe dọa mất chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, với thảm họa môi trường sinh thái như chưa từng thấy, tham nhũng và lợi ích nhóm ngự trị khắp nơi, nợ công tăng cao, nền kinh tế suy thoái không có khả năng tạo việc làm cho người dân, mức lương tối thiểu quá thấp đang bần cùng hóa người lao động, nền giáo dục mất định hướng, bạo lực tràn lan, nhân phẩm nhân quyền chưa được tôn trọng, phẩm chất cuộc sống giảm…

Với tư cách là người Công giáo và người Công dân, chúng ta có trách nhiệm với quê hương đất nước và các thế hệ tương lai, quyết tâm xây dựng một xã hội nhân ái và công bằng hơn, nhất quyết bảo vệ môi trường sinh thái và hiệp thông chia sẻ với những người đang là nạn nhân của thảm họa ô nhiễm môi trường. Hơn bao giờ hết, chúng ta phải tha thiết nài xin Đức Mẹ giúp chúng ta giữ vững căn tính Kitô hữu của mình, có trách nhiệm với quê hương đất nước và với các thế hệ tương lai, đồng thời hiệp thông với những người đang là nạn nhân của thảm họa môi trường biển, cũng như nạn nhân của rất nhiều thảm họa khác. Xin Đức Maria cho chúng ta can đảm thực hiện quyền công dân được Hiến pháp Việt Nam và các Công ước Quốc tế quy định, thể hiện một cách ôn hòa quyền đòi sự minh bạch trong việc điều hành đất nước, cũng như xử lý các thảm họa môi trường và buộc những người gây ra thảm họa phải bị xét xử đúng với công lý, đồng thời bồi thường xứng đáng cho các nạn nhân.

Hiện diện với chúng ta hôm nay có một linh mục và một số giáo dân đang bị bệnh vì lượng chì và thủy ngân trong máu vượt quá cao. Xin Đức Mẹ cứu giúp những người nghèo nàn, khốn khổ, các nạn nhân môi trường, những ốm đau, tật nguyền và xin Người đoái thương đến giáo phận Vinh cũng như vùng đất thân yêu trong giai đoạn nguy nan này.
Phaolô Nguyễn Thái Hợp
Giám mục giáo phận Vinh