Vũ Xuân | Thứ Năm, 29/06/2017 17:09 GMT +7

Việc Công an TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái bắt và khởi tố Lê Duy Phong, Trưởng ban Bạn đọc Báo điện tử Giáo dục Việt Nam (Giaoduc.net.vn), có “hành vi lợi dụng hoạt động báo chí để chiếm đoạt tài sản” trong vụ nhận tiền doanh nghiệp trưa 22/6 tại tổ 66, phường Nguyễn Thái Học, TP Yên Bái đang được dư luận xã hội tiếp tục quan tâm.

Đúng là “cháy nhà” mới lộ ra đủ thứ! Trong họp báo sáng 28/6, Trung tướng Đỗ Kim Tuyến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an cho biết đã có báo cáo ban đầu của Công an tỉnh Yên Bái về việc CATP Yên Bái bắt giữ nhà báo Duy Phong ngày 22/6.

“Đến nay, theo báo cáo của Công an Yên Bái, ngày 16/6, PV Duy Phong đã lên Yên Bái gặp ông Vũ Xuân Sáng, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, nêu một số vi phạm của Sở. Đồng thời, PV Phong cung cấp một số thông tin để giải quyết, yêu cầu ông Sáng chuyển 200 triệu đồng.

Thời điểm đó, ông Sáng không có đủ tiền nên chuyển cho Phong 100 triệu đồng, chiều chuyển tiếp 100 triệu đồng”, Trung tướng Tuyến thông tin.

Đúng là “cháy nhà” mới lộ ra đủ thứ! Trong họp báo sáng 28/6, Trung tướng Đỗ Kim Tuyến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an cho biết đã có báo cáo ban đầu của Công an tỉnh Yên Bái về việc CATP Yên Bái bắt giữ nhà báo Duy Phong ngày 22/6.

“Đến nay, theo báo cáo của Công an Yên Bái, ngày 16/6, PV Duy Phong đã lên Yên Bái gặp ông Vũ Xuân Sáng, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, nêu một số vi phạm của Sở. Đồng thời, PV Phong cung cấp một số thông tin để giải quyết, yêu cầu ông Sáng chuyển 200 triệu đồng.

Thời điểm đó, ông Sáng không có đủ tiền nên chuyển cho Phong 100 triệu đồng, chiều chuyển tiếp 100 triệu đồng”, Trung tướng Tuyến thông tin.

Như vậy thì tính chất vụ án liên quan đến Nhà báo Lê Duy Phong sẽ không còn như khởi tố ban đầu có “hành vi lợi dụng hoạt động báo chí để chiếm đoạt tài sản”. Theo ông Lê Thanh Vân, đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, TS luật học, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội trả lời báo chí đã đặt vấn đề nếu hành vi của ông Sáng đưa 200 triệu cho Nhà báo Duy Phong là có thật thì sẽ cần quan tâm đến việc khởi tố, cấu thành tội "đưa và nhận hối lộ".

Nếu cấu thành tội đưa hối lộ thì phải khởi tố cả người đưa hối lộ và người nhận hối lộ. Theo như tôi (Lê Thanh Vân) được biết thì công an TP Yên Bái khởi tố nhà báo Duy Phong về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của người khác. Nếu như thế thì cấu thành tội phạm cũng sẽ khác.

Nếu là tội lợi dụng chức vụ quyền hạn thì yếu tố cấu thành tội phạm sẽ khác. Điều này công an phải làm rõ để thông tin cho dư luận", đại biểu Lê Thanh Vân đặt vấn đề.

Vị đại biểu Quốc hội Cà Mau này cho rằng hiện nay có tình tiết mới là việc ông Vũ Xuân Sáng đưa 200 triệu cho nhà báo Duy Phong nên quá trình diễn biến vụ việc rất phức tạp và điều đó có thể chuyển biến sang tội danh khác.

"Quá trình điều tra cần làm rõ thông tin chuyển đổi tội danh. Không chỉ người nhận hối lộ bị khởi tố mà cả người đưa hối lộ cũng sẽ bị khởi tố. Điều này đã quy định cụ thể trong luật hình sự", đại biểu Lê Thanh Vân nói.

Tuy nhiên, dưới góc độ của một người nghiên cứu luật, đại biểu Lê Thanh Vân nhận thấy công an TP Yên Bái đã không trả lời được các câu hỏi của phóng viên liên quan đến vai trò của những người trong bữa ăn ngày hôm đó là ông Thực (giám đốc doanh nghiệp) và anh Công (bạn của nhà báo Lê Duy Phong).

“Không biết vì động cơ, mục đích gì mà ông Thực dúi cho ông Phong 50 triệu đồng?”, vị tiến sĩ luật học này cũng đặt câu hỏi.

Đại biểu Lê Thanh Vân cho biết: "Hiện nay dư luận cũng đặt ra câu hỏi có hay không có mối liên hệ giữa việc nhà báo Duy Phong – đang là tác giả của hàng loạt phóng sự về biệt phủ ở Yên Bái thì lại bị bắt vì tội lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của người khác".

Vụ Lê Duy Phong đã không chỉ kéo ông Vũ Xuân Sáng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư dính vào “đưa hối lộ” mà còn liên quan đến biệt phủ của Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Phạm Sỹ Quý là em trai của Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái; rồi biệt phủ của Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái; Việc bổ nhiệm, cấp đất cho Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Phạm Sỹ Quý; Việc kê khai tài sản...Có thể nói là liên quan đến cả hệ thống, rút dây động rừng!

Đối với biệt phủ của Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Phạm Sỹ Quý, ông Phan Trọng Đạt, Cục trưởng Cục chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ trả lời VOV hôm nay (29/6/2017) nêu rõ: Một trong những nội dung cần làm rõ là thanh tra việc quản lý đất đai, cấp giấy phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép của UBND tỉnh Yên Bái đối với thửa đất này có liên quan đến bà Hoàng Thị Huệ và ông Phạm Sỹ Quý.

Việc thứ hai là thanh tra việc chấp hành pháp luật và phòng chống tham nhũng đối với người có nghĩa vụ phải kê khai tài sản liên quan đến thửa đất tại phường Minh Tân của thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái. Đây là hai nội dung chính được dư luận, báo chí đề cập đến.

Sự việc một ngày cấp 6 giấy cấp phép xây dựng là có cơ sở, mặc dù chưa có kết luận. Đây cũng chính là một nội dung trong việc cấp phép và quản lý đất đai, và cần được làm rõ. Cụ thể như thế nào thì sẽ trả lời công luận. Bởi trong thực tế, cần phải xem hồ sơ là có phải trong vòng 1 ngày kí văn bản hay không? Quan trọng nhất là việc nộp hồ sơ theo quy định từ ngày nào? Điều này thanh tra sẽ làm rõ... Tỉnh Yên Bái chủ động đề nghị Thanh tra Chính phủ giúp đỡ. Nếu như tỉnh có làm đúng đi chăng nữa thì dư luận cũng có quyền nghi ngờ về sự khách quan, việc sự minh bạch hay sức ép… Trong vụ việc này, Tổng Thanh tra Chính phủ đã quyết định giao Cục Chống tham nhũng trực tiếp làm. Tôi cho quyết định này là hợp lý. Sau khi có kết luận thanh tra sẽ trả lời công luận.

Còn đối với khu biệt thự “khủng” được cho là của Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái, Trung tướng Nguyễn Văn Lưu - Chánh Thanh tra Bộ Công an trả lời báo chí trong cuộc họp báo diễn ra sáng hôm qua (28/6/2017) cho biết, Bộ mới chỉ nhận được thông tin trên qua báo chí. Bộ sẽ tiến hành nắm tình hình, căn cứ luật thanh tra và các quy định của Chính phủ về kê khai, minh bạch tài sản, nếu đủ căn cứ sẽ tiến hành thanh tra, làm rõ. Khi có kết luận thanh tra, Bộ sẽ có thông tin chính thức tới các cơ quan báo chí.

Yên Bái là tỉnh nghèo, đời sống đồng bào các dân tộc vùng cao còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, Trung ương thường xuyên phải hỗ trợ cứu đói lúc giáp hạt mà mấy vị giám đốc sở đều có biệt phủ “khủng” thì dân chúng không thể không suy nghĩ về sự quá giàu sang của những vị này? Họ có còn xứng đáng là “đầy tớ của dân” hay sự giàu có đó là “đúng quy trình”, mặc nhiên "ăn trên ngồi trốc" dân?

Vụ hai quan chức: Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái bị một quan chức dưới quyền bắn chết mùa Thu năm ngoái vẫn đang là hồi chuông cảnh tỉnh tuột bậc về công tác cán bộ không chỉ đối với Yên Bái mà là bài học rất đắt giá cho cho tất cả chúng ta.

Tin rằng các cơ quan chức năng ở Trung ương vào cuộc sẽ làm sáng tỏ các vụ việc, đảm bảo khách quan, công bằng, minh bạch, xử lý nghiêm minh trên tinh thần thượng tôn pháp luật, gây dựng lại lòng tin với dân chúng.

Điều 289 Bộ luật Hình sự quy định về tội đưa hối lộ:

1. Người nào đưa hối lộ mà của hối lộ có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần, thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ sáu năm đến mười ba năm:
a) Có tổ chức; b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
c) Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ;
d) Phạm tội nhiều lần;
đ) Của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng; e) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười ba năm đến hai mươi năm:
a) Của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ.
6. Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ".